Người Việt có nhiều tính xấu “gia truyền”. Tức là truyền từ đời này đến đời sau vẫn không hết xấu tính. Vậy nhưng đừng khiến thế hệ trẻ con ngày nay cũng “noi gương” theo bố mẹ chúng để trở nên như vậy. Chúng ta có thể xấu tính trong nhiều chuyện nhưng đừng “xấu” trong cách dạy con. Tôi muốn vạch ra những “tội tày đình” của các ông bố bà mẹ Việt cần tránh
Tội: độc tài
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, cha mẹ thường có xu hướng quyết định cuộc đời con. Từ quyết xem con sẽ ăn gì, mặc gì, học trường nào cho đến cả việc quyết định xem con nên…thích gì, nên yêu ai sau này. Tư tưởng “độc tài” này là một trong những nguyên nhân khiến trẻ kém thông minh bởi các bé không được thực hiện quyền dân chủ cơ bản nhất, cũng không được nói lên quan điểm của bản thân mình. Ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ sẽ khiến não bộ bé trì trệ và không muốn suy nghĩ.
Tội: vô cảm với những việc không liên quan đến mình
Khi chúng ta nhìn thấy một tên trộm đang móc túi trên bến xe bus, chúng ta giả vờ như không nhìn thấy. Khi con nói với chúng ta có một vụ đánh nhau, bắt nạt trên đường, chúng ta nhanh chóng nắm tay con bỏ đi chỗ khác. Trẻ con nhìn, trẻ con nghĩ và trẻ con sẽ bắt chước nhanh hơn ta tưởng rất nhiều. Vô cảm, cố tỏ ra vô can với những việc không liên quan đến mình nghĩa là mẹ đang gieo vào đầu con những hạt giống của sự ích kỷ, khiến con mất đi sự tinh tế, nhạy cảm trong cuộc sống.
Tội: nói dối
Người lớn chúng ta luôn tự cho mình được quyền nói dối trẻ nhỏ và bao biện rằng những lời nói dối này hoàn toàn “vô hại”. Chúng ta nói với con rằng chúng ta nói dối vì “thiện ý”, vì “muốn tốt cho con”.Tuy nhiên, trẻ nhỏ sẽ nghĩ sao khi phát hiện ra bố mẹ đã nói dối? Chúng sẽ cho rằng tại sao bố mẹ được quyền nói dối còn con thì không? Từ đó, các bé sẽ bắt đầu thử nói dối và không lâu sau thậm chí còn trở thành một “chuyên gia” nói dối.
Nói dối con là cách "nhanh nhất" dạy con không trung thực. (ảnh minh họa)
Tội: thích bao bọc quá mức
Trẻ muốn đi sang đường chúng ta từ chối với lý do đương nhiên, đó là “rất nguy hiểm”. Vậy nhưng không ai quan tâm đến việc dạy con vì sao nguy hiểm và phải bảo vệ mình khi tham gia giao thông như thế nào. Con không thể nấu nướng vì lửa có thể gây bỏng, con không được cầm dao vì như thế rất dễ đứt tay…Kết quả là, trẻ con bị bao bọc quá mức khiến cho nhiều bé đã hết tiểu học, hết cấp 2 vẫn không biết tự mình đi đến trường, tự mình nấu nướng khi bố mẹ vắng nhà.
Mẹ nên nhớ, nguy hiểm tồn tại ở khắp mọi nơi, có thể xảy ra mọi lúc. Chính vì vậy, giấu con, bao bọc con khỏi những nguy hiểm không phải là cách giải quyết vấn đề. Dạy cho trẻ cách xác định các mối nguy hiểm, xử lý khủng hoảng mới là cái nên làm.
Tội: không tuân thủ luật lệ
Bản thân trẻ em hiếm khi băng qua đường khi có đèn đỏ bởi khi ở trường mẫu giáo,các bé đã được dạy rằng “đèn đỏ dừng lại, đèn xanh được đi”. Vậy nhưng khi tham gia giao thông cùng bố mẹ thì sao? Người lớn luôn vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, không lên cầu vượt dành cho người đi bộ mà leo qua thanh chắn giữa đường để sang vỉa hè bên kia. Chúng ta biện minh rằng “quá bận” và “đang vội” nhưng ít ai biết hành động này của bố mẹ dưới mắt trẻ con có nghĩa là: vì lợi ích của bản thân, đôi khi ta có thể bỏ qua một số quy tắc?
Tội: Tiết kiệm tiền một cách keo kiệt
Như thế nào là keo kiệt? Là khi con hỏi xin mẹ 10 nghìn để ủng hộ các bạn trẻ vùng sâu vùng xa,chúng ta nhăn mặt và bảo rằng “nhà mình cũng nghèo mà có ai cho tiền đâu”. Là khi nhà hết hành lá, chúng ta không bảo con đi mua mà sai bé chạy sang sân nhà hàng xóm “hái tạm” vài cọng. Là khi thấy bố mẹ các bạn khác mua đồ cho con, chúng ta nhanh chóng kéo con mình đi khỏi chỗ đó. Tiết kiệm và dạy cho con biết quý trọng đồng tiền không sai. Vậy nhưng tiết kiệm đến keo kiệt thì mẹ đang khiến trẻ nhỏ phải chịu áp lực lớn và cũng đồng thời “dạy” con thêm vào thói xấu.
Tội: hay ghen tị và thích so sánh
Trẻ con chỉ luôn cố gắng chỉ để được bố mẹ công nhận. Vậy nhưng cái chúng ta trao lại cho con lại là sự so sánh. Để khuyến khích con cố gắng lên, chúng ta vạch ra những điểm yếu của con mình, ca ngợi một bạn nhỏ khác thông minh và giỏi hơn con. Chúng ta muốn con học hỏi bạn, mang lại vinh dự cho chúng ta. Ban đầu câu nói này có thể khiến con nỗ lực hơn. Vậy nhưng nếu ngày nào cũng lặp đi lặp lại, chì chiết con trong những câu nói chế nhạo, những đứa trẻ ngây thơ sẽ dần trở nên ghen tị với bạn bè hơn mình, đồng thời nản chí và không muốn cố gắng.
Tội: coi thường trẻ nhỏ
Khi con hỏi bố mẹ về một vấn đề tại sao lại thế, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi với công việc mà không bận tâm đến việc trả lời con. Cũng có thể câu hỏi của con quá khó và nằm ngoài phạm vi hiểu biết của chúng ta. Câu trả lời thông thường của mẹ Việt sẽ là “Khi nào lớn lên thì con sẽ hiểu”. Vậy nhưng trẻ đâu muốn phải chờ đợi lâu đến như vậy? Chúng sẽ nhanh chóng cho rằng bố mẹ đang giấu diếm hoặc đang không tôn trọng con. Hậu quả rõ như ban ngày: Trẻ đi hỏi người khác, và tôn trọng người sẽ cho bé câu trả lời.