Nếu bố mẹ không nói chuyện cùng, bé quay ra khóc lóc giận dỗi. Ảnh: woworldsonechica.com |
Bé chỉ chào những ai mà bé rất quý và rất thân như ông bà ngoại, bà nội, cậu, dì, hoặc khi người đó cho bé một món quà gì đó, hoặc khi chào xong được làm việc gì đó bé thích như chào cô giáo xong thì được về nhà. Em nghĩ bé vừa bướng bỉnh vừa nhút nhát, sau này lớn sẽ tự điều chỉnh được nhưng chồng em rất xấu hổ vì việc đấy, mỗi khi nhắc mà bé không chào ai, anh ấy thường chê bai hoặc quát mắng con. Em nên nói gì với chồng và với bé trong vấn đề này?
Với bố mẹ, bé nói rất nhiều, nói liên tục, và rất hay lý sự. Nếu người lớn nói điều gì đó có vẻ không logic, trả lời lúc thế này lúc thế kia hay hai người trả lời khác nhau là bé thắc mắc ngay. Bố mẹ đang nói chuyện với nhau, hay đang nói chuyện với người khác, bé cũng đòi nói xen vào, đòi bố mẹ phải trả lời mình trước. Nếu không thì quay ra giận dỗi hay khóc lóc.
Ngoài ra, khi giận dỗi hay bực dọc điều gì, bé rất hay trút giận vào mẹ. Ví dụ, đang ngủ mà bị cái gì đó làm tỉnh giấc bé thường khóc rồi đánh mẹ. Đến lúc vui vẻ thì quay ra xin lỗi mẹ. Thỉnh thoảng bé cũng đánh bố nếu bố làm điều gì đó không như ý mình. Em chủ trương giáo dục con trong hòa bình nhưng chồng em thì cho rằng bé đã quá bướng bỉnh, phải dùng roi trị. Chồng em còn cho rằng vì em chiều bé quá, không dám đánh nên bé mới ghê gớm và đánh mẹ như vậy.
Có phải vợ chồng em đã quá chiều bé, chúng em nên làm gì để bé bớt bướng bỉnh, nghe lời bố mẹ hơn. Vợ chồng em có nên dùng roi dạy bé hay vẫn ngọt ngào với bé. Em cũng kể thêm là bé rất ưa ngọt, nếu được khen thì bé thường nghe lời hơn nhưng em sợ nếu khen nhiều quá liệu có làm bé ảo tưởng bản thân không? Xin chuyên gia giúp em. (Mai)
Trả lời:
Mai mến,
Qua thư bạn, tôi thấy bạn là người mẹ hiểu biết trong việc dạy con. Những băn khoăn của bạn, những việc bạn làm, những gì bạn tranh luận với chồng đều ẩn chứa tình yêu thương con với sự hiểu biết, cẩn trọng.
Cách bạn gọi con dậy rất hay, cho trẻ vài phút vận động chân tay, giúp con thích nghi với việc chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, hát cho con nghe… Cách gọi trẻ như vậy tạo ra sự dễ chịu cho cháu nên cháu đã vui vẻ chấp nhận.
Bạn cũng nhận ra tâm lý của trẻ nhỏ thích khen, ưa ngọt ngào. Khen bé nghe lời, bạn đã áp dụng thành công đắc nhân tâm với cháu đấy. Lời khen rất có giá trị trong việc dạy con. Tuy nhiên, bạn lại lo con ảo tưởng về bản thân. Lo lắng này không phải là thừa. Nhiều cha mẹ cũng đã mắc sai lầm này. Khen con nhiều quá, chê con nhiều quá đều làm hư con. Thầy Văn Như Cương đã nói: "Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ. Họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vứt đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì… Mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó”.
Tuy nhiên, con bạn có biểu hiện đánh bố mẹ, hay nổi nóng, nhút nhát, ít nói khi gặp người lạ… thì cần được điều chỉnh sớm. Vấn đề chính của vợ chồng bạn là chưa thống nhất nguyên tắc trong việc dạy cháu nên có lúc đã nhượng bộ cháu, chiều theo ý cháu, có lúc lại đánh cháu.
Thứ nhất, cha mẹ không nên đánh mắng con. Cách này chỉ làm trẻ bướng thêm. Người lớn thường có nhiều biện pháp buộc trẻ phải nhượng bộ ý muốn của mình như dùng đòn roi, bỏ đói… Nhưng cuối cùng, người thất bại lại chính là cha mẹ chứ không phải con cái, bởi đó chỉ là sự đàn áp chứ không phải giáo dục. Chính những hành vi bạo lực kể trên đã hủy hoại sự phát triển cá tính của đứa trẻ. Chồng bạn chê bai con khi con chưa chào người lớn, bắt cháu phải chào là không nên. Chúng ta nên dạy trẻ lễ phép khi chỉ có riêng cha mẹ và cháu. Việc này cần kiên nhẫn chứ không thể bắt trẻ theo ý cha mẹ ngay được. Càng không nên nghĩ lớn lên cháu sẽ tự điều chỉnh bạn nhé. Vì “bé không vin cả gãy cành”, uốn nắn từ bé là cách tốt nhất để dạy con, đợi lớn mới dạy thì đã muộn.
Thứ hai, cha mẹ cần kiên quyết. Những lúc cha mẹ đang nói chuyện với nhau, hay đang nói chuyện với người khác, bé đòi nói xen vào, đòi bố mẹ phải trả lời mình trước là hành động sai, cần điều chỉnh sớm. Ngay lúc đó cha mẹ cần nói dứt khoát: “Con đợi bố/mẹ nói chuyện với bác/chú xong rồi sẽ nói chuyện với con”. Nếu con khóc, cha mẹ nên vờ như không biết. Kiên quyết không nhượng bộ những hành vi sai của trẻ sẽ giúp trẻ không lặp lại hành vi đó, vì biết có đòi hỏi cũng không ai chấp nhận. Khóc lóc không làm người lớn mủi lòng thì lần sau trẻ sẽ bỏ cách gây áp lực lên người lớn bằng nước mắt.
Trường hợp cháu nổi nóng, đánh mẹ cũng nên ứng xử tương tự. Ngay lúc cháu đánh, cha mẹ cần nghiêm mặt nói cho con biết đó là hành vi sai, phạt cháu ở phòng riêng một mình (người lớn giám sát từ xa được) một khoảng thời gian nhất định cho cháu bình tĩnh lại, tự nhận lỗi. Khi hết giờ phạt cha mẹ gặp cháu phân tích đúng sai, tha lỗi cho cháu và nên có cử chỉ yêu thương như ôm vào lòng, xoa đầu… để trẻ không cảm thấy cha mẹ ghét bỏ, chỉ là đang sửa sai cho cháu.
Thứ ba, cha mẹ tạo điều kiện cho cháu đến nhiều nơi công cộng. Đi nhà sách, siêu thị, hay cùng con vui chơi ở trường khi đến đón cháu, cho con chơi với bạn hàng xóm, đưa con đi chơi nhà bạn bè cùng có con nhỏ… để cháu bớt dần sự nhút nhát, có cơ hội giao tiếp nhiều hơn.
Chúc vợ chồng bạn luôn hạnh phúc với vai trò làm cha mẹ!
Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Giảng viên học viện Hành chính quốc gia - TP HCM