Trước kia nghe nhiều mẹ bỉm sữa than phiền chuyện con gầy ốm không tăng cân tôi không mấy quan tâm, thậm chí không hài lòng vì sao nuôi con mà cứ nhìn vào cân nặng mà không xem sự phát triển của con. Tuy nhiên đến lúc bản thân rơi vào tình trạng như vậy tôi mới thực sự thấu hiểu.
Tôi sinh con được 10 ngày thì chuyển về quê ở cữ để bố mẹ chồng hỗ trợ vừa chăm sóc con dâu lại vừa hỗ trợ chăm cháu. Vì đặc thù công việc nên tôi biết mình sau 6 tháng thai sản nhất định phải đi làm chứ không chần chừ được thêm, do vậy ngay từ đầu tôi đã luyện cho con bú bỉnh để sau này khi mẹ đi làm bé không bị lệ thuộc vào ti mẹ.
Chính vì thế tôi tham khảo cách nuôi con bằng sữa mẹ nhưng theo cách hút rồi trữ đông, cho bé bú bình. Tưởng là việc này nhàn nhưng không phải vậy, mỗi ngày tôi đều phải hút 4-5 cữ, có khi lên 7 cữ, mỗi lần 45 phút đến cả tiếng đồng hồ. Ngày cũng như đêm hút đều đặn để ra sữa nhiều. Có những đêm con bú rồi nhưng vẫn căng tức ngực nên phải ngồi dậy hút. Hút đến còng cả lưng chứ không phải nhàn nhã gì.
Nhờ vậy mà tôi khá nhiều sữa giúp con tôi bú sữa mẹ hoàn toàn mà không cần uống sữa ngoài thêm nhưng chẳng hiểu sao bé lại tăng cân rất chậm. Hiện tại con đã 5 tháng nhưng chỉ được có 5kg mặc dù bú sữa vẫn rất tốt nhưng có vẻ không hấp thụ được là bao. Thấy vậy tôi ngỏ ý rằng sẽ đưa con đi khám hoặc đưa con lên thành phố sớm để đi khám xem tình hình của bé như thế nào.
Thế nhưng mẹ tôi lại không đồng ý và bà luôn phản bác chuyện cho con ăn theo cách của tôi. Bà nói rằng vì tôi lười cho con bú nên bắt con bú bình theo cách không có chất:
- Không phải cho thằng bé đi khám ở đâu làm gì cho tốn tiền. Tôi chẳng nuôi con theo của chị mà ngày xưa các con tôi đều bụ bẫm chứ không gầy như nó. Bao đời con đói là mẹ cho bú, bú trực tiếp dòng sữa ấm nóng chị lại không thích, chị hút sữa ra xong rồi cho vào trữ, con đói lại lấy đó ra hâm lại cho con bú thì chẳng khác nào "cơm nguội hâm lại" thì làm gì có chất cho con. Chị cứ để thằng bé cho tôi chăm, hết cữ chị lên thành phố đi làm lại, tôi chăm theo cách của tôi đảm bảo thằng bé sẽ lên cân vèo vèo.
Nghe bà nói tôi cũng không đồng ý chút nào nhưng không biết phải nói như thế nào nên ậm ừ cho qua. Thế nhưng thực tế tôi biết cũng có nhiều mẹ nuôi con theo cách của tôi, cũng hút sữa, trữ đông rồi hâm lại cho con bú nhưng vẫn trộm vía đấy thôi. Đây là phương thức cho con ăn được nhiều chuyên gia, bác sĩ nghiên cứu là tốt cho trẻ sơ sinh chứ đâu như mẹ tôi nói là tôi tự nghĩ ra đâu mà bà lại mắng tôi xa xả. Tôi thật không biết phải như thế nào.
Tâm sự từ độc giả annhien...@gmail.com
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc, sữa mẹ vắt ra, hoặc trữ lạnh, trữ đông được xếp ở vị trí thứ 2 sau sữa mẹ bú trực tiếp, vì sữa mẹ bảo quản theo phương pháp này có dinh dưỡng và kháng thể rất gần, và đạt được gần hết các lợi ích của sữa mẹ bú trực tiếp. Sữa trữ đông vẫn đầy đủ chất, các đặc tính vi sinh và vẫn tốt cho bé hơn là sữa bột cho trẻ em nếu được thực hiện đúng phương pháp vắt trữ, bảo quản và rã đông.
Dưới đây là chi tiết cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ đúng cách nhất được trích dẫn trong cuốn Tài liệu Hỏi - đáp Dinh dưỡng và Vệ sinh thực phẩm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Thời gian bảo quản sữa mẹ đã vắt ra khỏi bầu vú
Khi vắt sữa ra, bầu sữa trống sẽ kích thích tuyến yên tiết ra chất prolactin giúp việc tạo sữa nhiều hơn. Mỗi ngày bạn có thể vắt sữa từ 5-7 lần và sữa được vắt ra nên để vào trong tủ lạnh. Nếu để ở ngăn đá có thể bảo quản được 7 ngày, nếu để ở ngăn lạnh bảo quản được 24h. Trước khi cho bé bú nên ủ ấm sữa lại.
Sữa mẹ sau khi được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28 độ C) là 6 giờ; nhiệt độ thấp hơn là 8-10 giờ.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4 giờ; trời nóng là dưới 1 giờ.
Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.
Số lượng sữa vắt trong một lần
Với bé dưới 6 tháng tuổi, bạn nên vắt sữa với số lượng ít mỗi lần, khoảng 100-150ml là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn (hoặc do mẹ phải đi làm cả ngày), số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên lạm dụng (khi đi làm về, mẹ có thể cho con bú).
Lưu ý:
Cần luộc sôi bình đựng sữa, dụng cụ vắt sữa, rửa tay sạch, lau sạch đầu vú trước khi vắt sữa. Hiện tại có nhiều dụng cụ được bán ở các siêu thị giúp việc vắt sữa dễ dàng thuận lợi hơn so với việc vắt hàng ngày.
Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 24 giờ.
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Nếu vắt sữa mẹ ra đựng trong ngăn dụng cụ sạch, cho ngay vào ngăn đá tủ lạnh giữ được 7 ngày, thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (Phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.
Khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài ủ ấm rồi dùng cho trẻ. Tuy nhiên không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho trẻ dùng sớm nhất có thể.
Sử dụng bình trữ sữa
Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ 2 là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.
Nếu muốn sử dụng túi trữ sữa, cha mẹ nên lưu ý:
Thứ nhất, sữa có khả năng dính vào 2 bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.
Thứ hai, sữa đựng trong túi thường có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Một số hãng sản xuất ra những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Để tiết kiệm, bạn có thể mua 2 loại túi: Một loại dùng trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh; loại đắt hơn dùng đựng sữa trong ngăn đá. Điều này sẽ giảm những vết rách nhỏ xuất hiện trên bề mặt túi.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới sữa nhìn trong như nước. Để sử dụng bạn nên lắc đều bình sữa, hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là cho bé ăn được.
Nếu sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng thì trước khi cho bé bú, bạn có thể ngâm bình sữa vào một bát nước ấm (không cần hấp cách thủy).
Nếu sữa trong bình (túi) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị rò. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.