Lòng biết ơn là hành trang mà mọi đứa trẻ cần phải mang theo trên suốt chặng đường khôn lớn. Để có thể nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự giáo dục của bố mẹ ngay từ khi còn nhỏ cực kỳ quan trọng. Ngoài bố mẹ và người thân trong gia đình, hành trình trưởng thành của con trẻ không thể vắng bóng sự đồng hành của thầy cô giáo, những người trực tiếp "lái đò" đưa trẻ cập bến bờ của tri thức và ước mơ.
Đó là lý do mà mỗi đứa trẻ cần phải bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với những người thầy, người cô của mình. Để tôn vinh nghề giáo, truyền thống của người Việt từ xưa đến nay đã chọn ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Mỗi năm khi đến ngày này, các bậc bố mẹ và con trẻ đều nôn nao chuẩn bị những món quà và lời chúc ý nghĩa gửi đến các thầy cô giáo để bày tỏ lòng biết ơn.
Tuy nhiên từ sau hậu covid và tình hình kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, những ngày lễ như thế này trở thành mối bận tâm, vấn đề nan giải của nhiều gia đình. Trong khi các ông bố bà mẹ đang loay hoay không biết làm thế nào cho phù hợp thì mới đây nhất, lá thư ngỏ của một thầy hiệu trưởng tại ngôi trường trung học ở T.PHCM đã tạo nên "làn sóng" tranh luận mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh.
Lá thư khiến nhiều người xúc động.
Cụ thể nội dung lá thư viết: "Hằng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường nhận rất nhiều lẵng hoa và bánh kem chúc mừng. Tuy nhiên, số hoa và bánh này chỉ dùng một ngày thì lại bỏ, rất phí phạm. Năm nay, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch, qua thư ngỏ này, nhà trường mong quý doanh nghiệp, cha mẹ học sinh thay vì tặng hoa, bánh kem thì xin đổi qua hình thức bằng cách tặng thẻ bảo hiểm y tế học sinh để nhà trường phát cho những em học sinh khó khăn.
Hiện nhà trường có 89 học sinh khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế học sinh, giá trị mỗi thẻ bảo hiểm y tế là 680.400 đồng, sử dụng cho 12 tháng của năm 2024. Nhà trường rất mong nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của nhà hảo tâm và quý cha mẹ học sinh nhằm giúp đỡ cho các em học sinh của trường, đồng thời cũng là chính sách an sinh xã hội tốt đẹp”.
Được biết, đây là lá thư ngỏ của thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) gửi tới cha mẹ học sinh, doanh nghiệp, mạnh thường quân để bày tỏ mong muốn được đổi hoa lấy quà. Và phần quà ý nghĩa này chính là thẻ bảo hiểm y tế dành cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi bức thư được đăng tải lên các trang mạng xã hội, diễn đàn, nó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một làn sóng tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều từ các bậc phụ huynh đã nổ ra. Tuy nhiên phần lớn là hành động nhân văn, ý nghĩa này của thầy hiệu trưởng đa phần đều nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh.
Rất nhiều tranh luận của các bậc phụ huynh được đưa ra.
Một tài khoản L.P bày tỏ: "Đây mới là người thầy giáo có trách nhiệm, đúng như những gì thầy đã nói, hoa chỉ để được 2 đến 3 hôm là vứt bỏ, bánh kem thì chỉ dùng trong một ngày thậm chí còn không được ăn hết vì không phải là ai cũng thích ăn, vì vậy mà rất lãng phí, thay vì tặng những thứ đó cho nhà trường thì chúng ta đổi sang cái gì nó thiết thực và ý nghĩa hơn".
Một phụ huynh khác với tài khoản H.T.L viết: "Rất nhân văn! Đấy những việc này cần cái hội phụ huynh phát huy đây này! Không phải những phụ thu rồi chi vô bổ không giúp ít gì mà cảm thấy rất phiền".
"Nếu đúng nơi, đúng người và đúng hoàn cảnh thì thật tuyệt. Nhiều trẻ em gia đình rất khó khăn, mua tặng các em là việc làm tử tế, chắc chắn sau này sẽ có em thành đạt và sẽ làm nhiều việc tử tế hơn" - phụ huynh tài khoản N.T nêu quan điểm.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ và dành lời khen cho hành động đẹp của thầy hiệu trưởng. Nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn. Tài khoản N.N.G trải lòng: "Việc làm này ý nghĩa nè. Nhưng tặng riêng cho cô hay thầy giáo chủ nhiệm là do tấm lòng của phụ huynh tri ân các thầy cô đã vất vả dạy học cho các em".
"Rất may mắn cho các em khi có được người thầy như thế này, nhưng mình xin có chút ý kiến, nếu như cứ vào ngày lễ hội ai cũng rút gọn như thế thì những người trồng hoa và gia đình họ thì sao, họ cũng là nông dân đó ạ" - một tài khoản V.N cho hay.
Trên thực tế, ai cũng hiểu rằng 20/11 là ngày để học sinh và các phụ huynh tri ân thầy cô giáo. Nhưng nhiều người không thể phủ nhận, hình thức bày tỏ lòng biết ơn vào dịp lễ đặc biệt này đang ngày càng biến chứng và rất khó để giữ được ý nghĩa tinh khiết, trọn vẹn như bản chất ban đầu.
Truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam vốn nên được gìn giữ và phát huy. Thế nhưng có những người đã lợi dụng ngày Nhà giáo Việt Nam để tặng quà cáp "phong bì" khiến nhiều giáo viên bị mang tiếng.
Nói về vấn đề này, một tài khoản phụ huynh có tên H.L cũng tỏ rõ quan điểm: "Vậy mà ở 1 số nơi phụ huynh còn tranh cãi và muốn tặng cả vàng cho cô giáo, trách thầy cô 1 trách phụ huynh 10, tự tay đút lót rồi lại trách thầy cô tham". Có thể hiểu là việc tặng quà tri ân bị lạm dụng để đạt những mục đích khác.
Để tránh khiến cho giá trị và ý nghĩa đẹp đẽ của ngày Nhà giáo 20/11 bị lệch lạc. Sự thật là mỗi bậc phụ huynh nên có cái nhìn bao phát và tích cực hơn. Có nhiều phương pháp khác nhau bố mẹ có thể dạy con cách để bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo của mình, chẳng hạn như vẽ tranh, viết thư tay hay làm thơ,...
Trẻ vẽ tranh tặng thầy cô giáo.
Tuỳ vào khả năng, điều kiện của mỗi gia đình và mong muốn của con trẻ, bố mẹ có thể đưa ra lựa chọn phù hợp và thực tế nhất. Quan trọng là tấm lòng và giá trị tinh thần sâu sắc, lớn lao mà học sinh và các bậc phụ huynh dành cho thầy cô giáo. Đó mới là "món quà hơn mọi món quà", một món quà vô giá không gì có thể thay thế được.
Qua đó bố mẹ sẽ không chỉ dạy trẻ hiểu rõ về lòng biết ơn, cách thể hiện tình yêu thương, lòng kính trọng với những người thầy, người cô của mình đúng cách, mà mối quan hệ giữa thầy cô giáo và gia đình học sinh, hay mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô cũng sẽ ngày càng gần gũi và bền chặt hơn.