Đầu hè, nhìn chị chị em em xúng xính váy áo đi làm, mẹ lại thèm. Sáng nay đi chợ, mẹ nhìn thấy một chiếc váy hoa xanh rất xinh. Cũng lâu lắm rồi mẹ chẳng mua cho mình một bộ áo mới nào. Tần ngần đứng trước cô bán hàng, mẹ đã định rút ví. Nhưng lại thôi.
Mẹ nhớ chuyện ngày xưa...
....
Ngày xưa mẹ nuôi Bin, mẹ cầu kỳ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Lần đầu chăm con, gia đình lại có điều kiện, mẹ không tiếc tiền mua cho Bin những gì tốt nhất. Bỉm của con phải là hàng Nhật xịn để không bị hăm. Sữa của con phải là sữa Pháp có thật nhiều DHA để con có thể cao lớn, thông minh vượt trội. Quần áo của con mẹ cũng sợ hàng chợ, hàng Tàu làm hỏng làn da nhạy cảm của con lắm. Mẹ đặt tận tay từng cái áo, cái quần hàng hiệu nhờ người xách về từ tận nước Mỹ xa xôi. Bát, thìa, bình sữa cho đến cái gối, cái chăn…tất cả đều la đồ xịn đồ chuẩn.
Đến khi con ăn dặm, mẹ lại càng kỹ tính hơn nữa. Thức ăn cho trẻ sơ sinh, cho một em bé với hệ tiêu hóa còn non nớt như con, làm sao mẹ có thể chủ quan? Đồ ăn cho Bin: Rau nhất nhất phải mua ở siêu thị, có tem mác đầy đủ cẩn thận, thịt cũng không thể tùy tiện mua thịt ôi, thịt bơm hơi ngoài chợ. Mỗi ngày Bin đều được bổ sung một hộp sữa chua hoặc váng sữa ngoại. Hoa quả thì mẹ cũng chẳng tiếc cho con ăn những thức quả đắt tiền như dâu tây hay kiwi. Những khi không nhờ được người quen xách tay được bánh kẹo, sữa chua hay hoa quả nhập về cho Bin, mẹ lại than ngắn thở dài với bố. Những khi siêu thị hết rau hết thịt, mẹ lại dứt khoát cho con ăn bột ngoại ăn liền chứ không chịu lấy mớ rau muống “đen xì” ngoài chợ hay miếng thịt gà đầy ruồi bâu trên mẹt.
Bạn bè thân thiết hỏi mẹ “Nuôi con cầu kỳ thế, sau này liệu nó có hòa nhập được với cuộc sống bình dân?”, mẹ cười xòa vì chẳng sợ có ngày con mẹ phải “bình dân”, nghèo khổ. Người ngoài ganh ghét cạnh khóe mẹ “Trẻ con ngày xưa ăn đất ăn cát vẫn khôn lớn giỏi giang?”, mẹ bình tĩnh mà nói lại rằng “Đất cát ngày xưa nó sạch nó lành, đất cát ngày nay đầy hóa chất, đầy thuốc sâu. Có ai dám cho con ăn không?”.
Với mẹ, cho con những gì tốt đẹp nhất, bao bọc con trong môi trường an toàn nhất là điều mẹ tự hào vì có thể làm được. Vậy nhưng mẹ không ngờ, lại có ngày mẹ phải nghèo khổ, Bin của mẹ phải ăn đồ "bình dân".
Gia đình phút chốc không được giàu có như xưa, Bin chẳng thể thích nghi được với cuộc sống "bình dân" (ảnh minh họa)
Mấy hôm trước, Bin níu áo mẹ thẽ thọt “Mẹ ơi con thích ăn cá hồi”. Ngày xưa, mẹ toàn mua cá hồi nấu cháo cho Bin ăn, khi con đi mẫu giáo lại chuẩn bị cả hộp ruốc cá hồi to tướng, lén đút tay cô để buổi trưa cơm nhà trường chán thì cô cho Bin ăn riêng đỡ đói. Vậy nhưng thời buổi bão giá, kinh tế gia đình cứ ngày một khó khăn, Bin lên lớp một cũng là khi công ty bố giải thể vì phá sản. Mẹ dần thay thế những bữa cá hồi của Bin bằng cá rô, cá đồng, những con cá bé xíu nhưng để Bin chịu ăn, mẹ cần mẫn ngồi róc xương, lọc thịt từng tí một cho con. Hôm nào có cá là Bin thích lắm.
Hôm qua, Bin lại chạy vào bếp khi mẹ nấu ăn:
- Mẹ ơi con thích ăn cá lắm.
- Ừ! Mai đi chợ, mẹ mua cá làm cá rán sốt cà chua cho Bin nhé
- Bố có lương chưa hả mẹ?
- Con hỏi làm gì?
- Tuần trước mẹ nói với Bin là Bin ngoan, cuối tháng bố có lương, mẹ mua cá hồi cho Bin còn gì?
Mẹ vừa thương con, vừa xấu hổ.
………
Đầu hè, nhìn chị chị em em xúng xính váy áo đi làm, mẹ lại thèm. Sáng nay đi chợ, mẹ nhìn thấy một chiếc váy hoa xanh rất xinh. Cũng lâu lắm rồi mẹ chẳng mua cho mình một bộ áo mới nào. Tần ngần đứng trước cô bán hàng, mẹ đã định rút ví. Nhưng lại thôi. Mẹ đi nhanh đến siêu thị trước mặt.
Hôm nay, mẹ đã nấu cháo cá hồi cho Bin ăn. Nhìn con ăn ngon lành, hết sạch hai bát tô đầy còn liếm miệng thòm thèm mà mẹ bỗng cay cay sống mũi. Ước gì mẹ có nhiều tiền để mua thật nhiều cá hồi cho con, để Bin còn bé nhưng chẳng phải thua bè kém bạn.
Tối ấy đi ngủ, Bin lại ôm mẹ thủ thỉ “Mẹ ơi ước gì lại được quay lại ngày xưa mẹ nhỉ. Con thích ăn cháo cá hồi với cháo chim cơ, không thích ăn cháo tim, ăn cá rô nhiều xương đâu mẹ ạ.”. Lòng mẹ tê tái vì câu nói ngây ngô của Bin. Mẹ phải làm sao để có thể mua cá hồi cho Bin ăn hàng ngày được đây. Chỉ tại mẹ, tại mẹ ngày xưa đã nuôi con quá cầu kỳ.
Theo tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail thuhuong79....@..............