"Nào cùng nhau vào bếp"
Gia đình ca sĩ Trọng Tấn (ảnh nhân vật cung cấp).
Nhà ca sĩ Trọng Tấn có một thói quen, vào ngày nghỉ là cả gia đình sẽ cùng nhau đi chợ, vào bếp trổ tài nấu nướng. Chỉ những khi anh bận đi diễn thì thói quen này mới bị gián đoạn. Dù không giỏi nấu nướng và cũng ít thời gian ở nhà nhưng điều quan trọng mà Trọng Tấn muốn hướng đến đó là, dạy cho các con có ý thức sẻ chia việc nhà với cha mẹ. Thông qua những việc lặt vặt cũng là cách để dạy con bài học về kỹ năng sống.
Chị Thanh Hoa, vợ ca sĩ Trọng Tấn tâm sự: “Tôi nghĩ, rồi sẽ có lúc bố mẹ đi vắng, nhà không có ai thì con mình sẽ xoay sở ra sao? Vậy là “nào cùng vào bếp”, tôi khích lệ con như thế vào mỗi ngày nghỉ. Ông xã cũng ủng hộ “phong trào” để tạo không khí rộn ràng cho các con. Và bây giờ, mỗi khi vào bếp là các con rất hứng thú. Các món nấu được cũng đơn giản thôi, như rán trứng, luộc rau... Lúc đói thì biết tự pha mỳ tôm ăn chứ không thụ động chờ người làm giúp nữa”.
Với ca sĩ Trọng Tấn, các con đã lớn (con trai 12 tuổi, con gái 10 tuổi) nên anh bắt đầu ý thức dạy con cách tiêu tiền. Có lần, vợ chồng anh đưa con đi chơi, thấy các con rất thích bóng bay nhưng lại không dám ra xin tiền bố mẹ để mua. Khi được bố mẹ đồng ý rồi thì lại không biết hỏi người bán như thế nào, bao nhiêu tiền... Lúc này, anh chị mới nhận ra đó là thiếu sót của bản thân, quên mất là các con đã lớn rồi. Để "tập huấn" cho con, anh chị bắt đầu sai con đi mua cái nọ cái kia ở gần nhà. Học cách "mặc cả" ra sao để mua đồ cũng là cách để nâng cao kỹ năng giao tiếp. "Đó đều là những "bài học ở quanh ta", quan trọng là cha mẹ phải biết hướng dẫn và gợi mở để trẻ có thói quen học hỏi", ca sĩ Trọng Tấn nói.
Từ quan niệm này mà gia đình Trọng Tấn cũng "nói không" với việc học thêm của các con. Vốn là học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) nên những bài tập của con, Trọng Tấn đều giảng được. Chỉ khi anh đi diễn thì mới nhờ đến sự trợ giúp của thầy giáo. Hỏi về lý do không cho con học thêm, "ông hoàng nhạc đỏ" cho biết: "Bên cạnh việc học ở trường thì trẻ cũng cần phải biết rất nhiều thứ khác. Như hai bé nhà tôi đi học về còn phải tập đàn nữa, nếu cho học thêm thì sẽ khiến các bé quá tải. Thay vào đó, vợ chồng dành thời gian để kèm cặp con. Bà xã vốn là dân ngoại ngữ nên trong nhà chẳng khác gì có cô giáo dạy tiếng Anh cho con. Thời gian còn lại, tôi muốn hướng các bé đến việc học hỏi các kỹ năng sống, chơi thể thao, hướng ngoại chứ không cho các con xem phim hoạt hình, hay tiếp xúc với Internet quá sớm".
Thế nên mới có chuyện, các con của Trọng Tấn đi học và được các bạn, thầy cô gọi là con trai của "ông hoàng nhạc đỏ" thì tỏ ra ngơ ngác. Sau khi được bố mẹ giải thích "đó là sự ưu ái của khán giả dành tặng" thì các cháu chỉ mong muốn có một ngày bố đến trường để giao lưu với các bạn.
Giờ các con đã lớn, chị Thanh Hoa cũng đi làm trở lại. Hiện chị đang công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng vẫn là người vợ đảm trong nhà. Không những thế, chị còn tham gia kinh doanh, điều hành công ty giải trí của gia đình. Với chị, để có được tổ ấm hạnh phúc cũng chính là thước đo thành công của người phụ nữ.
"Các con luôn ngưỡng mộ bố"
Trọng Tấn trầm tĩnh, nghiêm túc trên sân khấu nhưng về nhà, anh là người khá xuề xòa. Thế nên, anh không câu nệ bất cứ việc gì trong nhà, từ giúp vợ nấu cơm, đưa đón con đi học, ra vườn chăm cây như một nông dân thực thụ... Anh bảo: “Những công việc nhỏ đó cũng là cách để cân bằng lại với những bận bịu trong công việc, giúp con người được sống chậm lại. Nếu có va chạm với vợ, hay con gặp lỗi thì mình cũng ít bị cơn nóng giận chi phối. Khi nào "nóng" quá thì vợ sẽ là người làm "trọng tài" hoặc chủ động nhịn trước. Ngược lại thì tôi sẽ là người lánh đi đâu đó, khi nào vợ "hạ hỏa" mới quay lại”.
Hỏi chị Thanh Hoa, trong vai trò làm cha thì Trọng Tấn là người thế nào, chị chia sẻ: “Anh ấy là người được các con rất tin cậy và ngưỡng mộ. Không chỉ vì đó là một người cha nổi tiếng, mà nó còn là những cảm nhận trong cuộc sống hàng ngày. Anh cư xử nhẹ nhàng, gần gũi và chân thành với các con nên chúng không cảm thấy có khoảng cách. Nhất là cô con gái, điều gì không xin mẹ được là quay sang nịnh bố, vì biết được bố chiều hơn anh nên có tí "lợi dụng". Nhưng khi các con mắc lỗi thì anh cực kỳ nghiêm khắc. Thế nên sau lần con trai chưa làm bài tập mà lại nói dối là đã làm rồi thì đến giờ không dám lặp lại nữa".
Đặc biệt, ca sĩ Trọng Tấn không thích tụ tập, bù khú ở bên ngoài, dù anh là chủ nhà hàng ẩm thực. Nếu có thì đó chắc chắn là với những người trong nhóm bạn thân thiết. Thời gian đó anh dành để chăm sóc cây cối, dạy con học đàn. Hiện tại, các con anh không chỉ học giỏi ở trường mà còn có năng khiếu ca hát và chơi đàn. Việc các con có theo nghiệp bố hay không, vẫn là chuyện tương lai xa, còn với "ông hoàng nhạc đỏ", điều anh cần nhất ở các con đó là sự tự lập để không dựa dẫm vào cha mẹ.