Tôi từng là giáo viên tiểu học nhưng sau khi lấy chồng tôi nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm sóc các con và gia đình. Tôi và chồng đến giờ đã có 3 mặt con, trước đó thì sống cùng bố mẹ chồng nhưng khi các con lớn dần cũng là lúc nhiều bất đồng quan điểm sống nảy sinh nên tôi giục chồng ra ở giêng.
Vì tôi chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái còn thu nhập của chồng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên hiện tại gia đình 5 người chúng tôi vẫn sống trong một căn tập thể cũ đi thuê. Dẫu vậy cuộc sống vẫn cảm thấy hạnh phúc vì các con lớn khôn ngoan ngoãn, hiểu chuyện.
Thế nhưng nhìn vào hạnh phúc của các con các cháu, mẹ chồng tôi lại không coi đó là hạnh phúc mà lại coi là bất hạnh, khổ đau khi chúng tôi "sĩ diện" không chịu ở nhà 5 tầng mặt đất cùng với ông bà mà lại chọn cách ra ở riêng, sống khổ sống sở. Vì thế bà giận không đoái hoài đến chúng tôi nhiều năm hoặc chỉ thỉnh thoảng ghé qua, nói dăm ba câu đụng chạm cho bõ tức rồi về.
Ảnh minh họa
Tôi cũng hiểu được ý bà làm thế cốt cũng để chúng tôi ngoan ngoãn dọn về ở chung rồi nghe lời bà trong tất cả mọi chuyện chứ không hề có ý xấu gì, mặt khác thỉnh thoảng bà vẫn quan tâm cháu, cho chúng tôi thứ nọ thứ kia nên tôi không hề ghét bà quá nhiều. Cho đến mấy ngày gần đây, khi bà bắt đầu gieo rắc vào đầu các con tôi những tư tưởng xấu, tôi đã thực sự tức giận.
Hiện tại tôi vẫn chưa đi làm, ở nhà trông con út 2 tuổi, chính vì lẽ đó mà kinh tế có chút eo hẹp phải vay chạy khắp nơi. Tết sắp đến gần nhưng trong nhà không còn tiền để sắm Tết hay mua đồ dùng mới cho các con, vì thế tôi đành ngỏ ý hỏi vay mẹ chồng chút ít tiền để tiêu Tết, ra Tết chồng có lương rồi gửi lại mẹ chồng. Biết là bà sẽ mắng, sẽ chửi nhưng tôi cũng "muối mặt" gọi điện. Hôm đó sẵn tiện đứa con gái lớp 1 của tôi đi học về lại nói muốn sang bà chơi trước khi về nhà, vậy nên tôi có nói mẹ chồng là đưa tiền cho con bé cầm về cũng được.
Đúng buổi tối hôm đó con gái sau khi chơi ở nhà bà nội thì được ông nội đưa về. Con bé chạy vào nhà đưa cho tôi phong bì tiền mà bà nội đưa cho, dặn là đưa cho mẹ. Thế nhưng câu đầu tiên mà con bé nói đã khiến tôi khá bất ngờ.
- Mẹ ơi nhà mình nghèo lắm hả mẹ?
- Ủa sao tự dưng con hỏi vậy?
- Con thấy mẹ vay tiền của bà đây này!
- À ừ, mẹ vay tiền của bà để tiêu tạm, mai mẹ trả ấy mà.
- Nhưng bà lại nói với con khác cơ. Bà đưa tiền cho con xong bà bảo là "Đây cầm về cho mẹ, bà đưa cho gấp đôi chỗ tiền mẹ vay đó. Gớm nhà nghèo còn sĩ diện không thèm về đây ở xong rồi dựa vào lương 3 cọc 3 đồng của thằng bố thì sao nuôi đủ cả nhà. Mà cho nhà mày vay thì không biết đến bao giờ mới trả nổi, chắc lại ăn không của bà chứ nghèo thế sao có tiền trả".
Ảnh minh họa
Tôi dường như chết sững với lời tường thuật của con gái về những lời bà nội nói và ngay lúc đó cũng không biết phải nói gì. Tôi chỉ làm dịu con để đứa trẻ không nghĩ về điều đó nữa.
- Bà giận thì bà nói vậy thôi chứ thực tế không phải vậy đâu. Mẹ chỉ mượn 1, 2 hôm rồi mẹ trả ngay, nhà mình cũng không nghèo đến mức quỵt tiền như bà nói đâu. Con đừng để bụng nhé.
Sau đó tôi giục con bé rửa chân tay rồi vào ăn cơm. Tôi vào phòng khóa trái cửa lại, mở phong bì thì đúng bà số tiền gấp đôi số tôi vay. Tôi ném cục tiền lên giường mà òa khóc nức nở. Lần đầu tiên tôi thấy nhục nhã như thế này vì tôi không nhờ rằng chính bà nội lại gieo rắc vào đầu cháu những ngôn từ không hay về bố mẹ nó, về gia cảnh của gia đình. Cũng chính vì những điều này mà tôi lại càng không muốn đưa các con về đó sống dù có thiếu thốn ra sao.
Tâm sự từ độc giả buianh...
"Nhà mình nghèo lắm, mẹ không có tiền con ạ" là câu nói cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ, người lớn dành cho trẻ. Tuy nhiên, ít ai biết câu nói đó mặc dù có tác dụng ngay tức thì với lời đòi hỏi của con nhưng lại có những hậu quả lâu dài mà không phải ai cũng biết.
Thứ nhất, câu trả lời mang đến sự tiêu cực
Việc bố mẹ nói mình không thể chi trả có xu hướng mang đến cho con cảm giác bố mẹ đang rất đau đầu về tình hình tài chính của mình. Và với một đứa trẻ hiểu chuyện, nó sẽ thấy được cả sự bất mãn, không hài lòng với cuộc sống hiện tại của bố mẹ.
Thứ hai, câu trả lời mang đến sự thụ động
Việc nói không có khả năng mua được món đồ cho thấy số tiền trong ví đang chi phối cuộc sống của bạn. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được gánh nặng tài chính cũng như việc bố mẹ chúng đang lâm vào tình cảnh khó khăn, không kiểm soát được cuộc sống của chính họ.
Vậy, với những trường hợp này, theo các chuyên gia, bố mẹ khôn ngoan nên dừng việc nói không đủ khả năng chi trả mà thay vào đó nên tận dụng cơ hội để giáo dục con mình về quản lý tài chính. Thay vì tiết lộ về tình hình tài chính của mình, bố mẹ nên đưa ra phân tích để cho thấy ưu tiên chi tiêu nào tốt hơn.
Với trẻ, thay vì nhận được câu trả lời "nhà mình nghèo lắm", bé sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nếu như bố mẹ, ông bà nói rằng: "Nhà mình cần phải tiêu tiền theo kế hoạch. Việc mua những món đồ con muốn không có trong ngân sách mua sắm tuần này. Tại sao chúng ta không tiết kiệm khoản tiền mua món đồ chơi đắt đỏ này để dành tiền đóng học phí cho con".
Với một đứa trẻ từ 5-8 tuổi, cách trả lời của bố mẹ sẽ khiến các con cảm thấy rất thoải mái và hiểu rằng nhà mình không khó khăn, chỉ là gia đình mình đang tiêu tiền theo đúng kế hoạch đặt ra.
Đối với trẻ lớn hơn, hoặc bước vào tuổi teen, bố mẹ hoàn toàn có thể trao đổi một cách thẳng thắn rằng: "Giá của món đồ này nhiều hơn số tiền bố mẹ sẵn sàng chi", hoặc thậm chí "nếu con tìm thấy món đồ tương tự có giá tốt hơn thì bố mẹ sẽ mua". Đây cũng chính là bài học về tài chính mà bố mẹ đưa cho con bằng cách cân nhắc lựa chọn, tập trung vào mục tiêu trong khả năng của mình.
Dạy con bài học về giàu - nghèo
Khi con hỏi "Nhà mình giàu hay nghèo", rất nhiều bố mẹ lúng túng trong việc đưa ra câu trả lời đúng. Để có thể trả lời câu hỏi này, bố mẹ cần nằm lòng hai nguyên tắc, đó là không nói quá, cũng không tô đen hoàn cảnh.
Nếu như nhà bạn khó khăn, đừng ngại chia sẻ hoàn cảnh của mình với các con. Tuy nhiên, thay vì một lời than thở, hãy tạo động lực cho con vươn lên cố gắng bằng cách nói: "Gia đình mình chưa có nhiều điều kiện, bố mẹ đang rất cố gắng làm việc chăm chỉ để có thể cho các con một cuộc sống tốt. Dù không có xe sang, nhà đẹp nhưng điều bố mẹ thấy vui nhất là gia đình ta luôn hạnh phúc, yêu thương lẫn nhau".
Bố mẹ cần tuyệt đối tránh việc nói quá về những gì mình đang có, vì nghĩ rằng muốn cho con cảm giác bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, việc sống thiếu thực tế sẽ khiến trẻ dễ bị ảo tưởng về bản thân, có lối sống ích kỷ chỉ biết hưởng thụ và không có chí vươn lên.
Cũng đừng nghĩ việc nói giảm đi, cho rằng nhà mình rất nghèo cũng là một câu trả lời tốt. Vì nó có thể khiến trẻ tự ti, mặc cảm, hoặc nảy sinh tâm lý tham lam, sẵn sàng làm mọi thứ để kiếm ra tiền.
Theo cách chuyên gia, việc dạy con về giàu, nghèo không phải để con mang cảm giác gánh nặng gia đình mà chính là chìa khóa giúp con tự lập khi lớn lên, giúp con hiểu cần lao động, làm việc chăm chỉ thì mới có một cuộc sống tốt đẹp. Chính vì thế, dù gia đình bạn ở hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, cũng cần cho trẻ biết giá trị của lao động để trẻ có thể vươn lên, làm chủ cuộc sống sau này.