Là một bà mẹ có con nhỏ, chị Leigh Anderson từng lâm phải tình trạng khốn khổ như rất nhiều ông bố bà mẹ khác khi trẻ biếng ăn, liên tục bỏ bữa và không chịu ăn hết bữa. Tuy nhiên, tình cờ qua một cuốn sách nuôi con, chị Anderson đã thoát khỏi tình cảnh này chỉ nhờ một câu nói tưởng chừng rất giản đơn gồm 6 chữ. Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của chị để xem “câu thần chú” kì diệu đó là gì:
"Khi con trai tôi được 18 tháng tuổi, thằng bé bỗng ngừng ăn mọi thứ tôi đặt trước mặt nó. Con tôi liên tục quấy khóc, nhặng xị trong suốt các bữa ăn, đặc biệt nhất quyết không chịu ăn rau và hoa quả. Mỗi một lần cho con ăn là một lần tôi vật vã. Tôi giấu rau xanh dưới lớp trứng rán, tôi chạy quanh nhà để dụ được thằng bé ăn một thìa đậu bé cỏn con nhưng những gì tôi nhận được nhiều nhất chỉ là cái lắc đầu và nhăn nhó của thằng bé. Vấn đề biếng ăn của con thực sự khiến tôi đau đầu và lo lắng.
Trong giai đoạn khốn khổ ấy, tình cờ tôi đọc được một cuốn sách có tên Child of Mine: Feeding With Love and Good Sense (Tạm dịch: Cho con ăn bằng yêu thương thấu hiểu). Trong đó, chuyên gia dinh dưỡng Ellyn Satter đã nói về trách nhiệm trong bữa ăn của các thành viên trong gia đình như sau: bố mẹ chỉ quyết định khi nào ăn, ăn cái gì và ăn ở đâu. Còn việc đứa trẻ có ăn hay không, ăn bao nhiêu là quyền của chúng.
Bố mẹ chỉ quyết định khi nào ăn, ăn cái gì và ăn ở đâu. Còn việc đứa trẻ có ăn hay không, ăn bao nhiêu là quyền của chúng. (Ảnh minh họa)
Trên bàn ăn luôn có thứ gì đó hợp ý trẻ, ví dụ cơm hay trái cây hay bánh mì, vì thế những món ăn thử nghiệm (những món chưa biết trẻ có thích hay không) sẽ được ghép chung với món ăn quen thuộc. Bố mẹ không tạo áp lực cho đứa trẻ để trẻ nếm thử món ăn. Satter khuyến khích cả gia đình nên ăn cùng nhau, người lớn ăn cùng với bọn trẻ để trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ chúng thưởng thức những món ăn lành mạnh và ăn đa dạng các loại thức ăn như thế nào.
Kể từ đó, tôi đã bắt đầu thay đổi cách mình cho con ăn. Mọi chuyện biến chuyển một cách tích cực không ngờ. Tôi lấy một đĩa các loại thức ăn và đặt ra trước mặt con. Con có thể ăn cái gì con thích, tôi sẽ không nhận xét gì cả. Bé cũng có thể ăn thêm lần hai, lần ba nếu còn đủ thức ăn. Bé sẽ không được chọn món ăn nào khác những món tôi đã bày ra. Sau hai năm thực hiện “chính sách thay đổi”, con tôi đã học được cách không đòi hỏi.
Con tôi bây giờ đã 5 tuổi, thằng bé vẫn thích thịt và bánh mì hơn trái cây và rau. Vì chúng tôi không ép con ăn, không hứa hẹn ăn cái này sẽ được thưởng cái này cái kia, con bắt đầu tự nguyện ăn nhiều rau hơn tôi nghĩ. Con tôi bắt đầu thích những thứ mà tôi không ngờ tới: cháo đậu, súp bí xanh, đậu xanh và bông cải xào...
Vậy “câu thần chú” của tôi là gì? - “Con không cần phải ăn món đó.” Điều đó không làm cho con tôi dừng phàn nàn về những món thằng bé không thích. Vẫn có những ngày con tôi nhìn vào đĩa thức ăn và gào lên “Con muốn một bữa ăn ngon cơ.”, nhưng mỗi lần thằng bé nhăn nhó phản đối, tôi chỉ bình tĩnh nói “Con không cần phải ăn món đó.” và tập trung vào đĩa ăn của tôi.
Phương pháp cho con ăn kiểu mới này loại bỏ hoàn toàn việc tranh giành quyền lực giữa mẹ và con khi cho trẻ ăn. Điều này cho phép trẻ chú ý đến các tín hiệu no đói của cơ thể. Con tôi không ăn nhiều trong bữa tối dù tôi nấu món gì. Đơn giản vì bé không đói trong buổi tối vì thế tôi cố gắng nấu bữa sáng, bữa trưa càng nhiều dinh dưỡng càng tốt và tôi sẽ không lo lắng về bữa tối.
"Con không cần phải ăn món đó", câu nói đơn giản với giọng điệu nhẹ nhàng, không gay gắt đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi tiếp tục sử dụng câu thần chú đó cho đứa con thứ hai của mình (giờ mới đang tập đi) và đã rất thành công. Đôi khi bé cũng không ăn gì trong bữa tối và tôi đã nghĩ đến việc sẽ tranh thủ đút vài thìa khi con mải xem tivi. Nhưng tôi đã kịp ngăn được mình. “Con tôi không cần phải ăn món đó”.