Cúm dạ dày là tên gọi nôm na của viêm đường tiêu hóa hay viêm dạ dày - ruột do virus, một tình trạng bệnh lý mà khi đó lớp niêm mạc dạ dày hay đường ruột bị tấn công bởi một loại virus, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng nào đó. Khi trẻ mắc phải bệnh lý này thường có triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, và cũng có thể bị đau bụng, ớn lạnh, đau nhức và sốt.
Nguyên nhân gây bệnh là do rotavirus (một loại virus gây bệnh viêm ruột và dạ dày), adenovirus (virus gây bệnh đường hô hấp) và echovirus (vi khuẩn trong dạ dày, ruột người). Theo các bác sĩ chuyên gia, căn bệnh này sẽ không nguy hiểm và được chữa khỏi trong một vài ngày nếu các mẹ biết cách điều trị và chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Dưới đây là những điểm các mẹ cần lưu ý để phòng và chữa trị cho trẻ khi mắc bệnh cúm dạ dày.
Phân biệt cúm dạ dày và ngộ độc thực phẩm
- Cúm dạ dày: Một số trẻ mắc bệnh này sẽ giảm sự thèm ăn, nôn mửa và tiêu chảy. Một số trẻ có thể bị sốt.
Tiêu chảy là một trong những triệu chứng của bệnh (Ảnh minh họa)
- Ngộ độc thực phẩm: trường hợp này cũng có những triệu chứng tương ự như cúm dạ dày, tuy nhiên nó thường xuất hiện rất nhanh ngay sau khi trẻ vừa ăn một loại thực phẩm nào đó; trong khi các triệu chứng của cúm dạ dày thường phải 3-5 ngày (thậm chí là 7 ngày) mới xuất hiện.
Triệu chứng nghiêm trọng của bệnh
Khi trẻ bắt đầu có những triệu chứng như đau bụng hay nôn mửa, nhiều bậc cha mẹ ghi ngờ bé bị viêm ruột thừa và cảm thấy lo lắng. Dưới đây là một số triệu chứng nghiêm trọng các mẹ cần lưu ý để nhận biết trẻ có bị viêm ruột thừa hay không:
- Đau bụng: Trẻ kêu đau bụng tự nhiên, lúc đầu có thể đau vùng thượng vị hay quanh rốn, nhưng sau đau khu trú ở vùng hố chậu phải, đau âm ỉ. Cơn đau nói trên trở nên tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi, đi lại hoặc hít thở sâu
- Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô lưỡi dơ, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng.
- Phần lớn trẻ sốt nhẹ, dao động 38-38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ mới sốt.
- Thường xuyên đi tiểu hoặc cảm thấy nặng bụng buộc phải đi tiểu.
- Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói.
Trường hợp khẩn cấp cần đưa đi bệnh viện
Trong trường hợp trẻ mắc bệnh này, người lớn nên cho trẻ đi gặp bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường xảy đến trong vòng 2 ngày. Dưới đây là một số trường hợp khẩn cấp ở trẻ mà bố mẹ nên biết để nhanh chóng cho trẻ đi bệnh viện khám và chữa trị:
- Sốt cao và kéo dài trong vài ngày
- Bụng rất khó chịu và đau
- Có dấu hiệu hôn mê hoặc rất dễ cáu kỉnh.
- Phân máu hoặc tiêu chảy nghiêm trọng.
- Ói mửa kéo dài hơn vài giờ.
- Có dấu hiệu mất nước như: không có tã ướt trong sáu giờ đối với trẻ sơ sinh hoặc miệng khô hay khóc mà không có nước mắt.
Bổ sung thêm nước cho trẻ khi thấy hiện tượng mất nước
Khi trẻ mắc bệnh cúm dạ dày thì tình trạng mất nước sẽ rất dễ xảy ra, do đó người lớn cần có biện pháp bù nước thích hợp cho trẻ. Mẹ nên bổ sung thêm nước cho trẻ, tuy nhiên không nên uống quá nhiều bởi uống quá nhiều nước vào cơ thể sẽ làm giảm sự cân bằng điện giải trong cơ thể, điều này sẽ không có lợi cho cơ thể. Trẻ em cần uống 30ml mỗi giờ hoặc mỗi ½ giờ, nên uống từ từ, không nên uống quá nhiều một lúc vì sẽ càng làm nôn nhiều hơn. Nếu trẻ chỉ có thể nuốt chửng hãy cho bé ăn một que kem lạnh.
Đặc biệt, người lớn không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt vì tăng lượng đường mà không có muối vào cơ thể có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng. Ngoài ra, các mẹ có thể sử dụng một giải pháp bù nước đường uống như Pedialyte hay Ricelyte, những giải pháp này có chứa nước và muối theo tỷ lệ cụ thể để bổ sung cả chất lỏng và chất điện giải.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên để tránh tình trạng mất nước (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn uống cho trẻ khi bị cúm dạ dày
Khi trẻ mắc bệnh cúm dạ dày sẽ có cảm giác chán ăn và ăn không ngon miệng, do đó việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn. Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên gai, người lớn nên cho trẻ ăn tạm bánh mì nướng, chuối, cháo...nhìn chung là những thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm như nước ngọt và bánh kẹo... bởi chúng có thể làm cho tình trạng tiêu chảy của trẻ thêm nặng hơn.
Cách phòng tránh bệnh cúm dạ dày cho trẻ
Cúm dạ dày lây lan rất nhanh và dễ dàng. Về cơ bản, virus bị nhiễm vào phân hoặc vật phẩm do trẻ nôn ra nên nếu không cẩn thận, virus từ đó sẽ xâm nhập trở lại qua đường miệng của trẻ. Không những vậy, bệnh này có thể lây lan từ người sang người hoặc do chạm vào bề mặt bị ô nhiễm, chính vì vậy người lớn cẩn chú ý phòng tránh tốt cho trẻ bằng các cách sau:
- Người lớn nên giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh để các đồ vật nhỏ rơi vãi trên sàn nhà: Khi trẻ có thể cầm nắm được các đồ vật bằng tay, chúng có xu hướng thích khám phá mọi thứ nên khó tránh việc trẻ sẽ cầm và cho vào mồm bất cứ thứ gì xuất hiện trước mặt mình. Do đó, việc để nhà cửa sạch sẽ là một cách để mẹ giúp bé tránh xa các virus gây bệnh và giảm nguy cơ hóc dị vật ở trẻ.
- Dạy trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh: Các mẹ nên dạy trẻ biết cách rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh, tốt nhât nên sử dụng nước ấm và xà phòng để chà tay ít nhất 20 giây, nhớ rửa xung quanh lớp biểu bì, dưới móng tay và ở các nếp gấp của bàn tay.
- Người lớn nên khử trùng nhà vệ sinh thường xuyên để tránh virus gây bệnh cho trẻ.
- Khi trong gia đình có người mắc bệnh, người lớn không nên dùng chung đồ với trẻ nhỏ và thực hiện tốt các biện pháp cách ly.
- Tránh cho trẻ đến những chỗ đông người bởi ở đó luôn ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho trẻ.