Một độc giả bày tỏ nỗi lo vì nong bao qui đầu cho con: “Bum nhà em vừa tròn 9 tháng. Hôm trước đầy tháng, em có nói với ông bà nội sẽ đưa Bum đi nong bao qui đầu. Theo như em tìm hiểu trên mạng và cũng nghe các chị ở cơ quan kháo nhau là nên cho con đi nong bao qui đầu càng sớm càng tốt. Tốt nhất là đưa con đi từ hồi 6,7 tháng, càng để lâu, khi nong con sẽ càng đau. Vậy nhưng vì thương Bum nên em dùng dằng mãi đến 9 tháng mới quyết”.
Tuy nhiên, khi bày tỏ vấn đề này, gia đình nhà chồng của độc giả này lại không đồng ý: "Ban đầu khi nghe em nói sẽ đưa Bum đi nong bao qui đầu, mẹ chồng em không hiểu là đi đâu. Tuy nhiên, sau khi biết rõ đi nong bao qui đầu là làm gì, bà dứt khoát không cho em đưa Bum đi. Mẹ chồng em bảo em là bày vẽ, đọc internet lắm nên bây giờ quay ra "hành" con. "Ngày xưa tôi nuôi chồng chị có cần nong với tụt gì đâu mà nó vẫn lớn ầm ầm, vẫn sinh con đẻ cái bình thường đấy thôi?"
Trao đổi với chúng tôi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Với trường hợp của bà mẹ có con 9 tháng này, phải đưa bé đi khám, nếu hẹp da quy đầu thực sự cần phải được hướng dẫn nong da quy đầu đúng cách”
Được biết, hẹp bao quy đầu là hẹp lỗ mở của bao quy đầu làm cho bao quy đầu không tách rời được khỏi quy đầu. Có hai dạng hẹp bao quy đầu, hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Trong đó, hẹp bao quy đầu sinh lý do bao quy đầu dính vào quy đầu và miệng sáo. Còn hẹp bao quy đầu bệnh lý là do hẹp thực sự sau những đợt viêm nhiễm.
Mẹ có thể kiểm tra vùng kín của bé khi tắm (ảnh minh họa)
Không được chủ quan
Còn Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Anh Tuấn (Trưởng khoa Niệu – Nam khoa Bệnh viện Quốc Tế Thành Đô) cho biết: “Thấy bao quy đầu của các cháu hẹp hay khi tiểu thấy bị căng phồng trước khi tiểu, đôi khi mỗi lần tiểu lại thấy các cháu khóc thét thường là mối bận tâm của các bậc phụ huynh trong một thời gian dài”
Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, chúng ta cần hiểu rõ, ở các bé trai sơ sinh, lớp trong bao quy đầu hợp nhất với phần quy đầu, dần dần các lớp tách biệt rõ ràng để quy đầu không còn bị dính, lớp biểu mô tách cùng phần nước tiểu đọng có thể hình thành các lớp bựa trắng gọi là “Smegma”. Một vài trường hợp có thể thấy nổi gờ lên hoặc vùng màu trắng dưới vùng khất của quy đầu, đây là quá trình sinh lý bình thường ở trẻ đến 3-4 tuổi.
Khi lớn lên theo tuổi phần da sẽ sẽ tự động lật bung ra từ từ tạo điều kiện vệ sinh dễ dàng và tránh sự ứ đọng nước tiểu gây nhiễm trùng. Khi trẻ lớn hơn 5 tuổi mà tình trạng vẫn không đổi, trẻ sẽ dễ bị thương tổn nặng hơn gây khó chịu như
- Kích ứng tại chỗ và ngứa do chất bựa.
- Đi tiểu khó khăn.
- Khi đi tiểu vùng da bị phồng lên như trái banh nhỏ rồi mới tiểu ra được.
- Nhiễm trùng tại chỗ gây viêm quy đầu và da quy đầu.
Khi các trẻ đã xuất hiện các triệu chứng trên, tốt nhất các bà mẹ nên cho bé đi khám với các bác sĩ chuyên khoa Nhi, Khoa Niệu hoặc Nam khoa để các bác sĩ giúp bé đánh giá mức độ thắt nghẹt, mức độ nhiễm trùng, hướng dẫn cho người thân cách vệ sinh, chăm sóc.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Khi trẻ không có các biểu hiện trên, nhưng người nhà lo lắng liệu có bị hẹp bao quy đầu không để ngừa trước, thời điểm nào nên lật da quy đầu, thời điểm nào nên mổ. Chúng tôi khuyến cáo rằng, đối với các trẻ sơ sinh và nhũ nhi, đừng cố gắng tụt da bao quy đầu lên vì thao tác này không có lợi cho các bé. Đến năm 3-4 tuổi có quá trình cương tự nhiên trong lúc ngủ và thỉnh thoảng trong ngày sẽ bắt đầu thúc cho dương vật nong dần phần da bao, để da bao nở dần và tiến tới tụt lên xuống dễ dàng khi tiểu hoặc vệ sinh”.
Qua 5 tuổi, nếu thấy da bao còn quá chít hẹp hay gây khó khăn cho các cháu khi tiểu hay vệ sinh, có thể tập cho cháu thói quen mỗi lần tiểu lận nhẹ da quy đầu xuống rồi tiểu để hạn chế nước tiểu đọng lại nhiều trong bao quy gây nhiễm trùng, nếu được rửa nước sau mỗi lần tiểu. Nếu cháu bị đau hay nứt da có thể cho cháu thoa các loại cream phù hợp với trẻ em (theo chỉ định của bác sĩ) để cho cháu đỡ khó chịu. Dần dần, các cháu sẽ thao tác dễ dàng thành một thói quen hằng ngày.