Cậu bé Thế Anh trong tập 5 Siêu trí tuệ Việt Nam gây ấn tượng với khán giả nhờ khả năng phi thường có thể định vị chính xác vị trí của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên ứng dụng mô phỏng địa cầu.
Theo dõi những gì Thế Anh thể hiện, nhiều khán giả cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục cậu bé 7 tuổi này. Thế nhưng, những tâm sự từ bố mẹ của Thế Anh trong chương trình đã hé lộ một câu chuyện khác khiến mọi người nghẹn ngào, xúc động bởi việc nuôi dạy một đứa trẻ có tài năng vượt trội và khác biệt so với những đứa trẻ bình thường khác không phải là điều dễ dàng và anh chỉ ước mơ con trai bình thường như bao đứa trẻ khác để việc nuôi dạy dễ dàng hơn.
Chia sẻ thêm, mẹ Thế Anh tâm sự, gia đình chị vẫn suy nghĩ nhiều để làm sao cho con học tập vui vẻ, đúng với khả năng và phát triển tâm lý bình thường. Mặc dù biết, để làm được như thế rất là khó nhưng vợ chồng chị sẽ cố gắng tối đa trong khả năng mà gia đình có thể làm được.
Gia đình của bé Thế Anh.
Cùng trò chuyện với mẹ của bé Thế Anh để hiểu rõ hơn về những khó nhọc và những trăn trở về chuyện nuôi dạy con của vợ chồng chị.
Xin chào chị! Chương trình Siêu trí tuệ phát sóng tập của Thế Anh nhận được nhiều sự quan tâm và khâm phục của mọi người, sau chương trình này, khi con được vào biệt đội Siêu trí tuệ và giành giải thưởng 400 triệu, cảm xúc của gia đình chị và bé như thế nào?
Xin chào độc giả quý báo. Thật tình là gia đình tôi không muốn cho Thế Anh tham gia các chương trình như thế này khi bé còn quá nhỏ, vì cũng lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý cũng như cuộc sống của con. Sự quan tâm quá nhiều và những lời khen có cánh dành cho Thế Anh dù biết là thiện ý nhưng sẽ là một gánh nặng mà bé phải mang vào người. Điều đó thật sự không tốt.
Gia đình tôi không quá bất ngờ với những gì Thế Anh thể hiện trên sân khấu Siêu trí tuệ, vì tôi nghĩ rằng Thế Anh còn làm được một số thứ khác nữa. Học bổng tiếng Anh trị giá 400 triệu đồng là một sự khích lệ quý giá đối với gia đình, giúp cho chúng tôi đỡ vất vả hơn phần nào trong quá trình đồng hành với con.
Riêng về phần Thế Anh thì bé vẫn rất vô tư, xem màn trình diễn của mình như một trò chơi, và khi vượt qua thử thách thì bé cũng vui, giống như khi tham gia những trò chơi ở trường, ở các trung tâm mà bé đã tham gia.
Được biết, 3 tuổi rưỡi Thế Anh đã biết đọc, tìm hiểu thông tin liên quan mọi thứ, khi con tìm hiểu sớm như vậy, vợ chồng chị có lo lắng nhiều? Đó có phải là thời điểm anh chị phát hiện ra con trai đặc biệt hơn những đứa trẻ khác?
Đến 3 tuổi rưỡi thì chúng tôi chỉ hơi bất ngờ một chút vì bé tự dưng đọc được tiếng Việt khá rành rọt, chứ lúc chừng được một tuổi rưỡi là Thế Anh đã chắp tay sau lưng đi xung quanh nhà tìm đọc số điện thoại quảng cáo in trên tường, dán trên cột điện và nhớ số điện thoại chỉ sau một, hai lần xem qua. Chúng tôi chỉ lo lắng là khi bé có những bất thường về sinh hoạt thôi.
Không biết từ khi mang bầu và sau sinh bé, chị có thực hiện phương pháp thai giáo nào cho con?
Hoàn toàn là không có. Khi mang thai, tôi chỉ ăn uống theo nhu cầu của cơ thể, lúc đó tôi ăn khoai lang rất là nhiều, ăn mít cũng nhiều nữa. Tôi không hề dạy con từ trong bụng, hay là cho con nghe Mozart, Beethoven,… Sau khi sinh ra thì cũng không hề theo một phương pháp giáo dục sớm nào cả.
Một tuổi rưỡi Thế Anh đã đọc được số điện thoại sau 2 lần nhìn và 3 tuổi rưỡi tự đọc được tiếng Việt.
Anh nhà chị có chia sẻ, hồi nhỏ 1-2h sáng bé không ngủ mà hay khua chân múa tay nói một mình, quãng thời gian đó vợ chồng chị gặp những khó khăn như thế nào trong việc nuôi, chăm sóc con, công việc và cuộc sống, đặc biệt phải thường xuyên thức khuya với con?
Vấn đề này thì đúng là khá rắc rối. Vợ chồng tôi phải làm việc, công việc cũng khá là nhọc tâm, nhưng khi bé thức khuya, nói chuyện làm chúng tôi không thể ngủ được, dẫn đến mệt mỏi và stress. Có những lúc căng thẳng quá, bố của Thế Anh đập cửa ầm ầm, kêu ngủ ngay đi chứ không thì quẳng ra đường.
Bố của Thế Anh là người hiểu rất rõ về bé, nhưng vì mệt mỏi quá nên đôi lúc anh mới không thể kiềm chế như vậy. Sau đó thì như chia sẻ của anh ấy trong chương trình, là chúng tôi đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa và nhận được sự tư vấn để điều chỉnh cho bé phát triển phù hợp hơn.
Giảm khảo Thành Nam có nói "Yếu tố thiên bẩm là món quà nhưng nó chỉ trở thành tài năng nếu biết đầu tư thời gian, tâm huyết và được luyện tập bằng phương pháp đúng", vợ chồng chị nhọc nhằn như thế nào để có thể tìm được hướng và cách giáo dục tốt nhất cho con phát huy khả năng của mình?
Gia đình tôi không trông đợi con cái trở thành người tài năng xuất chúng, chỉ mong con cái ngoan ngoãn, sống vui vẻ, thoải mái. Còn việc học nếu dưới mức trung bình mới lo.
Với Thế Anh, vấn đề chúng tôi lo nhất là sợ bé tập trung quá nhiều thời gian vào những lĩnh vực bé thích mà không chú tâm phát triển kỹ năng sống, nên chúng tôi chú ý nhắc nhở bé nhiều về chuyện này, cũng như cho bé chơi thể thao như bóng rổ, bóng đá.
Còn về tìm hướng giáo dục phù hợp cho con vợ chồng tôi thật sự chưa biết cách nào là phù hợp. Vấn đề này chắc là phải nhờ đến sự giúp đỡ của những chuyên gia giáo dục.
Thế Anh có thể định vị chính xác vị trí của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên ứng dụng mô phỏng địa cầu.
Thế Anh khá giỏi về địa lý, từ khi nào anh chị mua quả địa cầu cho con tìm hiểu các nước trên thế giới?
Quả địa cầu là công cụ của nhiều gia đình có con cái đang đi học thôi. Bố của Thế Anh mua nó đã lâu và không hề có chủ ý để cho bé học địa lý. Tuy nhiên, Thế Anh lại thích tìm hiểu nhiều thứ nên đôi lúc thấy bé mang ra chơi. Ngoài ra, bé tìm hiểu rất nhiều thông tin trên Internet, trên Youtube. Trong chương trình, khi được hỏi, Thế Anh cũng có nói là “lâu lâu mới mê”, ý của bé là thỉnh thoảng bé mới lấy nó ra chơi.
Thế Anh nay đã học Toán đến lớp 7, với khả năng phát triển sớm như vậy, gia đình chị đã phải đi gõ cửa, tìm bao nhiêu lớp để có thể tìm được lớp học phù hợp với khả năng của con, giúp con hứng thú hơn trong việc học?
Bố của Thế Anh tìm hiểu rồi đưa con đi học toán Kumon của Nhật từ lúc gần 4 tuổi. Bé rất thích học toán vì chương trình này cho học theo khả năng của từng học sinh. Toán ở đây phân chia theo từng trình độ, tương ứng với trình độ toán của các lớp. Tuy nhiên, hầu hết họ dạy số học chứ chưa thấy hình học. Thế Anh hiện đã hoàn tất trình độ G tại Kumon (tương đương toán lớp 7) và đã bắt đầu học trình độ H (toán lớp 8). Thấy bé vẫn rất thích nên tôi cũng yên tâm phần nào.
Nhiều khi bé tỏ ra không nghe lời, nói trống không, anh chị thường nói với con, nhắc nhở con như thế nào? Vợ chồng chị dành thời gian nói chuyện với con như thế nào mỗi ngày?
Dù gia đình tôi rất chú tâm nhắc nhở bé phải lễ phép, chào hỏi, nói chuyện phải dạ thưa nhưng thỉnh thoảng bé tỏ ra bất hợp tác, lơ đễnh. Thế Anh cũng có cái tôi khá lớn, nếu có người nào đó bé thấy không thích, không vừa ý, không phục thì bé phản ứng theo kiểu không tuân thủ, thậm chí là chế nhạo.
Mỗi lần thấy con như thế chúng tôi đều nhẹ nhàng nhắc nhở, điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu tính cách của bé thì cho là chúng tôi không dạy con lễ phép.
Cũng may là khi hỏi thăm những thầy cô giáo ở các lớp học họ đều nói rằng Thế Anh rất nghe lời thầy cô, rất lễ phép và ngoan ngoãn.
Mỗi lần thấy con có cái tôi quá lớn, vợ chồng chị thường nhẹ nhàng nhắc nhở, điều chỉnh.
Con thường thắng trong các cuộc thi, khó chấp nhận những thất bại một chút, vậy anh chị thường động viên hay có những câu nói với con như thế nào để con chấp nhận điều đó?
Thế Anh khi tham gia các trò chơi, các cuộc thi ở trường, ở lớp thường hay thắng nên dần hình thành ý nghĩ chiến thắng sẽ tất nhiên đến với mình. Vợ chồng tôi thấy sẽ là nguy hiểm nếu Thế Anh cứ tự kích thích tính hiếu thắng ấy của mình nên từ lâu đã chuẩn bị tâm lý để cho Thế Anh đón nhận thất bại.
Bố của Thế Anh hay nói với bé rằng, thế giới này có gần 8 tỷ người, tức là rất, rất nhiều người, cho nên con không thể luôn thắng mọi người được. Có thể con thắng trong lần chơi này, nhưng lần khác người khác sẽ thắng, vì có thể là họ giỏi hơn con, họ tìm hiểu nhiều hơn con, hoặc có thể là họ may mắn hơn. Cho nên chuyện thắng thua là chuyện rất bình thường.
Thế Anh cũng đồng ý với điều này, tuy nhiên, giữa sự hiểu và việc chấp nhận là 2 chuyện khác nhau. Vì vậy, chúng tôi vẫn luôn đồng hành, động viên, an ủi bé vượt qua những lúc khó khăn.
Với những nhọc nhằn của bố mẹ trong suốt thời gian đồng hành với con, Thế Anh có những câu nói xúc động nào hay có những câu nói tình cảm, món quà nào dành cho bố mẹ?
Thế Anh là người giàu tình cảm. Khi bố hay mẹ có việc vắng nhà, bé là người rất thường hỏi han. Có những lúc bố của bé mệt quá ngủ quên ở phòng bên, bé sang phòng ôm bố ngủ cùng.
Stress chắc chắn là điều anh chị thường xuyên gặp phải để làm sao mang đến những điều tốt nhất cho con, vợ chồng chị an ủi, đồng hành cùng nhau như thế nào suốt thời gian qua?
Tôi nghĩ không chỉ riêng gia đình tôi mà với tất cả mọi người, việc nuôi dạy bất kỳ một đứa con nào cũng đều rất vất vả và áp lực, đặc biệt là trong môi trường xã hội rất nhiều tính cạnh tranh như hiện nay, cho nên đôi khi chúng tôi cũng thấy căng thẳng, thậm chí bất đồng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, để con cái có được cuộc sống vui tươi, hạnh phúc thì gia đình phải hòa thuận, êm thấm và biết nhường nhịn nhau. Chúng tôi vượt qua mọi thứ vì chúng tôi hướng đến các con.
Hiểu rằng, để con cái có được cuộc sống vui tươi, hạnh phúc thì gia đình phải hòa thuận, êm thấm và biết nhường nhịn nhau, vợ chồng chị vượt qua mọi thứ để hướng đến các con.
Sắp tới, anh chị có dự định gì cho bé không?
Gia đình tôi vẫn suy nghĩ nhiều để làm sao cho con học tập vui vẻ, đúng với khả năng và phát triển tâm lý bình thường. Tuy nhiên, để làm được như thế rất là khó. Chương trình học hiện nay ở trường dễ gây nhàm chán cho bé vì thường học lại những kiến thức mà Thế Anh đã biết, hoặc học những cái mới nhưng nó quá dễ hoặc bé có cảm giác nhàm chán vì thấy cứ lặp đi lặp lại. Suy nghĩ nhiều như vậy nhưng vợ chồng tôi không biết phải làm như thế nào, chỉ cố gắng tối đa trong khả năng mà gia đình có thể làm được.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/cau-be-thi-sieu-tri-tue-35-tuoi-doc-ranh-rot-me-tiet-lo-khon...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/cau-be-thi-sieu-tri-tue-35-tuoi-doc-ranh-rot-me-tiet-lo-khong-thai-giao-giao-duc-som-c32a747063.html