Ở mỗi giai đoạn phát triển, cơ thể trẻ sẽ có những sự thay đổi nhất định. Theo dõi và tìm hiểu kỹ về những sự thay đổi này, bố mẹ có thể chăm sóc sức khỏe cho trẻ một cách tốt nhất.
Đặc biệt là trẻ sơ sinh, giai đoạn phát triển thường diễn ra rất nhanh và đến khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, bố mẹ sẽ phát hiện ra những sự mới mẻ về thể chất và chỉ số IQ của trẻ. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ ở trẻ, nếu bố mẹ nắm vững thì quá trình nuôi dạy trẻ sẽ thuận tiện và đạt được hiệu quả tốt hơn.
Các cột mốc phát triển ở trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi
Chỉ số chiều cao, cân nặng
Dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu ở những đứa trẻ đủ 6 tháng tuổi, cân nặng của trẻ sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn mới sinh, đồng thời chiều cao cũng tăng khoảng 15 cm. Sự phát triển này diễn ra ở hầu hết trẻ sơ sinh, và hiện trạng không tăng cân ở trẻ 6 tháng tuổi là rất ít.
Tuy nhiên, chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như phương pháp chăm sóc của bố mẹ, đặc điểm về giới,... Nếu bố mẹ chăm sóc tốt, bé sẽ sở hữu mức cân nặng và chiều cao theo chuẩn sau
Đối với bé trai: Chiều cao đạt khoảng từ 63,4~73,8cm, trung bình 68,6cm; Cân nặng đạt khoảng từ 6,5~10,3kg, trung bình 8,4kg.
Đối với bé gái: Chiều cao đạt khoảng 62,0~72,0 cm, trung bình 67,0 cm; Cân nặng đạt khoảng từ 6,0~9,6 kg, trung bình 7,8 kg.
Khả năng nhận thức
Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về chỉ số IQ. Lúc này, bộ não của trẻ đã được hoàn thiện đáng kể so với những tháng đầu đời.
Trẻ bắt đầu cảm thấy tò mò và thích thú với việc khám phá mọi thứ xung quanh. Khi bị thu hút bởi một thứ gì đó, bé sẽ dùng tay chạm vào, nắm giữ và cảm nhận nó. Ví dụ như bố mẹ thường treo lục lạc khi bé nằm chơi trên giường và hầu hết đứa trẻ 6 tháng tuổi nào cũng có hành vi cố gắng với lấy thứ đồ chơi này.
Ngoài ra, phản ứng với âm thanh của bé cũng trở nên nhạy cảm hơn. Trong tình huống bé được gọi tên, bé sẽ có sự ghi nhớ và đáp lại bằng một vài âm thanh phổ biến như u, bờ, a, ơ,...
Khi nhận thức của trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi phát triển, trẻ bắt đầu cảm thấy thích thú với mọi thứ xung quanh.
Khả năng ngôn ngữ
Trẻ 6 tháng tuổi sẽ phát triển về khả năng ngôn ngữ, bắt đầu phát ra những âm thanh đơn giản. Khi có người giao tiếp và dạy trẻ nói, trẻ sẽ tỏ thái độ vô cùng phấn khởi, các động tác tay chân phụ họa cũng trở nên linh hoạt.
Bên cạnh đó, sắc thái âm thanh của trẻ cũng sẽ có sự khác nhau giữa việc giao tiếp với người quen hay người lạ, cảm xúc trẻ đang vui vẻ hay không hài lòng.
Trẻ sẽ tỏ ra vô cùng hứng thú, khi có người nói chuyện cùng với trẻ.
Phản hồi có cảm xúc
Cảm xúc của trẻ 6 tháng tuổi thường xuyên thay đổi linh hoạt. Vui, buồn, giận hờn hay phấn khích đều được bộc lộ rất rõ qua biểu cảm trên gương mặt. Trong trường hợp trẻ có sự thích thú với một điều gì đó, bé lập tức sẽ có sự chuyển động cơ thể, chẳng hạn như lắc lư hay nhảy múa. Ngược lại, trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, khó chịu và thậm chí là khóc rống lên nếu như không cảm thấy hài lòng.
Các giác quan
Thị giác của trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu phát triển vượt trội hơn với tầm nhìn rộng hơn. Trẻ dễ bị thu hút đối với các vật thể lớn, mang màu sắc tươi sáng, nổi bật.
Nhu cầu xúc giác của trẻ cũng tăng cao khi trẻ thích chạm và cảm nhận mọi thứ xung quanh. Thậm chí là muốn được nếm thử nó, vì vậy trẻ sơ sinh thường có hành vi cầm đồ vật và sau đó cho vào miệng.
Thị giác của trẻ sẽ trở nên nhạy bén hơn, khi nhìn thấy những đồ vật có màu sắc nổi bậc.
Ứng xử xã hội
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể phân biệt được người lạ và người quen. Đối với người lạ, khi có những hành động tiếp xúc thân mật, trẻ sẽ lập tức có phản ứng tự vệ bằng cách chống đối, khuôn mặt trở nên buồn bã, khó chịu. Ngược lại, đối với những người trẻ thân thuộc, trẻ sẽ bộc lộ cảm xúc vui vẻ và ra tín hiệu để được bồng, bế,...
Khi soi gương, trẻ sẽ có phản ứng thích thú với “cái bóng” của mình và dơ tay sờ vào nó. Đồng thời, trẻ sẽ liên tục thay đổi sắc thái, biểu cảm gương mặt của mình, đặc biệt là luôn mỉm cười khi soi gương, thậm chí là thực hiện hành động hôn hay vỗ vào hình ảnh của mình trong gương.
3 lưu ý dành cho bố mẹ để chăm sóc tốt sức khỏe trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Hệ tiêu hóa của trẻ 6 tháng tuổi vẫn còn hạn chế, vì vậy thức ăn dạng rắn sẽ không phải là lựa chọn phù hợp dành cho trẻ. Thay vào đó, sữa mẹ và các thức ăn bổ sung dạng lỏng như nước ép rau củ, trái cây vẫn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu.
Lúc này, trẻ đã có thể bắt đầu ăn dặm và sẽ cảm thấy đói thường xuyên. Bố mẹ cần phải thiết lập chế độ ăn uống điều độ, để trẻ phát triển một cách toàn diện. Trong quá trình ăn dặm, bố mẹ có thể cho trẻ tập quen với thức ăn dạng mềm như cơm hay trái cây, rau củ được cắt thành miếng nhỏ.
Đặc biệt, trong thực đơn của bé 6 tháng tuổi cần phải được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm sắt, vitamin D, Omega - 3… Đồng thời, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn thực phẩm quá mặn, thực phẩm chưa nấu chín, thực phẩm dễ gây kích thích dị ứng và các loại nước uống có ga.
Chế độ dinh dưỡng điều độ và hợp lý là yếu tố quan trọng mà bố mẹ cần cẩn trọng đối với trẻ sơ sinh.
Nâng cao khả năng miễn dịch
Hệ miễn dịch là một nền tảng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tốt cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần phải lưu ý “chiếc áo giáp” mang giá trị to lớn này. Đối với trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi, hàng rào miễn dịch còn rất yếu nên trẻ thường dễ mắc bệnh.
Để tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp vừa an toàn, lại vừa mang lại hiệu quả cao, chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng đủ chất, chăm sóc giấc ngủ chất lượng, tăng cường vận động, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ và đặc biệt là bú sữa mẹ. Bởi vì trong những tháng đầu đời của trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho bé.
Rèn luyện sức khỏe tinh thần
Bởi vì nhận thức của trẻ từ 6 tháng tuổi đã bắt đầu có những bước tiến rõ rệt, nên cảm xúc của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bé có thể phân biệt được thái độ, giọng nói hay hình dạng của những người xung quanh và có sự phản ứng lại. Tuy nhiên, tùy vào mức độ thân thiết và tần suất tiếp xúc hằng ngày, phản ứng của trẻ đối với mỗi người sẽ khác nhau.
Ngoài ra, trẻ cũng thể hiện đa dạng cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, phấn khích khi rơi vào những tình huống khác nhau. Lúc này, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của trẻ.
Bởi vì theo các chuyên gia, sức khỏe tinh thần nên được xây dựng từ khi còn nhỏ. Nếu sức khỏe tinh thần tốt thì các kỹ năng xã hội, khả năng giao tiếp và đặc biệt là não bộ của trẻ cũng sẽ phát triển vượt trội. Từ đó, trẻ sẽ sở hữu một chỉ số IQ và EQ nổi bậc trong tương lai.
Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số IQ và EQ của trẻ sơ sinh. Vì vậy, bố mẹ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ một cách tốt nhất.