Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) ngày 19/5 cho biết, theo số lượng thống kê, tính tới thời điểm này của năm 2015, cả nước ghi nhận 5.728 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Điều đáng cảnh báo là bệnh đau mắt đỏ năm 2015 đang có tốc độ lây lan khá nhanh. Theo đó, ở Hà Nội cùng kỳ năm 2014 chỉ ghi nhận 1 đến 2 ca/ ngày nhưng trong năm nay số lượng đang có chiều hướng gia tăng, tính từ ngày 24/4 đến 6/5 đã ghi nhận 29 trường hợp mắc.
Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Trịnh Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, đây là thời điểm bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ bắt đầu vào mùa.
Bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ gia tăng tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Lê Phương
Bài liên quan:
“Bệnh thường xuất hiện quanh năm, nhưng trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 bệnh có dấu hiệu tăng mạnh hơn. Tùy theo sự thay đổi thời tiết các năm, dịch có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn. Ví dụ như năm 2013, tháng 10 mới là đỉnh điểm của dịch. Nhưng có năm mới vào hè số lượng bệnh nhân đã có vẻ tăng hơn những ngày bình thường”, bà Ngọc cho biết.
Cùng quan điểm trên, TS.BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc - BV Mắt TƯ cho biết, bệnh đau mắt đỏ là căn bệnh lành tính và xuất hiện tất cả các tháng trong năm.
Theo BS Đông, triệu chứng đầu tiên của bệnh đau mắt đỏ là chói cộm, chảy nước mắt, mắt đỏ, mi sưng, có dử mắt, sáng ngủ dậy khó mở mắt, mắt kết dính, nhiều tiết tố ... nhưng điểm đặc biệt là bệnh không nhìn mờ hơn so với trước đó. Bởi vậy, khi thấy triệu chứng bất thường thì cần đi khám mắt ngay.
Để tránh được bệnh thì cả người bị bệnh và không bị bệnh phải có ý thức trong công tác phòng chống bệnh. Nhất là việc vệ sinh cá nhân, không dùng chung đồ và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan ra cộng đồng và mắc ở mọi đối tượng. Ảnh: Lê Phương
Để phòng chống sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.
Khi không có dịch, chính bản thân mỗi người cũng phải có biện pháp phòng tránh như: Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, thì cần phải tuân thủ các bệnh pháp mới như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện… Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.