Sau kì nghỉ Tết kéo dài với tình hình thời tiết nóng - lạnh thất thường, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng lên rất nhiều, đa phần là các ca khám bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, sốt, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi,... Trong đó, có rất nhiều trường hợp bệnh của trẻ càng trầm trọng hơn vì thói quen bao bọc, ủ ấm cho trẻ quá mức của người lớn.
Cách đây 3 ngày, chị Hoàng Ngọc A. (28 tuổi) ở Hòa Bình đã đưa cô con gái đầu lòng 2 tháng tuổi tới khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chị cho hay, sau kỳ nghỉ Tết, thời tiết chuyển nóng sang rét đột ngột nên con gái chị có những triệu chứng của ho và viêm họng.
“Thấy con ho, mình đã nghiền nhỏ thuốc và hòa với nước cho cháu uống. Đồng thời, ủ ấm cho bé bằng chăn bông để tránh gió lạnh vào người, đặc biệt là buổi tối đi ngủ”, chị Ngọc A. tâm sự.
Hai ngày sau, thấy con sốt 39 độ, vã mồ hôi, kém ăn, quấy khóc nhiều hơn, gia đình chị Ngọc A. đã vội đưa bé xuống Hà Nội khám bệnh. Tại đây, sau khi được bác sĩ thăm khám và kiểm tra, bé được bác sĩ chuẩn đoán đã bị viêm phổi nặng.
Sáng 16/2, Bệnh viện Nhi Trung ương khá nhộn nhịp với các ca khám bệnh
Nằm viện từ mùng 4 Tết, đến nay cháu Nguyễn Đức H. 7 tháng tuổi (Hưng Yên) mới được xuất viện về nhà do bị suy hô hấp, viêm phổi trong suốt thời gian dài. Chị Thơm, mẹ cháu cho biết: “Đợt Tết nắng ấm nhưng vẫn giá rét vì sợ thân nhiệt con chịu lạnh kém nên mình vẫn mặc ấm cho bé. Buổi tối rét hơn ban ngày nên mình mặc thêm áo cho cháu và cuốn chăn nỉ”.
Mấy ngày sau, bé Đức H. có ho nhẹ, chảy nước mũi nhưng vẫn ti sữa bình thường. Nghĩ con ho do thay đổi thời tiết, chị đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Tối mùng 3 Tết, ôm con ngủ thấy bé vã mồ hôi, sốt cao, gia đình chị Thơm đã đưa con vào viện thì bé đã bị suy hô hấp nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phải các bệnh lý khi thời tiết thay đổi như: Ho, viêm họng, hen phế quản, giản phế quản, viêm phổi,…Vì vậy, các bố mẹ cần phòng bệnh cho trẻ trước.
“Thông thường, buổi tối trời lạnh, bố mẹ thường mặc ấm quá cho trẻ đi ngủ. Nóng quá, trẻ sẽ dễ toát mồ hôi dẫn đến ướt quần áo. Khi đó, mồ hôi sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ, gây ra nguy cơ viêm phổi. Vì vậy, các mẹ cần mặc quần áo vừa phải và giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm. Về đêm cần kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi hay không, nếu trẻ bị ướt áo cần phải thay áo khác”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Ngoài ra, những ngày rét nhiều gia đình có con nhỏ còn dùng đèn sưởi để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong bởi có nguy cơ phát sinh ra khí cacbonnic, giảm khí oxy. Nếu trẻ hít khí này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp, thậm chí là chết ngạt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, gia đình có trẻ nhỏ nên để điều hòa cao trong phòng hoặc đun 1 nồi nước sôi to để giữa nhà sẽ giúp tăng nhiệt độ trong phòng. Đặc biệt, những ngày rét không nên tắm nhiều, tắm quá lâu cho trẻ.