“Mình cũng là người cha. Dù các bé không phải con mình mà khi xem clip này, mình cảm thấy tim như thắt lại”, anh Dũng chia sẻ với VnExpress.net sau khi xem clip bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ ở Thủ Đức.
Thậm chí có rất nhiều người không đủ dũng cảm để xem như độc giả Tường Long: “Thật tình mình chưa xem clip nhưng khi đọc xong mình lạnh sống lưng và càng không dám xem luôn, con mình cũng đã 3 tuổi đang gửi nhà trẻ...! Trong đầu mình đang rất nhiều suy nghĩ và lo lắng...!”.
Ám ảnh trước chuyện người rồi lo lắng cho con mình, anh Thành Long, một luật sư viết trên Facebook: “Sắp sáng rồi, vẫn không ngủ được, biết rằng vài tiếng nữa phải đi họp với các doanh nhân. Phần vì cái bể rong mới setup, phần vì cái clip mẫu giáo ám ảnh quá. Ôm chặt Thiên Long trong lòng và cầu mong cho mọi em bé luôn bình an”.
Sau khi xem clip, chị Nguyệt Anh, một kế toán tại quận 4, TP HCM, không thể làm được việc. Chị bỏ cả buổi sáng để ngồi xem camera trực tuyến từ trường học của con. Dù thấy con gái 4 tuổi có vẻ chơi ngoan nhưng buổi chiều chị vẫn xin nghỉ việc về sớm để đón con thay vì nhờ bà nội đón như mọi hôm. "Tự dưng mình có cảm giác cần che chở cho con nhiều hơn", chị lý giải.
Đây không phải lần đầu tiên một bảo mẫu có hành động vô nhân đạo với trẻ em bị phát giác. Trước đây, dư luận từng bức xúc với những bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ, Quản Thị Kim Hoa. Các bậc phụ huynh lo lắng đâu đó trong môi trường giáo dục, vẫn có rất nhiều những người được cấp bằng sư phạm nhưng đối xử với trẻ lại như kẻ thù. Với họ, giáo viên mầm non chỉ là nghề kiếm sống với đồng lương thấp nên không hề yêu quý công việc của mình.
Chị Đan (Bình Chánh, TP HCM) từng một lần đón bé Phúc về, phát hiện trên má con có những vết tát, còn bộ phận sinh dục bị chảy máu. Sau khi khám ở bệnh viện, kết quả cho thấy bé bị tổn thương phần mềm ở mặt và bộ phận sinh dục. Chị đã đưa kết quả này cho hiệu trưởng, yêu cầu được giải thích thỏa đáng nếu không sẽ nhờ đến chính quyền. Sau đó, hai cô giáo phụ trách lớp đã đến nhà thăm hỏi và xin lỗi vì gây thương tích ở mặt bé nhưng không chịu thừa nhận vết thương ở bộ phận sinh dục bé Phúc.
Chị Thu (Dịch Vọng, Hà Nội) cũng từng có tâm trạng lo lắng khi cho con trai 3 tuổi đi học mầm non về khoe: “Mẹ ơi, cô Hà có cái kéo to lắm! Cô bảo bạn nào ăn mà nôn ra là cô cắt lưỡi!". Bé vốn ăn chậm, có lần bị cô tống cả cái thìa gỗ vào trong họng đau mất một tuần. Bạn nào ngủ trưa không chịu đắp chăn, bị cô lấy gáy nhựa của quyển sách đập tím chân. Chị xót con, nhưng không ai dám ý kiến gì với cách giáo dục trẻ thơ của các cô vì sợ "trù úm", khổ con mình. Cuối cùng chị đành cho con chuyển trường.
Vẫn còn nhớ như in việc con bị hành hạ sau 2 ngày đi học tại một trường chuẩn quốc gia, chị Hương (chủ một doanh nghiệp thời trang tại Hà Nội) kể, ngày đầu tiên đi học về, bé hồn nhiên khoe với mẹ: “Con khóc nhiều. Cô bịt mồm con lại, cô bịt mồm con bằng khăn”. Ngày thứ hai, khi đón con, chị thấy bé có một vết dập ở môi, được cô giải thích bé tự ý chạy ra cửa nên bị ngã. Đến 21h tối, vết thương ở môi bé không có dấu hiệu khép lại. Cuối cùng vợ chồng chị đưa bé đến bệnh viện và kết quả là con chị phải khâu 5 mũi.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chuyên viên xã hội học, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ cũng đồng ý với quan điểm vẫn còn những cô giáo không tận tâm với nghề và không yêu trẻ. Chị chia sẻ kinh nghiệm tìm trường mầm non cho con mình là chọn trường gần nhà để tiện đưa đón, nhưng bên cạnh đó cũng phải xem xét cơ sở vật chất của trường có ổn không, quan sát xem cô giáo có hiền hậu và yêu trẻ không. Nếu nhà trường có camera để theo dõi trẻ thì quá tuyệt nhưng không phải bố mẹ nào cũng đủ tiền để cho con theo học những trường như thế.
Theo chị, những hành động vô nhân tính của các cô đôi khi lại xuất phát từ quan điểm đo chuẩn nhà trường cũng như nuôi dạy con bằng cách lên cân của rất nhiều bà mẹ Việt Nam hiện nay. Họ chỉ quan tâm đến việc lên xuống cân của con mà không để ý đến tâm lý trẻ, đến việc con sẽ học được gì ở trường. Không phải tất cả người mở trường đều có tâm huyết với trẻ, một bộ phận chủ trường coi đó chỉ đơn giản là cơ sở kinh doanh, vì thế họ dễ có những hành động lệch chuẩn để cố làm cho bé tăng cân.
Thậm chí ngay tại nơi ở nhà chị, nhiều bé chưa đi học, mới ở nhà nhưng đã bị mẹ nhồi ăn khiến chính chị cũng cảm thấy xót. Đứa trẻ ăn ói ra, mẹ banh miệng đút lại cho đủ lượng. Đứa trẻ tuy không bị hành hạ ở trường mẫu giáo mà bị hành hạ trong chính nhà mình. Mẹ cho con ăn, một tay bưng bát cơm, một tay cầm cái thước là những hình ảnh xuất hiện rất nhiều ở ngay khu phố nhà chị.
Kim Kim