Lấy chồng đã nhiều năm và có 2 con, vợ chồng tôi sinh sống trên phố nhưng thỉnh thoảng vẫn đưa các con về quê chơi với ông bà, họ hàng. Nhất là những dịp giỗ chạp, dù cách quê 200 cây số, đi lại tốn tiền tàu xe nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng cả gia đình cùng về để các con hiểu được các phong tục tập quán quê hương, đồng thời biết chữ hiếu nhiều hơn.
Ngày hôm đó là giỗ bố chồng tôi nên vợ chồng con cái 5h sáng đã tay xách nách mang ra bến bắt xe về quê. Trời lúc đó chưa nóng nhưng cũng nắng, thế nhưng biết là sắp được về quê nên đứa nào cũng vui lắm. Chúng tôi có mặt ở quê lúc 8h sáng cũng là lúc mọi người trong nhà đang rôm rả làm cỗ. Vợ chồng tôi cũng nhanh chóng cất đồ rồi vào phụ mỗi người một tay còn lũ nhỏ thì đi quanh quẩn xem con chó, con gà.
Đến khoảng 10h là cơm cỗ đã khá tinh tươm, mẹ chồng tôi mang hẳn 1 rổ 5 con gà luộc ra giữa nhà để chuẩn bị chặt và xếp vào đĩa. Lũ nhỏ cũng vì thế mà háo hức chạy lại xem bà "múa dao". Vừa chặt gà, bà nội tụi nhỏ vừa chỉ cho chúng đâu là đầu, là cánh, là chân, bộ phận nào là ngon nhất, xếp ở chỗ nào thì đẹp... Lũ trẻ con vừa háo hức vừa đói bụng vì lúc sáng đi sớm chỉ kịp mỗi đứa gặm chiếc bánh mì.
Ảnh minh họa
Chính vì thế chúng nhao nhao xin bà 1 miếng. Đứa thì đòi chân đứa thì đòi đầu, đứa lại xin đùi. Thế nhưng mẹ chồng tôi nhất quyết chỉ cho nhìn thôi chứ cấm không đứa nào được sờ vào cũng không được ăn vì cỗ phải chặt ra mâm đàng hoàng, thắp hương cúng các cụ rồi mình mới được thừa lộc.
Trẻ con có đứa biết thì không đòi nữa nhưng đứa nào nhỏ thì òa khóc vì đói mà thèm thịt gà nhưng bà nhất quyết không cho. Bình thường ở trên nhà phố, tôi cũng hay làm cơm cúng nhưng nếu thấy con thèm quá, tôi vừa khấn các cụ cho cháu thừa lộc trước rồi vừa cho con ăn thử một miếng cho chúng thích. Chính vì thế nhìn thấy các con khóc thèm thịt gà mà bà không cho, dù là có những miếng để ra ngoài, không đặt lên mâm cúng bà cũng không cho vì bà quan niệm "các cụ chưa ăn, con cháu chưa được ăn", tôi thấy thương các con nhưng cũng không biết làm thế nào.
Thấy lũ nhỏ nháo nhác, ồn ào quá, mẹ chồng tôi đuổi chúng ta ngoài sân chơi để yên cho bà làm cỗ. Mấy anh em cũng ngoan ngoãn ra ngoài chơi, duy chỉ có thằng con út của tôi 3 tuổi cứ đứng khóc quệt nước mắt dọc ngang thèm ăn đùi gà. Bà nội thấy thế đưa chiếc đùi gà lướt qua mũi nó để ngửi 1 cái cho đỡ thèm rồi bà bắt tôi dẫn con ra ngoài chơi.
Tới lúc này, lòng thương con của người mẹ trong tôi trỗi dậy nên không thể chịu được nữa. Tôi bắt đầu lên tiếng:
- Mẹ ơi con nghĩ không nhất thiết phải thế đâu ạ, cháu còn nhỏ chưa biết gì mà chắc cháu cũng đói, bà cho cháu 1 miếng đi ạ.
Mặc cho lời "xin ăn" của tôi nhưng mẹ chồng vẫn lắc đầu nhất quyết không cho cháu ăn mà chỉ cho "ngửi".
Ảnh minh họa
Thấy con khóc, lòng tôi lại càng thương hơn. Tôi tức giận lao tới chỗ bà đang chặt thịt gà để nhặt 1 miếng thịt vụn ở ngoài thớt định bụng để dỗ dành con. Thế nhưng thấy tôi nhặt thịt, mẹ chồng cũng nhanh tay giành lấy:
- Bà đã bảo không được là không được. Ở đâu có phép tắc ở đấy, nhỏ không dạy dỗ kĩ càng lớn lên hư, đòi hỏi mọi thứ thì sao. Cô không nghe tôi, con chỉ có hỏng.
Quá uất ức vì câu nói của mẹ chồng, tôi ôm con một mạch vào trong nhà xách túi rồi đi thẳng ra ngõ. Hai mẹ con tôi bắt taxi đi thẳng lên Hà Nội. Ban đầu mọi người trong nhà tưởng rằng hai mẹ con tôi cũng chỉ đi đâu đó loanh quanh nhưng khi chồng điện cho tôi, tôi nói chuyện anh mới biết mẹ con tôi lên Hà Nội rồi.
Sau sự vụ hôm ấy, mẹ chồng tôi vẫn thỉnh thoảng nhắc lại với chồng tôi rằng tôi quá ghê gớm, quá đanh đá nhanh không biết cách dạy con, làm hư con. Chính vì những lời nói này của bà mà tôi quyết những ngày giỗ chạp sau sẽ không đưa con về nữa. 5 năm qua, chưa một lần đưa con về những ngày giỗ, đi lại vừa vất vả mà cảm thấy không thoải mái, tôi cũng ít về quê, chồng và các con thỉnh thoảng mới về.
Tâm sự từ độc giả tonhu...@gmail.com