Học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19, nhiều phụ huynh cũng nghỉ việc hoặc làm ở nhà nên đã tận dụng khoảng thời gian này để dạy con tính tự lập và các kỹ năng mới. Đây cũng chính là dịp để nhiều trẻ có thêm “cơ hội vàng” được mẹ dạy cho cách thích nghi với cuộc sống.
Bé Kem 8 tuổi và em trai.
Chị Thanh Phan (Hà Nội) là một trong số những mẹ như vậy. Khoảng thời gian dài các con nghỉ học tránh dịch COVID-19, chị đã dạy được cho bé Kem (8 tuổi) nhiều kỹ năng sống như nấu cơm, cuốn nem, nhặt rau, các kỹ năng xử trí khi không may bị bỏng trong nấu ăn, cung nhiều hoạt động thể lực khác. Với mẹ con chị, đây là những ngày nghỉ “bất đắc dĩ” nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trên hành trình nuôi dạy con.
Dù còn rất bé nhưng bé Kem rất thích công việc bếp núc.
Là mẹ của 2 con, với công việc tự do, dịp này chị Thanh dành hầu hết thời gian ở nhà với con. Thay vì can thiệp sâu, hay yêu cầu con phải hoạt động theo lịch mà mẹ mong muốn, chị dành quãng ngày nghỉ này để quan sát và lắng nghe mong muốn của con.
Mỗi khi tập gọt hoa quả, bé luôn được mẹ hướng dẫn dùng dao sao cho an toàn.
Bé Kem năm nay đang học lớp 2, ngay từ những ngày còn nhỏ đã tỏ ra là một cô bé khá nghịch ngợm, thích bắt chước người lớn mỗi khi thấy bố mẹ lau rửa, dọn dẹp nhà cửa. Lớn hơn một chút con luôn năng nổ giúp mẹ nhặt những loại rau củ quả đơn giản như bẻ đỗ, tuốt rau ngót.
Thời gian này, bé Kem đang nghỉ học tránh dịch, ngoài thời gian làm các bài tập về nhà do giáo viên giao thì bé tự giác lau chùi tủ lạnh, bàn bếp. Lúc này chị Thanh nảy ra ý tưởng sẽ cùng con vào bếp để giúp Kem làm quen với một vài kỹ năng sinh tồn.
Quãng thời gian nghỉ học ở nhà để phòng dịch COVID-19, bé được mẹ dạy nấu cơm và tỏ ra khá thuần thục từ những ngày đầu tiên.
Nghĩ là làm, sang tuần thứ 3 kể từ ngày nghỉ học phòng chống dịch COVID-19, chị bắt tay vào hướng dẫn bé Kem nấu cơm. Mẹ Hà Nội kể: “Mình đã hướng dẫn con lấy gạo đủ theo số người ăn, hướng dẫn con vo gạo, đổ nước thừa vào thùng để tưới cây, đổ nước vào gạo để cắm cơm bằng cách đặt nồi trên mặt phẳng san bằng gạo và đổ nước cách 1 đốt tay của con, tuỳ theo gạo mới hay cũ để mẹ hướng dẫn con.
Kem rất thích trò chơi với nước và gạo, con hào hứng tự làm. Mẹ hướng dẫn cho con cách vo gạo, đong nước, lấy khăn lau khô nồi và cho vào để cắm.
Mình cũng không quên chỉ cho bé cách cắm phích điện sao an toàn nhất cho con như cắm dây vào nồi cơm trước rồi mới cắm vào phích điện và lau khô tay mới cắm. Lần tiếp theo mình không giám sát mà để con tự làm, vậy là có vài hôm cơm nhão, cơm khô. Tuy nhiên, bạn ấy tự rút kinh nghiệm và cả nhà rất vui khi ăn cơm con nấu, đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời”.
Con được dạy cách phân biệt rau già, rau non, cách đo mực nước trong nồi cơm bằng đốt ngón tay.
Chia sẻ về quá trình rèn con các kỹ năng sống, chị Thanh kể: "Có những bước Kem chưa biết làm mẹ sẽ hỏi bạn ấy có cần giúp đỡ không? Khi cảm thấy không tự làm được thì bạn ấy sẽ nhờ mẹ hướng dẫn. Mình hướng dẫn sao cho dễ hiểu nhất, ví dụ như cách gọt xoài bằng dao, làm sao đưa dao đi cho không bị mất ruột nhất mà lại vẫn gọt được, cầm làm sao cho xoài không bị nát".
Để giúp con nhận biết rau già và rau non, chị chỉ con bằng cách dùng ngón tay bấm vào thân nếu cứng là già cần phải bỏ đi, ngược lại nếu bấm được thì đó là rau dùng được. Bỏ lá đã nát, hỏng, ngắt rau thành phần vừa ăn tuỳ theo mỗi loại rau.
Và đây là hình ảnh cô gái đảm đang 8 tuổi giúp mẹ nẫu bữa cơm chiều.
Không dừng lại ở việc dạy con cắm cơm, nhặt rau, mẹ Hà Nội còn tranh thủ dịp này để hướng dẫn con làm nem – món ăn cần rất nhiều nguyên liệu. Khi làm nem, bé Kem giúp mẹ nạo củ susu/su hào/carot, bào sợi hoặc thái, ngâm miến, mộc nhĩ, nấm hương, trộn nhân, đập trứng, nêm gia vị... “Phần cuốn nem mẹ sẽ chỉ cho bé Kem sẽ dùng thìa để xúc dễ định lượng, lấy ở giữa lá nem làm trung tâm để gấp 2 mép (nhà mình làm dài bằng 1/2 lá nem) nên bạn dễ cuốn, dễ bày và dày vỏ để ít khi bị bục” – chị cho hay.
Ngồi kế bên quan sát, chị Thanh liên tục nhắc con cuộn chặt tay nhất có thể, bé Kem như được tiếp thêm động lực nên hăng say cuốn. Do lá nem giòn và dễ vỡ bục nên chị vừa nói vừa chắt giấm ăn ra bát con. “Giấm ăn để làm mềm và vừa giúp vỏ nem giòn, vàng con ạ” - Bé Kem không khỏi tò mò, liền được mẹ giải thích.
Hướng dẫn con biết nấu cơm, nhặt rau thôi chưa đủ, với chị Thanh, một nguyên tắc thiết yếu cần chỉ tận tay để con có thể tự xử trí tình huống nếu không may gặp phải.
Để tránh bị bỏng tay chị dặn con dùng đũa để thả rau và dùng muỗng để thả các loại củ, quả bằng cách thả từ từ sát mặt nước chứ không thả từ trên cao.
Để hạn chế bị điện giật hay các tai nạn từ điện khác, chị luôn dặn con cần giữ chân tay khô khi cắm phích điện, sập cầu giao điện hay các nguồn điện ở bếp...
Bé Kem thái khoai tây rất thạo.
Chị kể: “Trong một lần giúp mẹ thái susu thành miếng để luộc và bé bị đứt tay. Lúc đầu con gái rất sợ nhưng mẹ cố gắng giữ bình tĩnh vừa sơ cứu vừa hướng dẫn con làm sạch vết cắt bằng cách nắm chặt phần dưới vết thương để cầm máu, rồi đi tìm bông, băng hay dây gì đó để giảm lượng máu chảy.
Vừa hướng dẫn mình vừa phân tán bằng các câu chuyện, thế là con lại có động lực để tiếp tục hào hứng giúp mẹ”.
Kem đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Khi được hỏi về lý do dạy con kỹ năng sống từ khi còn nhỏ, chị Thanh Phan cho rằng, bản thân chị muốn con học cách tự lập, rèn luyện sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay.
Khi con làm được một việc gì đó con cũng tự tin lên rất nhiều. Thời điểm còn nhỏ con sẽ học nhanh, ghi nhớ nhanh, khi lớn lên con sẽ không bị bỡ ngỡ hay lạ lẫm khi va vấp trong cuộc sống. Mặt khác, hướng dẫn con bếp núc cũng là cách để con học cách chăm sóc những người xung quanh.
Sau một thời gian ngắn nghỉ học ở nhà tránh dịch được mẹ rèn luyện, giờ đây mới học lớp 3 nhưng bé Kem đã có thể nấu được một bữa cơm đơn giản gồm: Cơm, rán trứng, luộc sussu, bày ruốc, lấy bát đũa cho mẹ và em ăn.
“Chứng kiến sự tiến bộ của con từng ngày, mình hạnh phúc lắm. Có những hôm tự con chuẩn bị đồ đến nấu chín các món, con ngồi ở sofa chờ bố đi làm về là liên mồm khoe một cách tự hào” – mẹ bé Kem không giấu được ánh mắt hạnh phúc kể lại.
Và đây là thành quả của bé sau một hồi "lọ mọ" nơi góc bếp khiến vợ chồng chị Thanh rất bất ngờ.
Đã hơn 3 tháng nghỉ ở nhà chống dịch, chị Thanh rèn con được vô số những kỹ năng sống. Với chị dạy con nấu ăn nên là một phần trong hành trình trưởng thành của trẻ và nên thực hành hàng tuần. Mỗi khi có thời gian mẹ hãy ở bên để giải thích những gì con đang làm và tại sao, để các con có thể học được điều gì đó mới mẻ trong nhà bếp.
Bé Kem bên mẹ một ngày đầu năm mới.