Thức trắng đêm để "răn dạy" con, sáng hôm sau mặt anh Trung trở nên hốc hác, bần thần. Ngồi trước hiên nhà ngáp ngắn ngáp dài, ông bố quê Đồng Nai kể, con gái của anh năm nay 13 tuổi. Trước giờ bé Tuyền rất ngoan, chăm chỉ học hành và nghe lời cha mẹ. Khoảng mấy tháng nay cô bé trở nên bướng bỉnh, hay cãi lời người lớn và đi chơi về khuya.
Anh Trung đã "ra lệnh" cấm con đi chơi và 9h tối phải có mặt ở nhà, chỉ được vài ngày bé Tuyền lại về trễ khiến bố vô cùng tức giận. Đó là lý do của trận đòn "nhừ tử" tối hôm trước. Ông bố thở dài: "Tôi không biết mình làm như vậy có quá không. Chỉ sợ đẻ con ra mà không dạy đến nơi đến chốn thì bà con làng xóm họ cười vào mặt. Đấy là chưa kể con gái cứ đi chơi khuya rồi trước sau gì cũng vác 'ba lô ngược' về nhà".
Nhiều phụ huynh bối rối khi con cái bỗng dưng thay đổi tâm tính. Ảnh minh họa: wp. |
Tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn cách ứng xử với con ở độ tuổi bướng bỉnh, chị Hiền (quận 3, TP HCM) tâm sự: “Tôi cũng không biết ứng xử và giáo dục làm sao với đứa con trai của mình. Tôi cảm thấy mệt mỏi và bất lực”.
Chị cho biết, trước đây bé Hùng rất ngoan, chăm chỉ học, mẹ nói gì cũng nghe, đi học về là quấn quýt lấy mẹ. "Thế mà mới đây nó trở thành một đứa hoàn toàn khác: không chịu học bài, trốn học để tụ tập bạn bè đi chơi, hay viện lý do này nọ để ra khỏi nhà. Mẹ có nói thì cãi, trả lời cộc lốc, thậm chí còn quay lại chửi và xúc phạm mẹ", chị Hiền buồn bã chia sẻ.
Chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo (Văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM) nhìn nhận, tâm trạng lo lắng của anh Trung và chị Hiền cũng là tâm trạng chung của đại đa số các bậc phụ huynh có con trong tuổi dậy thì . Thường khi chứng kiến con "bỗng dưng bướng bỉnh", tâm lý chung của cha mẹ là bất ngờ, khó chịu và không thể chấp nhận được cách ứng xử của trẻ. Nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng cho con của mình, một số cảm thấy thất vọng, bất lực nên buông xuôi để mặc chúng ra sao thì ra.
Theo các nhà tâm lý học, từ khi chào đời cho đến lúc về già, con người sẽ trải qua các cuộc khủng hoảng tâm lý lứa tuổi như tuổi lên 3, tuổi dậy thì, tuổi trung niên…Trong đó khủng hoảng tuổi dậy thì, còn gọi là “tuổi bất trị”, được coi là phức tạp, đầy biến động và có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của một con người.
Ở tuổi dậy thì (từ 11 đến 12 tuổi đối với nữ giới; từ 13 đến 14 tuổi với nam giới), trẻ thường xuất hiện rất nhiều đặc điểm tâm lý mới do sự thay đổi các hoocmon, các tuyến nội tiết trong cơ thể cùng với sự thay đổi tâm lý. Từ đó các em có những thay đổi trong cung cách xử sự cả ở nơi gia đình, trường học và các mối quan hệ xã hội.
Chuyên viên tâm lý Đăng Thảo chỉ ra hai đặc điếm tâm lý quan trọng xuất hiện ở tuổi "ô mai", đó là cảm thức trưởng thành và nguyện vọng độc lập tách khỏi cha mẹ của trẻ. Chính việc xuất hiện của 2 đặc điểm tâm lý trên mà dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách trẻ giao tiếp và đối xử với cha mẹ và những người xung quanh. Biểu hiện của đặc điểm này là thái độ muốn làm người lớn, khẳng định mình, độc lập, được thừa nhận và tôn trọng; không muốn bị kiểm soát, áp đặt hay tham gia quá sâu vào đời sống riêng tư. Suy cho cùng tâm lý của các em là muốn được người khác thừa nhận mình là người lớn.
Vì thế để có thể giao tiếp và giáo dục trẻ ở tuổi này, ông Thảo khuyên các bậc phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Tôn trọng và đối xử bình đẳng: Đây là nhu cầu rất mãnh liệt và chính đáng của trẻ bước vào tuổi "muốn làm người lớn". Các bậc phụ huynh nên hiểu nhu cầu này để nói chuyện và giáo dục con khi chúng không vâng lời hoặc chống đối.
- Tế nhị, kín đáo: Không nên chửi, trách mắng trẻ ở nơi chỗ đông người. Không nên so sánh trẻ với bạn này, bạn kia.
- Đối thoại: Khi xảy ra mâu thuẫn giữa trẻ và cha mẹ nên đưa trẻ ra một chỗ riêng để nói chuyện, phân tích cho trẻ cái đúng cái sai. Điều quan trọng là cha mẹ nên trao đổi nói chuyện với con cái thường xuyên để hiểu con đang nghĩ và cần gì.
- Đề ra những nguyên tắc dựa trên sự thỏa thuận giữa cha mẹ và trẻ như thống nhất về thời gian học, giờ chơi, giờ đi ngủ, cung cách ứng xử trong gia đình…
- Động viên, khuyến khích, nhắc nhở kịp thời: Trẻ ở tuổi này rất thích và cần những lời động viên, khen, khích lệ từ người lớn. Khi được như thế, trẻ sẽ vâng lời cha mẹ vô điều kiện. Mặt khác khi thấy con hành xử không đúng, người lớn nên nhắc nhở một cách tế nhị, khéo léo và chỉ cho con biết phải làm thế nào mới phù hợp.
- Kiên nhẫn: Rất nhiều phụ huynh khi nói một lần thấy con không vâng lời, không làm theo liền mất kiên nhẫn, cho rằng trẻ hư, mất dạy. Song chuyên gia tâm lý khuyên, cha mẹ nên hiểu đây là những khó khăn xáo trộn tất yếu trong sự phát triển của trẻ chứ không phải do trẻ thích như thế. Vì thế hãy kiên nhẫn trong cách giáo dục và kiên nhẫn chờ đợi để trẻ có thời gian thay đổi hành vi phù hợp.
Thi Trân