Ôm cô con gái bé bỏng vào lòng, chị N.T.D (29 tuổi, Hưng Yên) vẫn ngỡ như đây là một giấc mơ. Chị không tin rằng sau một hành trình dài “tìm con”, thậm chí đã có lúc chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng lại có ngày được nhìn con khóc cười trong vòng tay bố mẹ nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Cách đây không lâu, chị D. vừa trải qua một thai kỳ đáng nhớ, đặc biệt hơn cả chính là câu chuyện về việc giành giật sự sống cho cô con gái sinh non chỉ nặng vỏn vẹn 5,5 lạng. Bằng sự nỗ lực của chính bé và những cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, sau gần 4 tháng được chăm sóc tích cực, đứa trẻ sinh non 24 tuần của chị D. được cứu sống ngoạn mục, con đã khỏe mạnh, xuất viện và đạt chỉ số cân nặng tròn 3kg.
Theo lời mẹ Hưng Yên, bản thân chị chậm có con 6 năm, từng có tiền sử 2 lần thụ tinh nhân tạo (IUI) và 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bất thành, từng mất con ở tuần thai 21 do sảy, một lần thai ngoài tử cung… Đã có lúc chị tưởng mình đã không còn cơ hội làm mẹ. Thế nhưng, bằng sự kiên trì không biết mệt mỏi thì may mắn cũng đến với đôi vợ chồng trẻ.
Chị kể: “Sau ngày cưới, hai vợ chồng mong chờ mòn mỏi nhưng con vẫn chưa về nên mình đã chủ động tới bệnh viện thăm khám. Để tăng hiệu quả thụ thai, mình và chồng đã thống nhất can thiệp y học để có con song trải qua nhiều lần IVF và IUI kết quả vẫn tròn trĩnh là con số 0. Chỉ đến khi mình được giới thiệu đến một bệnh viện tư có tiếng ở Hà Nội thì mới chính thức được thực hiện thiên chức làm mẹ.
Tại đây, mình IVF lần đầu đã thụ thai. Hạnh phúc chưa được bao lâu, ở tuần thai thứ 6, mình bị dọa sảy, phải nhập viện chăm sóc đặc biệt. Bình yên được hơn 2 tháng, mình lại phải nhập viện cấp cứu ở tuần thai thứ 16 trong tình trạng có cơn co, cổ tử cung mở, có dấu hiệu sinh non, các bác sĩ sản khoa phải điều trị rất tích cực để cắt cơn co tử cung”.
Do lọt lòng quá non tháng nên em bé rất yếu, không thở, không khóc, không có phản xạ, trên da nhiều mảng bầm tím, nhịp tim chậm. Ngay sau khi lọt lòng mẹ, em bé đã được chuyển về khoa sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng, bé được theo dõi sát sao bằng phác đồ chăm sóc đặc biệt, với những trang thiết bị hiện đại nhất.
Vì sức khỏe của bé vô cùng yếu, sau 2h thở máy, tình trạng chuyển biến xấu nhanh chóng, nguy cơ tử vong, các bác sĩ đã quyết định cho trẻ thở máy tần số cao (HFO), truyền máu, duy trì vận mạch liều cao và tiếp tục bơm Surfactant lần 2, điều chỉnh rối loạn điện giải, đường huyết, toan máu nhằm ngăn chặn các cơn co thắt, khó thở, rối loạn nhịp tim. Tình trạng của trẻ dần chuyển biến tích cực, các y bác sĩ thở phào khi đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất.
Nhờ được chăm sóc tích cực, một tuần sau sinh, con được rút nội khí quản, chuyển qua thở máy không xâm nhập. Sau 3 tuần, bé đã có thể ăn sữa mẹ hoàn toàn qua sonde dạ dày.
Trải qua một hành trình dài với muôn vàn khó khăn chồng chất, giờ đây được ngắm nhìn “trái ngọt” ngủ say trong vòng tay mẹ, chị D. xúc động: “Mình không nghĩ một người hiếm muộn 6 năm, nhiều lần nhìn con bé bỏng “thập tử nhất sinh” trong lồng ấp, giờ đây đã có thể âu yếm con yêu trong vòng tay, cho con bú”.
Như vậy, sau một hành trình dài mong ngóng tiếng khóc cười con thơ, chị D. và cô con gái bé bỏng đã tạo nên kỳ tích mới cho ngành y học. Chăm sóc em bé chào đời non tháng dù vất vả nhưng chị D. không màng khó màng khổ, chị sẽ ở bên con, là động lực để con tiếp tục cố gắng ở bên mẹ đến suốt đời.