Trong một lần Julie Fitzgerald, một bà mẹ ở bang Illinois (Mỹ) lấy điện thoại bật đèn flash để chụp ảnh con trai mình - kết quả bức ảnh khiến dạ dày chị quặn thắt. Một trong hai con mắt không hiện lên màu đỏ thông thường mà là màu trắng đục.
Bác sỹ chẩn đoán rằng cậu bé 2 tuổi Avery Fitzgerald, tên con cô, đã bị U nguyên bào võng mạc (tên tiếng anh là Retinoblastoma – Rb) hay còn gọi là ung thư mắt. Các tế bào ung thư đã chiếm tới 75% con mắt của đứa trẻ và Avery phải phẫu thuật bỏ con mắt đi để giữ tính mạng
Trước đó vào tháng 12 năm 2014, chị Stacey Sutherland có lấy điện thoại di động để chụp ảnh Zak – cậu con trai 20 tháng tuổi của mình và cũng phát hiện sự khác nhau trong màu hai tròng mắt con trai. May mắn hơn Fitzgerald, con trai của chị Sutherland được phát hiện bị ung thư mắt Rb khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu và do đó, cậu bé đã giữ được đôi mắt nhờ điều trị laser.
Bức ảnh chụp bằng iphone đã cứu mạng con trai chị Fitzgerald
Hai câu chuyện về phát hiện ung thư mắt ở trẻ nhỏ bằng ảnh chụp smartphone này hiện nay đang là một trong những chủ đề gây xôn xao cộng đồng thế giới.
Phát hiện ung thư mắt Rb (U nguyên bào võng mạc) thông qua đốm sáng trắng bất thường ở mắt trẻ nhỏ khi bật đèn flash chụp ảnh bằng smartphone không phải là trường hợp quá hy hữu. Tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi mắc Rb cũng không phải là ít ỏi.
Tất cả không hề chỉ là câu chuyện xa xôi xảy ra ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam, cũng có rất nhiều em bé mắc phải căn bệnh ung thư mắt này. Điều đáng tiếc là, căn bệnh này xảy ra âm thầm không hề có triệu chứng, cha mẹ và người thân của các em lại chưa biết đến việc tự kiểm tra bệnh cho con bằng smartphone để khi phát hiện thì ung thư mắt ở trẻ đã hết giai đoạn có thể chữa trị hoàn toàn mà không để lại di chứng.
Trường hợp của gia đình anh T.H.Cường (Hà Nội) là một ví dụ đau xót như vậy. Bé L.N (gia đình xin được phép giấu tên và ảnh) - 8 tháng tuổi, cháu gái ruột của anh Cường vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lấy bỏ mắt và hiện đang điều trị hoá chất đợt 2 tại Khoa K Bệnh viện Nhi TW vì căn bệnh ung thư mắt Rb. L.N được phát hiện bệnh khi đã qua giai đoạn đầu và do đó, không còn cách nào khác là phải loại bỏ mắt để giữ tính mạng cho em bé.
Giữa thời điểm đang rất đau buồn, gia đình bé L.N và anh Cường vẫn đồng ý có một cuộc trò chuyện với hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp cộng đồng và các bậc cha mẹ có thêm kiến thức, thông tin để nhận biết và cứu chữa kịp thời con cái mình khỏi căn bệnh ung thư mắt Rb.
Tai hoạ không ai ngờ với đứa trẻ 8 tháng tuổi khiến cả gia đình đau đớn
Gia đình anh phát hiện bé L.N bị ung thư mắt Rb (U nguyên bào võng mạc) trong hoàn cảnh nào?
Lúc L.N được 3 tháng tuổi, bác cháu có lấy iphone chụp ảnh. Khi đèn flash loé lên, trong ảnh có xuất hiện vệt sáng như vệt mắt mèo. Tuy nhiên lúc đó, không ai nghi ngờ gì cả. Đương nhiên, khó ai có thể nghĩ khi đó, con mình đã bị mắc căn bệnh quái ác. Bức ảnh cũng nhanh chóng bị xoá đi.
Mãi đến khi cháu được 8 tháng, gia đình mới thấy cháu đôi khi bị hiếng hiếng và quyết định cho cháu vào Viện mắt Trung ương kiểm tra. Nhưng lúc ấy cũng chỉ nghĩ đơn giản vì hiếng mắt ở trẻ sơ sinh là biểu hiện của một số bệnh lành tính.
Tuy nhiên sau khi kiểm tra bác sĩ có kết luận cháu bị u nguyên bào võng mạc (hay gọi đơn giản là ung thư mắt Rb) và phải bỏ mắt đấy để giữ tính mạng. Mắt bị bỏ sẽ được chọc để sinh thiết chính xác tế bào ung thư.
Cảm xúc của gia đình như thế nào khi bất ngờ phát hiện ra bệnh của L.N? Hiện tình trạng sức khoẻ của bé đã ổn chưa?
Thật sự khi đó gia đình hai bên vô cùng sốc, như kiểu tai hoạ trên trời tự nhiên ập xuống. Cả ông nội và ông ngoại đều không thể tin vào tai mình. Họ hàng hai bên cũng rất đông nhưng chưa có một ai từng biết về căn bệnh này. Bản thân tôi là người sống giữa Hà Nội, hằng ngày tiếp xúc với Internet phải 15h/ngày mà đến khi nghe đến tên vẫn hoang mang không biết nó là căn bệnh gì. Ông nội ông ngoại là người cứng rắn, vậy nhưng khi nghe tin dữ cũng không thể cầm được nước mắt.
Ngày 9/4 gia đình đưa L.N vào viện khám mắt. Ngay ngày hôm sau (10/4) bé đã lên bàn mổ để lấy mắt ra. Ngày vào viện nhi điều trị ung thư là 18/4 sau gần 1 tuần xét nghiệm tuỷ. Đến ngày 22/4 bắt đầu điều trị hoá chất đợt 1 và bây giờ đang điều trị đợt 2. Mọi thứ xảy ra quá chóng vánh khiến gia đình đến bây giờ vẫn không thôi đau đớn.
U nguyên bào võng mạc hay còn gọi là Ung thư mắt (Retinoblastoma - Rb) là một căn bệnh nguy hiểm chỉ xảy ở trẻ nhỏ.
Đã liên lạc với bệnh viện bên Singapore nhưng cũng không thể giữ mắt cho con
Căn bệnh này (theo anh được biết) tại Việt Nam có nhiều trường hợp mắc phải không? Khả năng sống sót của bệnh là bao nhiêu phần trăm?
Trong thời gian ở Viện mắt Trung ương, tôi cũng đã thấy khá nhiều trường hợp mắc bệnh. Theo tôi tìm hiểu tỷ lệ % ung thư mắt Rb ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh ung thư liên quan tới trẻ em, hiện tại (có lẽ) đang đứng thứ 4.
May mắn ung thư mắt là một dạng bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu u chưa xâm lấn vào não và dây thần kinh mắt. Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ nó để lại di chứng nặng nề như bạn biết là có cháu phải mổ bỏ 1 mắt hoặc nặng bỏ cả 2. Các cháu sẽ là những đứa trẻ khuyết tật khó khăn trong việc giáo dục hoà nhập vs bạn bè sau này. Thêm nữa khi đã mắc bệnh này nguy cơ sau này các bé có thể bị mắc 1 loại bệnh ung thư khác là rất cao.
Vậy tức là mối nguy hiểm nhất của căn bệnh này là ở việc nó không hề có biểu hiện lâm sàng và thường được phát hiện khi đã quá muộn?
Đúng là như vậy. Bệnh U nguyên bào võng mạc (tên tiếng Anh là Retinoblastoma) hay nôm na gọi là ung thư mắt, yếu tố gây bệnh 100% là do bẩm sinh, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 3 tuổi. Nếu phát hiện bệnh sớm và bệnh mới ở một bên mắt có thể giữ được mắt cho con và hoàn toàn có thể kiểm soát được tế bào ung thư bằng các phương pháp laze, bức xạ, đặt đĩa,...
Tại Việt Nam, Viện mắt trung ương có thể xử lý được hầu hết các phương pháp trên. Nhưng do các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng nên trẻ được đưa đến viện thường chậm muộn. Mà giai đoạn muộn ở đây cũng chỉ là khi đứa trẻ mới 6 7 tháng tuổi thôi, bác sĩ sẽ chỉ định bỏ mắt để giữ tính mạng cho trẻ. Sau đấy trẻ sẽ được điều trị ung thư như các bệnh ung thư khác với các phác đồ điều trị như hóa chất, tia xạ,...
Kể cả các nước y học tiên tiến, việc mổ bỏ mắt để sinh thiết vẫn là pháp đồ điều trị cơ bản khi giai đoạn đã trễ.
Tôi cũng đã liên hệ với bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore - trung tâm y tế điều trị ung thứ tiên tiến trên thế giới, họ cũng trả lời khi đã ở giai đoạn sau sớm tức là giữa sớm và muộn, tỷ lệ giữ đc mắt bị bệnh cũng là 50/50 nhưng đó là trong trường hợp mắt bên kia 100% bình thường. Tuy nhiên nếu bị 1 mắt là nó sẽ lan sang mắt bên kia rất nhanh, vì vậy trong giai đoạn này vẫn phải bỏ mắt cháu để sinh thiết nắm bắt giai đoạn của ung thư mới có phác đồ điều trị ung thư. Sau này có điều trị xong mắt bên này thì hằng năm vẫn phải đi khám định kỳ, vì không ai dám chắc nó sẽ không lan sang mắt còn lại.
Chụp ảnh bật đèn flash là cách nhanh nhất giúp cha mẹ kiểm tra ung thư mắt ở trẻ nhỏ
Cách phát hiện bệnh bằng smartphone cụ thể là như thế nào, thưa anh?
Do biểu hiện lâm sàng không rõ ràng, vì con cái vẫn ăn ngủ hoạt động bình thường nên tôi xin chia sẻ cách nhận biết sau đây để bố mẹ áp dụng cho con.
Cách nhận biết rõ nhất là chụp ảnh bật flash, xem lại ảnh nếu có ánh trắng xanh trong con ngươi của cháu như kiểu xanh trắng mắt mèo thì nên đưa cháu đi thăm khám kịp thời. Cách phát hiện bệnh bằng smartphone thật ra là tình cờ nhưng nó đã được khoa học, bác sĩ cho là chính xác. Bệnh ung thư mắt Rb tiến triển nhanh chỉ trong vài tháng nên cha mẹ đừng nên chần chừ.
Nhờ bật flash khi chụp ảnh, cha mẹ có thể phát hiện nghi vấn ung thư mắt ở trẻ nhỏ
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh còn điều gì muốn gửi gắm?
Bản thân tôi khuyến nghị việc sàng lọc sơ sinh phải được thực hiện chuẩn mực, phải xét ngiệm một số bệnh bẩm sinh di truyền cho bé như lấy máu gót chân để xét ngiệm vàng da. U mắt cũng nên có trong danh sách kiểm tra sớm cho trẻ vì những bệnh này kể cả không thể phát hiện khi thai nhi trong bụng mẹ. Như ở Việt Nam hiện nay tôi thấy việc này chưa được làm đến nơi đến chốn.
Xin cám ơn anh về những chia sẻ ý nghĩa!