1. Có nên cho bé ăn dặm hải sản?
- Hải sản chứa hàm lượng đạm và canxi cần thiết cho sức khỏe của trẻ, do vậy khi bé ăn dặm, mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ ăn hải sản.
- Thời điểm cho trẻ ăn dặm hải sản phù hợp nhất là tháng thứ hai sau khi bé học ăn dặm. Ví dụ, 6 tháng tuổi bé mới ăn dặm thì 7 tháng tuổi mẹ mới nên cho con ăn hải sản.
- Hải sản dễ gây dị ứng nên chỉ cho bé ăn từ từ, từng chút một và quan sát trẻ có phản ứng dị ứng không.
- Ban đầu chỉ cho trẻ ăn hải sản là các loại cá đã nghiền nhuyễn. Tốt nhất là cá đồng.Tiếp đến mới đến các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò...
2. Cho trẻ ăn cháo cua bao nhiêu là đủ?
- Trước khi trẻ bắt đầu ăn cháo cua, mẹ cần cho bé làm quen với thịt cua liên tục trong 3 ngày đầu tiên. Lượng ăn chỉ 1-2 thìa cà phê thịt cua. Điều này giúp đánh giá trẻ có bị dị ứng với thịt cua hay không.
- Nếu trẻ ăn được thịt cua, mẹ cũng chỉ nên cho bé ăn 1-2 bữa cháo cua/ tuần là phù hợp, vì cua có hàm lượng đạm cao. Trẻ ăn quá nhiều sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.
3. Cách chế biến cua để nấu cháo cua cho bé ăn dặm
- Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, cháo cua cho bé 7 tháng – 12 tháng nên sử dụng cua đồng vì ít gây dị ứng cho trẻ hơn. Ngược lại, khi nấu cháo cua cho trẻ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể dùng thịt cua biển, vì lúc này sức đề kháng của trẻ đã tốt hơn giai đoạn trước.
- Cách nấu cháo cua cho bé không bị tanh phụ thuộc nhiều vào cách các mẹ làm sạch cua ban đầu. Mẹ có thể chế biến cua theo các bước sau:
* Đối với cua đồng
- Bước 1: Rửa sạch cua, tốt nhất nên ngâm cua trước khi chế biến 10-15 phút. Sau khi cua được rửa sạch, tách bỏ mai cua.
- Bước 2: Đem ngâm phần thịt cua đã được bỏ mai vào nước sạch. Đổ 1 thìa cà phê muối ăn vào chậu cua. Ngâm 15 phút để làm sạch hết đất bẩn, giun sán.
- Bước 3: Vớt phần thịt cua này ra rổ cho ráo nước. Gạch cua trong mai cua cậy để riêng vào bát.
- Bước 4: Bỏ phần thịt cua vào máy xay xay nhuyễn. Đổ chút nước vào thịt cua đã xay, bóp đều. Lọc kỹ lấy phần nước cốt, bỏ bã cua.
- Bước 5: Phi thơm hành khô, cho gạch cua vào đảo đều.
*Đối với cua biển:
- Bước 1: Làm cua chết: Lật cua lên, dùng vật sắc nhọn đâm vào cái lỗ bé ở phần ức cua (phần ức ở dưới yếm cua). Cua co càng, giãy giục 1 lúc rồi lịm đi để bạn dễ làm sạch.
- Bước 2: Làm sạch cua: Cua biển rất bẩn, bám nhiều rêu đất. Mẹ cần dùng bàn chải cọ sạch thân cua, càng, mai cua dưới vòi nước chảy.
- Bước 3: Cách hấp cua biển cho bé thơm ngon để nấu cháo cua cho bé như sau:
+ Chuẩn bị 1 nồi hấp to rộng, để vừa con cua biển
+ Phần dưới nồi đổ nước, phần giá hấp đặt cua biển. Xung quanh cua rắc thêm chút hành tây, gừng để cua thêm thơm ngon.
+ Vặn lửa to để bếp sôi rồi lại hạ về mức thấp. Hấp trong 10-15 phút đến khi cả con cua đã chuyển sang màu cam.
+ Vớt cua ra, để nguội rồi dùng dụng cụ kẹp cua, bóc tách thịt cua.
+ Trong mai cua biển có nhiều gạch, mẹ tách riêng phần gạch này để gia đình ăn. Cháo cua cho trẻ chỉ cần dùng phần thịt cua biển là thích hợp.
4. Một vài món cháo cua cho bé ăn dặm rất thơm ngon
* Cháo cua biển bí đỏ cho bé
- Nguyên liệu: 50 gram bí đỏ, gạch cua đồng, nước cua đồng đã lọc kỹ, 100 gram cháo trắng.
- Cách làm:
+ Thái nhỏ bí đỏ rồi đem hấp hoặc luộc chín. Sau đó xay nhuyễn bí đỏ hoặc các mẹ dùng thìa miết kỹ bí đỏ đã luộc sao cho mịn.
+ Cho nước cốt cua đã lọc vào nồi, đun sôi. Lưu ý tránh để quá lửa nước cua sôi trào bếp. Đổ nước cua ra bát.
+ Cho cháo trắng và gạch cua vào nồi. Tiếp đến đổ nước cua vào. Chú ý phần nước cua cho vừa phải để hỗn hợp cháo sền sệt, tránh bị loãng. Đun sôi cháo rồi cho bí đỏ vào đảo đều đến khi cháo chín thơm.
+ Cho 1 thìa cà phê dầu ăn vào cháo. Múc cháo ra bát. Nếu trẻ ăn được hành lá và thì lá, mẹ có thể nêm chút ít để món cháo dậy mùi hơn.
* Cháo cua khoai mỡ
- Nguyên liệu
+ 30gr thịt cua tươi,10gr mỡ lợn,10gr thịt lợn nạc,100gr khoai mỡ
+ Hành lá, nước mắm.
- Cách làm:
+ Khoai mỡ gọt vỏ, ngâm nước thật sạch rồi xay nhuyễn.
+ Mỡ lợn và thịt lợn thái nhỏ cho vào cối xay mịn cùng thịt cua. Nêm 1 thìa cà phê nước mắm vào hỗn hợp này. Trộn đều hỗn hợp thịt rồi vê thành viên chả nhỏ.
+ Đun sôi 200 ml nước, thả dần các viên chả cua vào nồi. Chờ khi chả cua chín, vớt ra để ngoài.
+ Đổ khoai mỡ vào nồi nước dùng, nấu khoai thành cháo sệt. Đổ tiếp chả cua vào nồi cháo nấu cùng đến khi sôi thì bắc ra.
+ Mẹ có thể nêm thêm chút hành lá, rau mùi cho món cháo của bé thơm ngon.
Ngoài cách nấu cháo cua kết hợp với các loại củ quả thì nhiều mẹ cũng muốn biết cháo cua cho bé nấu với rau gì sẽ thơm ngon, bổ dưỡng. Đây là một vài loại rau gợi ý các mẹ thử chế biến cùng thịt cua cho con có món cháo thơm ngon nhé!
* Cháo cua biển rau ngót
- Nguyên liệu:
+ Thịt cua biển đã được gỡ sạch.
+ Cháo trắng
+ Rau ngót 1 nắm to
+ Nước mắm, dầu ăn
- Cách làm:
+ Rau ngót tuốt lá, rửa sạch, vẩy cho ráo nước rồi thái thật nhỏ.
+ Cho cháo vào nồi đun sôi. Tiếp tục đổ 1 phần thịt cua và rau ngót vào quấy đều. Chú ý miết nhỏ thịt cua hòa lẫn vào cháo, tránh bị vón cục quá to. Nêm chút nước mắm vừa ăn và 1 thìa cà phê dầu ăn trước khi tắt bếp.
+ Rau ngót chứa nhiều chất xơ, vitamin, có tính mát. Khi kết hợp nấu cháo cua với rau ngót sẽ phù hợp cho bữa ăn mùa hè của trẻ.
* Cháo cua biển rau chùm ngây
Trong số các loại rau để nấu cháo ăn dặm cho bé, không thể thiếu món rau chùm ngây vô cùng bổ dưỡng. Loại rau này có chứa đến hơn 90 loại chất dinh dưỡng tổng hợp khác nhau, rất phù hợp với trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc trẻ mới ốm dậy cần phục hồi thể lực. Rau chùm ngây kết hợp với cua biển để nấu cháo ăn dặm cho trẻ trên 1 tuổi sẽ rất phù hợp
- Nguyên liệu:
+ Thịt cua đã được bóc sạch
+ 3 thìa rau chùm ngây xay nhuyễn
+ Cháo trắng
+ 1 viên phô mai
+ Dầu ăn, nước mắm
- Cách làm:
+ Băm thật nhỏ thịt cua, đổ vào nồi cháo trắng. Đun đến khi cháo sôi, tiếp tục cho rau chùm ngây và phô mai vào đảo đều.
+ Miết kỹ thịt cua và phô mai trong nồi cháo để tránh vón cục, hỗn hợp cháo sánh mịn.
+ Khi cháo chín tới, cho nước mắm và dầu ăn đảo đều lần cuối rồi tắt bếp.
* Cháo cua đồng nấu với rau mồng tơi
- Nguyên liệu:
+ Nước cua đồng đã lọc kỹ
+ Gạch cua đã phi thơm
+ Cháo trắng
+ Rau mồng tơi 1 nắm to
+ Nước mắm, dầu ăn
- Cách làm:
+ Rau mồng tơi chỉ lấy lá, rửa sạch, vẩy cho ráo nước rồi thái thật nhỏ.
+ Cho cháo trắng vào nồi, tiếp đó đổ nước cua đồng vào cháo, đun chín cháo ở dạng sền sệt. Đổ gạch cua và rau mồng tơi vào nấu cùng đến khi rau chín.
+ Nêm chút nước mắm vừa ăn và 1 thìa cà phê dầu ăn trước khi tắt bếp.
+Rau mồng tơi rất tốt cho trẻ nhỏ bị táo bón vì tính thanh mát, nhuận tràng. Đây là món cháo ngon, giàu canxi lại tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
* Nấu cháo cua cho bé 1 tuổi với rau muống
Nếu bé yêu đã trên 1 tuổi, mẹ có thể kết hợp nấu cháo cua cùng rau muống cho con đổi vị. Rau muống không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều loại khoáng chất, vitamin rất tốt cho bé.
- Nguyên liệu:
+ Nước cua đồng đã lọc kỹ
+ Gạch cua đã phi thơm
+ Cháo trắng
+ Rau muống 1 nắm to
+ Nước mắm, dầu ăn
- Cách làm:
+ Rau muống nhặt lá, rửa sạch, vẩy ráo nước rồi thái nhỏ.
+ Đổ nước cua vào cháo đun sôi, khi cháo gần cạn nước, cho gạch cua và rau muống vào đảo đều tay đến khi rau chín.
+ Nêm 1 thìa nước mắm, dầu ăn rồi múc cháo ra bát, vừa thổi nguội vừa cho trẻ ăn dần.
