Con cái là tài sản lớn nhất của bố mẹ. Vì vậy, mỗi ông bố bà mẹ đều mong muốn con cái của họ đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Ở từng độ tuổi khác nhau, kỳ vọng của bố mẹ đặt lên trẻ cũng sẽ khác nhau.
Khi trẻ bước vào cách cổng trường học, điểm số chính là thước đo, chỉ khi đứng ở bậc cao nhất thì trẻ mới trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Rồi khi trẻ bước chân ra khỏi cách cổng trường học, chập chững vào “trường đời”, điểm số sẽ chuyển thành vật chất, tiền bạc là thước đo cho sự thành công của trẻ.
Những áp lực mà bố mẹ tạo ra cho trẻ, vô hình chung lại khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách hơn. Bố mẹ càng hà khắc, trẻ sẽ càng cảm thấy sợ hãi bố mẹ.
Điều này, không chỉ ảnh hưởng xấu về mặc tình cảm gia đình mà còn tác động đến tâm lý của trẻ. Áp lực quá lớn đôi khi lại kìm hãm năng lực thực sự của trẻ. Vì vậy, dù trẻ có năng lực tốt đến mức nào, nếu tâm lý không thoải mái thì cũng không thể nào tạo ra được nhiều thành tựu to lớn trong tương lai.
Để chặng đường khôn lớn của trẻ không để lại “bóng đen” tâm lý và những ký ức tiêu cực, bố mẹ nên có những phương pháp giáo dục phù hợp. Các chuyên gia cũng có những chia sẻ về vấn đề này, để giúp hành trình nuôi dạy con của bố mẹ trở nên hiệu quả, trẻ lớn lên không chỉ thông minh mà tình cảm gia đình cũng được củng cố.
Hạn chế đặt mục tiêu quá lớn lên trẻ
Mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, vì thế phương pháp giáo dục trẻ của bố mẹ cũng sẽ có sự tương xứng, phù hợp. Trước khi bố mẹ yêu cầu trẻ thực hiện bất kỳ mục tiêu nào, bố mẹ cần phải có sự suy tính và lộ trình rõ ràng.
Bố mẹ không thể áp đặt suy nghĩ, mong muốn của bố mẹ lên trẻ. Việc bố mẹ nghĩ trẻ sẽ làm được, chưa chắc đã vừa tầm sức và nhu cầu của trẻ. Vì vậy, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là phân tích kỹ lưỡng xem, những tiêu chuẩn mình đặt ra có thực sự phù hợp với năng lực sẵn có của trẻ hay không? Nếu nó quá xa tầm với, đừng ép buộc trẻ thực hiện.
Để hiểu trẻ hơn và có sự gắn kết với trẻ, bố mẹ có thể cùng trẻ thảo luận một bản kế hoạch phát triển với từng mục tiêu cụ thể. Nếu trẻ được làm những điều trẻ thích, óc sáng tạo của trẻ có thể được phát huy một cách tốt nhất và trẻ sẽ đạt được những thành tích cao trong cuộc sống. Thay vì biến mục tiêu thành nỗi sợ, bố mẹ hãy để mục tiêu trở thành động lực phấn đấu mỗi ngày của trẻ.
Để trẻ phát triển một cách tự nhiên, bố mẹ nên để trẻ tự đặt ra những mục tiêu mà trẻ mong muốn thực hiện.
Hãy cho trẻ trải nghiệm sự thất bại
Cha ông ta từng dạy rằng: “Thất bại là mẹ thành công”, nếu có thể áp dụng câu nói này trong giáo dục trẻ, bố mẹ sẽ thấy được lợi ích đáng quý từ nó. Đừng sợ trẻ thất bại mà bố mẹ hãy mạnh dạn để trẻ trải nghiệm điều này. Bởi vì qua những lần vấp ngã, trẻ sẽ càng trở nên cứng cỏi và tự tin hơn.
Nếu bố mẹ cứ bao bọc trẻ, trẻ sẽ dần hình thành thói quen phụ thuộc, tính cách trở nên yếu đuối hơn. Trong khi đó, mỗi một lần thất bại là một lần trẻ học được rất nhiều bài học quý giá. Sau này, rơi vào tình huống tương tự thì trẻ sẽ mang “túi khôn” được tích lũy qua bao lần mài dũa từ thất bại của mình để xử lý một cách trơn tru nhất.
Kinh nghiệm của trẻ sẽ chỉ dày hơn mỗi ngày, và điều này là rất có ích cho quá trình gặt hái thành công của trẻ trong tương lai. Vì vậy, bố mẹ đừng thương con thái quá mà cản trở những trải nghiệm của con, dù tốt hay xấu thì chúng đều có những giá trị riêng, đáng để trẻ học hỏi.
Mỗi một lần thất bại, trẻ sẽ rút ra được nhiều bài học quý báu cho những thử thách trong tương lai.
Bố mẹ nên hiểu và tôn trọng những nỗ lực của trẻ
So với việc nhận được phần thưởng từ những thành tựu mà bản thân đạt được, trẻ lại trông chờ vào những lời khen và sự công nhận của bố mẹ hơn. Bởi vì với trẻ, mỗi một sự nỗ lực và cố gắng đều là muốn bố mẹ cảm thấy tự hào về mình.
Nhiều chuyên gia chia sẻ, đứa trẻ nào cũng có những ưu và nhược điểm khác nhau. Mỗi một đứa trẻ là một nguyên bản độc nhất, vì vậy mà việc so sánh con người ta với con mình là một vấn đề không đúng đắn. Nếu lấy cùng một tiêu chuẩn và áp đặt lên mọi đứa trẻ, điều này chỉ càng làm kìm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ, thậm chí là khiến trẻ trở nên tự ti hơn.
Thành tích chỉ là một phần động lực để trẻ phấn đấu, tuy nhiên nó không phải là tất cả cuộc sống của trẻ. Nếu trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ, bố mẹ nên cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Hơn mọi thứ, lời động viên, cổ vũ của bố mẹ mới là “món quà ý nghĩa” mà trẻ cần. Tình yêu thương và sự gắn kết gia đình là nền tảng duy nhất giúp trẻ phát triển lành mạnh.
Dù thành công hay thất bại, sự cố gắng của trẻ cần được bố mẹ công nhận. Điều này, chính là động lực để trẻ không ngừng phấn đấu cho mai sau.