Trong ngôi nhà nhỏ góc phố, những bông hoa khoe sắc trước cổng, tiếng chim hót líu lo rộn ràng, có bác Hồng đang sống một mình. Bác chỉ có một cậu con trai duy nhất tên Nhật Duy nhưng hiện tại cậu đang du học ở nước ngoài.
Nhật Duy xa nhà đã hơn 2 năm. Trong suốt hơn 2 năm nay, bác Hồng và Duy không gặp mặt nhau. Ngay đến cả nhắn tin, gọi điện thoại, gọi Zalo, gọi qua Facebook... cũng chẳng được. Chỉ qua một phương tiện duy nhất: Email.
Bác tâm sự với Toản, anh chàng kỹ thuật viên của FPT rằng: “Con trai bác bảo là không được dùng điện thoại, nó bảo là chỉ được liên hệ qua thư điện tử thôi”
2 năm chờ đợi và nhắn gửi tình yêu cho con qua Email của người mẹ
Vốn là một công chức nay đã về hưu. Lẽ ra lúc này bác sẽ được ở bên cạnh con cháu, bên cạnh người thân trong gia đình. Nhưng suốt những ngày tháng con trai đi du học, bác Hồng sống lủi thủi không có ai bầu bạn.
Mỗi ngày bác đều chờ đợi tin tức từ cậu con trai. Bác mong ngóng từng dòng thư, từng cuộc điện thoại. Bác nghĩ đến cách gửi thư điện tử như lời con đã dặn trước khi đi.
Tuổi đã cao, đôi mắt mờ dần không còn thấy rõ ký tự in trên chiếc máy tính cũ kỹ. Bác đánh từng chữ, từng chữ một thật cẩn thận. Bác sợ đánh chữ sai, bác sợ con không đọc được. Bác cũng sợ mình bỏ lỡ điều gì đó.
Nhưng sao mãi vẫn không thấy hộp thư đến đâu?
“Thế chắc anh ấy bận rồi, bác cứ đợi mấy hôm nữa có khi anh ấy sẽ trả lời ạ” Toản động viên bác
“Bác đã đợi hơn 2 năm rồi” giọng bác Hồng buồn và trầm xuống hẳn.
Câu nói của bác khiến cổ họng tôi nghẹn nghẹn, nước mắt rơi xuống má mặc dù tôi là đứa ít thể hiện cảm xúc ra bên ngoài.
Trong khoảng thời gian 2 năm ấy, Nhật Duy đang ở đâu? Tại sao anh không gửi email hay liên lạc gì với bác? Tại sao anh để bác phải chờ đợi như vậy? Hay là có chuyện gì đã xảy ra?
Câu chuyện cảm động đằng sau bức thư điện tử
Cũng như tôi, chắc lúc đó Toản đã rất thắc mắc và tò mò về người con trai du học của bác Hồng.
Toản vô tình biết được tin con trai bác Nhật Duy đã mất sau vụ một vụ tai nạn kinh hoàng qua cuốn nhật ký đặt sát bàn máy tính. Anh bần người ra vì quá đỗi bất ngờ. Anh nghĩ bác đã biết tin về con trai. Anh tìm hiểu thì được biết bác đang rơi vào trạng thái Kubler Ross, bác đang trải qua những ngày tháng đau khổ tột cùng nhất của cuộc đời.
Phải làm sao để giúp bác Hồng đây? Sau những lần đến sửa mạng cho bác. Được bác quan tâm và yêu mến, Toản coi bác như người thân trong gia đình. Anh không muốn nhìn thấy bác đau khổ và héo hon đi từng ngày như vậy.
Anh tìm ra cách. Anh “giả” làm con trai Nhật Duy, hàng ngày anh gửi email cho bác. Anh quan tâm, hỏi thăm và động viên bác. Hai mẹ con cùng đọc thư, cùng tâm sự về mọi thứ trong cuộc sống, cùng mỉm cười hạnh phúc và cùng chờ đợi những dòng thư của ngày hôm sau.
Cảm ơn anh nhân viên kỹ thuật FPT vì đã đến đúng lúc, đúng thời điểm để giúp bác vượt qua khó khăn. Nếu không phải là anh thì chắc có lẽ bác Hồng vẫn cứ ôm hy vọng rồi lại thất vọng như thế.
Tôi không rõ, nếu bản thân mình ở trong trường hợp đó thì có thể nghĩ ra cách nào để giúp bác không? Hoặc có thể làm được như Toản không?
Tôi cũng đã từng là một đứa vô tâm và rất ích kỷ. Hồi còn sinh viên, 2 mẹ con thường hay gọi điện cho nhau. Có một thời gian khoảng hơn 10 ngày, mẹ không gọi điện cũng chẳng nhắn tin lên. Vài ngày sau, mẹ gọi mấy cuộc liền nhưng tôi không bắt máy. Tôi vừa ngồi vừa rơm rớm nước mắt và vừa trách “sao mẹ không gọi cho con sớm hơn, mẹ không nhớ con à….” .
Có lẽ lúc mẹ tôi đã rất lo lắng. Chỉ hơn 1 tuần thôi mà hai mẹ con đã nhớ nhau lắm rồi. Đằng này, bác Hồng đã xa con trai tận hơn 2 năm, không liên lạc, không tin tức gì. Vì thế tôi hiểu được phần nào tâm trạng của bác.
Câu nói “Bác đã đợi hơn 2 năm rồi” của bác Hồng khiến tôi vừa tò mò, vừa thương bác, lại vừa trách con trai bác nhưng cũng khiến tôi phải suy nghĩ về bản thân mình. Cuộc đời ngắn ngủi, tôi sẽ học cách yêu thương mẹ nhiều hơn ngày hôm qua và sẽ không bao giờ để mẹ phải chờ đợi nữa.