Mùa hè đến là khi các bé trong độ tuổi đến trường bắt đầu gác sách vở để chuẩn bị cho một kì nghỉ hè đầy hứng khởi. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng được hưởng trọn niềm vui ấy của mình. Rất nhiều phụ huynh có quan điểm rằng: hè đến đồng nghĩa với việc bé phải đi học hè. Áp lực trường lớp quá nặng nề khiến cho cả các mẹ lẫn bé đều gồng mình theo cơn lốc học thêm mà bỏ quên bao nhiêu hoạt động bổ ích khác.
Con gái tôi hiện đang học lớp 3, cháu vừa mới bước qua kì thi cuối kì và chuẩn bị nghỉ hè vào cuối tháng. Hôm trước khi chờ đón con ngoài cổng, nghe một mẹ của bé cùng lớp con nói chuyện mà tôi đến hoảng hồn. Chị hỏi tôi đã chuẩn bị cho cháu đi học hè chưa và hãnh diện là mình đã tìm được mấy lớp cho con. Nào là toán, tiếng việt, tiếng Anh, đàn, múa. Chỉ chờ đến khi nào bé nghỉ là chị cho bé đi ngay. Tôi ngạc nhiên không hiểu bé nhà chị sẽ cảm thấy thế nào trước kế hoạch dày đặc của mẹ. Nói thật là, tôi thấy rất phản cảm trước những quan niệm phải cho trẻ học càng nhiều càng tốt thế này. Một năm học ở trường đã có bao nhiêu áp lực, thậm chí có bé phải làm bài tập đến tận đêm mới xong, mà thời gian nghỉ hè lại phải học tiếp.
Tôi không bao giờ khuyến khích cho con mình đi học thêm, đặc biệt là học hè. Hơn nữa, tôi nghĩ học thêm nhiều có khi còn làm con học kém hơn.
Thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, khi bé phải tuân theo lịch học hè của mẹ, bé sẽ mệt mỏi và tỏ ra chán ghét môn học, thậm chí còn không muốn tiếp thu những kiến thức của lớp học. Như vậy là thay vì học tốt hơn, bé sẽ có kết quả không khả quan cho môn học ấy. Còn chưa kể đến tâm lý sợ học, chống đối khi phải đi học của bé.
Thay vì được nghỉ hè, bé phải vùi đầu vào các lớp học thêm (ảnh minh họa)
Nhiều bà mẹ nghĩ rằng trước khi bé lên lớp phải cho bé học trước các kiến thức trong hè để khi vào học bé không bị bỡ ngỡ. Tôi không hiểu nếu như vậy thì người ta còn đề xuất ra việc nghỉ hè để làm gì. Hơn nữa, việc học trước như vậy sẽ khiến điểm số của bé ở lớp không thật. Giả sử như, nếu tôi cho con học trước môn Toán lớp 4 trong hè, khi lên lớp bé sẽ biết trước toàn bộ những gì cô dạy. Việc được điểm cao là đương nhiên, bởi vì bé đã được chỉ dẫn cách làm tỉ mỉ trước đó. Tôi sẽ không thể nào đánh giá được học lực thực sự của con trong tình huống này để điều chỉnh kịp thời.
Tôi thấy, có những bé lên đến lớp 5 vẫn không biết những kiến thức cơ bản trong cuộc sống. Khả năng giao tiếp và xử lý vấn đề cũng rất kém. Một phần là do thay vì được tham gia các hoạt động giải trí bên ngoài cũng như tham quan các địa điểm du lịch, bé lại phải vùi mình trong lớp các học thêm chán ngắt và vô vị. Con trai chị tôi, đã 10 tuổi nhưng khi nhìn thấy con bò trong lần về quê lại hỏi mẹ:”Mẹ ơi đấy là con gì?!”. Cho bé đi chơi, không có nghĩa là bé không học được gì. Con gái tôi mới 8 tuổi nhưng đã rất bạo dạn, bé có thể tự mình đi chợ cho mẹ và tính toán tiền bé tiêu một cách nhanh chóng. Tôi thấy như thế mới là đáng hãnh diện.
Trong xã hội hiện nay, ngoài các kiến thức trong sách giáo khoa, tôi cho rằng việc trẻ học những kĩ năng khác như cách ứng xử, giao tiếp, xử lý tình huống cũng rất quan trọng và cần thiết cho cuộc sống của bé sau này. Vậy thì cứ gì phải nhồi nhét con đi học hè?