Con trai tôi hiện được 16 tháng và bé nói khá tốt. Vợ chồng chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì mỗi ngày được nghe tiếng nói ngây ngô của con. Tầm tuổi này, Bo đã có thể gọi tên được nhiều đồ vật, các con vật, có thể đếm từ 1 đến 10 và hát một bài hát ngắn khoảng 5, 6 câu. Trước thành tích này của con, chúng tôi hài lòng vì đã biết cách dạy con tập nói ngay từ khi con sinh ra. Tôi biết không chỉ riêng con mình làm được điều này mà cũng có rất nhiều bé khác còn làm được nhiều hơn thế.
Tuy nhiên, tôi cũng cũng gặp nhiều bà mẹ tâm sự rằng con họ đã 2 tuổi nhưng không nói được nhiều hoặc có bé mười mấy tháng nhưng chưa gọi được ba, mẹ rành rọt khiến họ "đứng ngồi không yên". Để giúp các mẹ tập cho con biết nói, tôi xin liệt kê một cách dạy con tập nói mà tôi đã áp dụng cho cu Bo, kết quả thì khỏi phải bàn.
Tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện cùng con
Có lẽ nhiều người không biết rằng trẻ có thể nhận ra giọng nói của mẹ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bên trong cơ thể của mẹ, trẻ có thể làm quen với nhịp đập của trái tim và giọng nói của mẹ, hơn nữa bé cũng có thể cảm nhận và phân biệt được những tiếng nói khác nhau. Do đó, ngay từ khi trẻ mới chào đời, cha mẹ đừng để tuột mất cơ hội để được “ê a” chuyện trò cùng con.
Tôi cũng là một người mẹ, cũng ngày đêm momg mỏi được nghe tiếng “mẹ” thân thương từ chính miệng của con. Chính vậy, ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã không ngần ngại dành thời gian tán ngẫu cùng con. Các mẹ đừng cảm thấy buồn khi cuộc hội thoại với con trong thời điểm này chỉ có tiếng nói phát ra từ một phía, mẹ có thể sẽ phải nói một tràng dài trong khi bé chỉ căng tròn mắt nhìn mẹ và thỉnh thoảng điểm vào một vài tiếng “ư ư”. Nếu các mẹ bỏ cuộc quá sớm, đồng nghĩa với việc mất đi một cơ hội được gần gũi với con.
Biết Bo còn nhỏ sẽ không hiểu hết được mọi điều mẹ nói, nhưng tôi không từ bỏ. Tôi coi Bo như một người bạn, dành thời gian giao tiếp với con một cách tự nhiên, thoải mái. Các mẹ nên nhớ rằng trò chuyện với bé cũng là một nghệ thuật, cần nói chậm rãi, âm lượng vừa phải và luôn luôn theo dõi phản ứng của bé. Các bé có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ rất lâu trước khi hiểu ngôn ngữ và biết nói, càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ, bé càng nhanh biết nói một cách tự nhiên.
Đọc cho bé nghe để kích thích ngôn ngữ
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc truyện cho bé. Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày là một cách tốt để bé có thể cảm nhận nhịp điệu giọng nói của mẹ, đồng thời mẹ cũng đang tạo ra một cơ hội cho bé nghe thấy nhiều từ ngữ hay ho và mới lạ, giúp con nhận thức vốn từ vựng tốt hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, khi mẹ đọc cho bé nghe những câu chuyện, mẹ không nhất thiết phải đọc từng chữ của cuốn sách để mong con có thể nghe thấy trọn vẹn. Thay vào đó, mỗi trang sách, mỗi câu kể, mẹ hãy chỉ vào các hình ảnh, màu sắc và đặt ra các câu hỏi để bé cảm thấy hứng thú hơn.
Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày là một cách tốt để bé nghe thấy nhiều từ ngữ hay ho và mới lạ, giúp con nhận thức vốn từ vựng tốt hơn (Ảnh minh họa)
Trước khi sinh Bo, tôi đã chuẩn bị sẵn một số “đạo cụ” để giúp con biết nói, biết nhận thức sớm và nhanh. Trong số đó, không thể không kể đến các cuốn truyện tranh với đầy đủ các nội dung và hình ảnh phù hợp với lứa tuổi của con. Trước khi ru Bo đi vào giấc ngủ, tôi cũng dành chút thời gian đọc truyện cho con nghe, những câu từ đơn giản sẽ khiến con xây dựng vốn từ vựng tốt hơn. Các mẹ đừng nghĩ làm vậy là tốn thời gian, con có hiểu đâu mà đọc nhưng thật ra trẻ thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều đó.
Năng đưa bé tới những khu vui chơi công cộng
Nhiều cha mẹ có lối suy nghĩ rằng trẻ nhỏ sức đề kháng kém, do đó không nên đưa con đến chỗ đông người vì điều đó sẽ rất dễ khiến con lây nhiễm bệnh tật. Tư tưởng này không hề sai, nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng. Nếu mẹ nào cũng nghĩ như vậy, và chỉ biết nhốt trẻ trong nhà thì chắc chắn không những con sẽ kém phát triển mà còn có khả năng mắc chứng bệnh tự kỉ, thiếu vốn sống, và nhanh chóng trở thành những đứa trẻ nhút nhát.
Các mẹ nên biết rằng những chuyến đi ngắn tới vườn bách thú, bách thảo, bảo tàng, khu công viên dành cho trẻ con… sẽ mở ra chân trời kiến thức mới cho con. Hơn nữa, ngoài việc khiến bé đỡ nhát, những hoạt động bổ ích này cũng giúp con nhận biết chính xác tên các loại động, thực vật và tích lũy vốn từ sinh động cho cuộc sống sau này.
Khi Bo tầm 6 tháng tuổi, vợ chồng tôi đã cho con đến mấy nơi như trên, con vô cùng thích thú với những điều mới lạ này. Mỗi khi đến vườn thú, tôi đều chỉ và nói cho con biết đây là con gì, vật gì hay đồ gì. Nhìn con cười khanh khách thích thú mà chúng tôi cũng thấy mình đã biết đầu tư thời gian cho con một cách chính xác.
Gợi ý cho bé tham gia vào các trò chơi
Những trò chơi dân gian với câu thoại đồng dao đơn giản như trò “Chi chi chành chành”, “Tập tầm bông”, “Nu na nu nống”, “Kéo cưa lừa xẻ”…cũng là một trong các cách dạy con tập nói sớm. Các trò chơi này chỉ cần có mẹ và bé là có thể chơi được, do đó bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, mẹ hãy cùng con giải trí và chớ quên hát các câu thoại đồng dao của mỗi trò khi chơi.
Những trò chơi dân gian với câu thoại đồng dao đơn giản cũng là một trong các cách giúp trẻ biết nói sớm (Ảnh minh họa)
Không chỉ chơi với con, hay cho con chơi một mình, mẹ có thể cho bé chơi cùng với các bạn chơi cùng. Mẹ hãy lôi tất cả số đồ chơi và rủ rê các bé chơi cùng. Việc tham gia chơi nhóm sẽ giúp bé tự tin hơn, tăng khả năng mày mò cách chơi với mọi người sao cho hợp lý hơn. Đây là một bí quyết hay để phát triển ngôn ngữ cho con.
Cu Bo nhà tôi rất thích chơi mấy trò như vậy, giờ mỗi lần thấy mẹ duỗi chân ra là bé cũng tự động duỗi chân mình để chơi cùng mẹ. Khi nghe thấy mẹ bắt đầu hát, bé cũng bắt đầu ê a ngâm theo, và những lúc như vậy, tôi hay tận dụng để dạy con tập nói một vài từ câu đơn giản.
Thường xuyên hát hay cho bé nghe nhạc
Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Trẻ em rất thích nghe nhạc, nhất là những bản nhạc vui vẻ, rộn ràng, bé thường chuyển động nhún nhẩy cùng âm nhạc. Khi ấy bé sẽ có khung hướng chú ý đến nhịp điệu tiết tấu của giai điệu đó, điều này rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.
Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, mẹ nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy. Mỗi bài hát, bài thơ mẹ nên “tua đi tua lại” vài lần trong vài hôm. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để bé ghi nhớ những lời mà bé yêu thích, từ đó, con sẽ rất nhanh hát theo. Do đó, các mẹ đừng ngại mình hát giở mà không dám trổ tài với con, nên nhớ từng câu hát nhẹ nhàng của mẹ có thể chuyển cảm xúc và tình cảm đến con.
Tôi thường tự mình hát cho con nghe thay vì cho con nghe băng đĩa nhiều. Tự mình chuyển giọng nói cho Bo sẽ giúp con lưu giữ giọng điệu của mẹ một cách tốt hơn. Mỗi lần nghe mẹ hát hoặc nghe nhạc, tôi nhận thấy cu Bo thường hay chuyển động tay, múa may hay vỗ tay theo nhịp điệu. Khi nghe mẹ hát quen thuộc một bài nào đó, nếu bắt chợt được bài hát đấy được phát trên tivi, cu cậu sẽ rất nhanh chóng nhận ra và tự động nhảy múa.
Đây là một trong số cách dạy con tập nói sớm mà tôi áp dụng, những chiêu này đều không hề mất tiền mà chỉ cần mẹ kiên trì, nỗ lực và biết trao gửi tình yêu đến con. Các mẹ hãy thử xem nhé để sớm được nghe tiếng bi bô của con.