Chia sẻ với các bà mẹ của CLB 9 tháng 10 ngày (Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM), tiến sĩ Tạ Thị Tuyết Mai (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia định) cho biết, chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh phải đáp ứng được hai mục tiêu: vừa đủ sữa cho con để bé phát triển thể chất, phát triển trí não, hoàn thiện hệ miễn dịch, vừa giúp mẹ trở về cân nặng như trước khi mang bầu và đủ sữa nuôi con.
Vì thế, mẹ phải ăn đủ năng lượng và đủ các nhóm thực phẩm. Mẹ cũng nên chọn thực phẩm lành mạnh, thay vì chỉ ăn thịt để có đạm thì nên ăn đủ cá, tôm, đậu nành, trứng, sữa. Theo bác sĩ Tuyết Mai, việc kiêng ăn đồ tanh trong 3 tháng đầu để không bị tiêu chảy hay sau này không đau bụng là không có cơ sở khoa học.
Những thực phẩm giúp mẹ lợi sữa gồm có rau thì là, cỏ methi, mè (vừng), tỏi, cà rốt, đu đủ xanh, đậu đen, nghệ, gừng, ngò rí (mùi ta), móng giò... Bản chất của thực phẩm lợi sữa là chứa nhiều phyto oestrogen, an thần thực vật, strerol thực vật, tryptophan. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể mẹ sẽ giải phóng Oestrogen và Prolactin, từ đó tiết ra sữa nhiều hơn.
Đu đủ xanh và cà rốt là những thực phẩm giúp lợi sữa. Ảnh: healthybliss.net |
Để giúp phát triển trí não của trẻ, mẹ nên tăng cường ăn các dưỡng chất có ích cho não và mắt bé, đó là những thực phẩm giàu omega 3 (DHA) như cá thu, cá chích, cá mòi, cá hồi, có thể uống bổ sung viên dầu cá 1 g mỗi ngày, hoặc ăn rong biển, đậu nành, những nguồn rất giàu omega thực vật.
Mẹ nên tránh những thực phẩm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí não của trẻ, đó là chất có cồn (chỉ uống tối đa 150 ml vang/2 ngày), cà phê uống ít hơn 2 ly mỗi ngày, chocolate, đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt. Mẹ chú ý không nên ăn cay quá hay chua quá khi đang cho con bú vì như thế có thể kích thích hệ thần kinh của bé.
Mẹ nên ăn những thực phẩm giúp tăng hệ miễn dịch cho trẻ, đó là những nguồn thực phẩm có tính chống oxy hóa cao. Những rau quả tươi giàu flavonoid thường có lá màu xanh như cải, xà lách, bó xôi; những rau quả tươi giàu carotenoid thường màu vàng, như: đu đủ, mơ, cà rốt.
Tăng nguồn chất xơ có vai trò prebiotic như tỏi, chuối, măng tây, hành tây, chất xơ tan như táo, cam cà rốt, đại mạch. Ăn sữa chua để có trực khuẩn lactobacillus.
Quan niệm dân gian cho rằng bà đẻ không nên uống nước cam vì uống có thể sau này bị són tiểu được bác sĩ Tuyết Mai giải thích rằng, ngày xưa, các bà mẹ thường sinh rất nhiều con dẫn đến tầng sinh môn yếu, nên nhiều khi chỉ cần ho là đã són tiểu, chứ không phải là do uống nước cam sớm mà tiểu són. Trong khi đó, cam cũng như các loại trái cây rất có rất nhiều giá trị dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng lấy lại vóc dáng như khi chưa mang bầu, mẹ có thể sử dụng thường xuyên một số thực phẩm có hiệu quả giảm cân như 2-3 củ khoai (thay cho một bát cơm), cà chua, lựu, mật ong, đậu đen, nấm hương, bí xanh, táo, yến mạch…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 20% phụ nữ bình thường trở thành béo phì sau sinh. Mẹ không béo phì, khi mang thai tăng khoảng 12-17 kg thì sau 6-9 tháng sau sinh nếu biết ăn uống và tập luyện có thể trở lại bình thường. Nếu mang thai khiến mẹ tăng 17 kg thì sẽ mất hơn 1 năm để lấy lại dáng thon gọn.
Bên cạnh việc ăn uống, việc mẹ cho con bú thường xuyên, tập thể dục (như đi bộ, tập các động tác khoảng 20 phút mỗi ngày), uống đủ 8 ly nước cũng giúp mẹ vừa đủ sữa cho con vừa dễ lấy lại dáng.
"Để mẹ và bé cùng khỏe mạnh cần có sự phối hợp của dinh dưỡng, vận động hợp lý, mẹ cần được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày", bác sĩ kết luận.
Kim Kim