Thời điểm tháng sáu, tháng bảy hàng năm là lúc các bậc phụ huynh lại trăn trở tìm các lớp dạy bơi cho trẻ. Không chỉ giúp các bé được mát mẻ, vận động nhẹ nhàng mà còn rất hữu ích để tránh đuối nước khi xảy ra tai nạn. Tuy vậy, không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm rõ những đầu việc cần chuẩn bị khi cho bé đi học bơi.
Anh Châu là bố của 4 đứa con. Các bé nhà anh đều biết bơi ngay từ khi còn nhỏ. Anh chia sẻ bé sớm nhất là khi 11 tháng, bé chậm thì 2 tuổi là biết bơi. Hi vọng, những chia sẻ của anh Châu sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh nắm được những bước cần thiết giúp trẻ nhanh chóng làm quen với môn bơi.
"Trước hết, các bạn cần mua cho con một cái kính thật tốt, sao cho đeo được dễ chịu. Để cẩn thận nước không vào tai thì cần có mũ bơi, bạn trùm ngoài tai cho cháu. Làm thế, chúng ta sẽ thoát được mối lo viêm tai ở trẻ nhỏ.
Lý tưởng nhất là khi trẻ mới 9, 10 tháng các bạn đã bắt đầu dạy bơi rồi. Các bạn hãy làm dần từng bước như sau:
1. Xuống bể bơi, chỗ ngang ngực của bạn. Bạn đừng bắt đầu ở biển, trẻ thấy sóng có thể sợ. Sau khi đã đeo kính, đội mũ, bạn hãy nhẹ nhàng, luôn tươi cười, vui vẻ, nói chuyện, đùa rỡn với trẻ. Chừng 10 phút. Bạn bắt đầu chơi trò ú oà.
Hai tay bạn bế trẻ lên, miệng hét "Ú" và thổi mạnh vào mặt trẻ để gây phản xạ rồi bạn cùng ngụp xuống. Nhìn được con dưới nước, bạn mỉm cười và đưa lên ngay. Lên khỏi mặt nước, bạn kêu "Oà". Lần đầu trẻ sẽ hơi sợ, nhưng thấy không khí vui vẻ, nỗi sợ bị lấn át ngay.
Lặp lại điều ấy vài lần thì bạn có thể không cần phải thổi vào mặt để cảnh báo nữa.
Điều vô cùng quan trọng ở đây là trẻ đeo kính. Nếu không đeo kính thì theo phản xạ, trẻ sẽ nhắm tịt mắt. Và thế giới dưới nước vô tình trở nên tối đen. Trẻ không nhìn thấy nụ cười của bạn ở dưới nước. Nếu vào ngày nắng to, ánh sáng dưới nước sẽ lung linh tuyệt đẹp, khiến trẻ thích hơn nữa.
Và cứ thế, thời gian của bạn dưới nước tăng dần lên. Trong buổi đầu, sau 30 phút, trẻ nhà tôi thường nhịn thở được 3,4 giây. Bạn tập đếm trong đầu, mỗi số là một giây.
2. Sau khi làm thế này quen rồi, chừng 2 buổi ở bể bơi, trẻ đã dạn với nước. Sau khi kính, mũ đã đầy đủ. Bạn xuống nước trước, trẻ đứng trên bờ. Bạn gọi: "Lại đây với bố, mẹ". Trẻ sẽ đi ra mép nước nhưng ngập ngừng không dám nhảy xuống. Bạn chìa ngón tay cho trẻ bám vào, thế là bạn rụt tay lại, trẻ mất đà lao theo. Bạn phải rút tay về để tạo khoảng cách và trẻ không có chỗ bám.
Đây là lúc trẻ hơi sợ và theo phản xạ, trẻ sẽ khua chân, tay để đến được với bạn. Bạn đếm 1,2,3... đủ thời gian đã định là bạn xoè tay ra, bế trẻ lên. Nhớ phải mỉm cười trong lúc đếm. Thế là trẻ có một trò mới. Nó nhận ra rằng có thể di chuyển dưới nước được.
Tất nhiên là trẻ thích nhưng hơi sợ. Thấy trẻ sợ là bạn thư giãn, hát, đùa vui hay làm lại trò "Ú Oà" hôm trước. Và cứ thế, số đếm của bạn tăng dần lên. Khi bạn Hoàng Xuân, con gái út của tôi được 1,5 tuổi thì số đếm của cháu là 10, tức khoảng mười giây dưới nước.
Chưa cần dạy trẻ bơi kĩ thuật vội. Bạn sẽ thấy rằng trẻ tự bơi khi lặn. Bản năng con người khiến trẻ tự đập chân, khua tay. Khi trẻ con của tôi ra bể bơi, các phụ huynh thích lắm bởi thấy những đứa trẻ bé tí mà ngụp một cái ra tới tận giữa bể.
3. Bước này chỉ là trò chơi. Bạn cho trẻ đứng lên một tay và đếm xem được bao lâu trước khi tay bạn mỏi hoặc trẻ mất thăng bằng ngã xuống nước. Ngã xuống sẽ khiến trẻ bơi về phía bạn.
Thường khi trẻ làm thế, ngoài bể bơi mọi người sẽ hò reo, khích lệ, thế là trẻ cảm thấy thích thú, có động lực làm tiếp. Các bạn có thể tìm máy chụp dưới nước để thêm trò vui. Cơ bản chỉ có vậy, việc dạy con bơi đúng kĩ thuật là một việc khác. Chúc các "huấn luyện viên" bố, mẹ thành công!
Thêm vào đó, theo tôi thì không nên bao giờ dùng phao. Dùng phao làm chậm quá trình bơi của trẻ. Điều quan trọng là chúng ta dành thời gian cho trẻ!"