Câu chuyện con trai triệu phú không hề biết gia đình mình giàu có suốt 20 năm khiến mạng xã hội Trung Quốc xôn xao.
Zhang Zilong (24 tuổi) đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc không hề biết bố mình là một triệu phú cho đến khi tốt nghiệp đại học.
Người cha giàu có vì muốn anh phải nỗ lực học tập, tự lập, chăm chỉ phấn đấu để thành công nên đã để con sống trong ngôi nhà bình thường, xập xệ.
Anh cho biết bố đã giấu kín chuyện gia đình giàu có vì muốn anh phải nỗ lực học tập, chăm chỉ phấn đấu để thành công. Ông Zhang Yudong (51 tuổi, bố của Zilong) là chủ thương hiệu đồ ăn vặt nổi tiếng Trung Quốc. Ông thành lập công ty vào năm con trai ra đời.
Từ bé đến lớn, Zilong sống trong một căn nhà bình thường ở huyện Bình Giang, tỉnh Hồ Nam. Anh biết gia đình có công ty riêng nhưng để duy trì hoạt động, bố phải nợ số tiền rất lớn.
Suốt thời đi học Zilong luôn có mặt ở những trường tốt nhất tỉnh Hồ Nam nhưng cậu nghĩ rằng do mình có học lực tốt. Khi tốt nghiệp đại học năm 2021, giấc mơ lớn nhất của anh là tìm việc làm ổn định với mức lương 6.000 tệ (hơn 20 triệu đồng) mỗi tháng nhằm giúp gia đình trả nợ dần.
Nhưng sau nhiều tháng nộp hồ sơ khắp nơi mà không trúng tuyển, Zilong được bố đề nghị về làm việc cho Spicy Prince - nơi bố anh đang làm việc - sự thật mới dần sáng tỏ.
Qua tìm hiểu, Zilong phát hiện ra Hunan Spicy Prince Food là nhà sản xuất thanh cay lớn nhất tại Trung Quốc, ra đời năm 2000, với doanh thu 600 triệu tệ mỗi năm. Người sáng lập công ty là cha anh, ông Zhang Yudong sinh năm 1969. Ngoài là chủ tịch công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Yufeng, ông còn là chủ tịch điều hành của Hiệp hội Thực phẩm Ăn nhẹ Hồ Nam.
Sau khi con trai đã biết sự thật, ông Zhang Yudong mới quyết định đưa cả gia đình chuyển từ căn nhà xập xệ tồi tàn đến sống tại một căn biệt thự 1,4 triệu đô. Ảnh: Singtaousa
Sau khi con trai đã biết sự thật, ông Zhang Yudong mới quyết định đưa cả gia đình chuyển từ căn nhà xập xệ tồi tàn đến sống tại một căn biệt thự mới xây.
Sau đó, Zilong chuyển tới làm việc tại bộ phận thương mại điện tử của công ty. Tại đây, các đồng nghiệp đối xử với anh như nhiều nhân viên trẻ khác.
"Gia đình không muốn biến tôi thành một cậu ấm. Tuy nhiên giàu có thực sự là một đặc ân. Nó khiến tôi hạnh phúc hơn", Zilong bộc bạch.
Khi con trai về công ty làm việc, người cha rất vui. Ông nhận ra con không coi công việc này là một nhiệm vụ phải hoàn thành, mà như sự nghiệp của riêng mình.
"So với những phú nhị đại (người giàu thế hệ thứ hai nhờ thừa kế), tôi hy vọng con trai sẽ trở thành doanh nhân thành đạt và làm giàu bằng chính khả năng của mình", người cha nói và cho biết sẽ giao cho con kế nhiệm nếu đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Câu chuyện của Zhang Zilong đang trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Nhiều người cho rằng điều này có vẻ phi thực tế. Nhưng một số bạn học cũ của vị thiếu gia trẻ tuổi này đã lên tiếng xác thực. Họ từng tận mắt chứng kiến lối sống giản dị của Zilong, thấy anh mặc những bộ quần áo bình dân đi học.
"Tôi tin vào câu chuyện này. Các sản phẩm đồ ăn của công ty này mới chỉ quảng cáo trong vài năm trở lại đây. Có thể bây giờ thiếu gia đã tốt nghiệp đại học, nên triệu phú không cần giấu con nữa", một tài khoản Weibo bình luận.
Muốn con trưởng thành, hãy để con chịu khổ
Nếu cuộc đời định sẵn là một chuyến đi vất vả, vậy thì hãy dạy con bắt đầu chăm chỉ sớm hơn và biết cách chịu đựng gian khổ sớm hơn. Đừng lo con chịu khổ, đó là con đường sớm muộn con phải đi.
Từng có một câu chuyện được một phụ huynh chia sẻ: Con trong gia đình đồng nghiệp của phụ huynh này ăn trưa ở trường trung học cơ sở. Nhưng đứa trẻ luôn phàn nàn rằng thức ăn ở trường khẩu vị rất tệ, không đậm đà như ở nhà.
Người mẹ lo con không ăn đủ, đã đưa rất nhiều tiền để con đến một nhà hàng gần trường gọi đồ ăn. Tất nhiên, đồ ăn ở trường không thể so sánh với ở nhà, nhưng nghĩ lại so với thời trước, nó đã ngon hơn gấp nhiều lần rồi. Khi một đứa trẻ còn đi học, miễn là chúng không quá kén ăn, nếu không chỉ cần ăn đủ chất và đủ dinh dưỡng thì chẳng có gì nghiêm trọng cả. Thực ra, đôi khi khả năng thích ứng của trẻ rất mạnh mẽ, nhưng điều kiện kinh tế hiện nay đã cải thiện, bố mẹ không nỡ nhìn con mình khổ dù chỉ một chút.
Một khi đứa trẻ mới kêu mệt, cha mẹ đã nhanh chóng đỡ lấy và kéo con vào một cái ổ êm ái để bảo vệ. Tuy nhiên, khi không có cơ hội chịu đựng khó khăn, một ngày không còn được cha mẹ bao bọc, đứa trẻ sẽ trở nên dễ sụp đổ.
Tình yêu đích thực không phải là cho con tất cả những gì mình có, mà là nuôi dưỡng khả năng độc lập, tính cách giản dị và tinh thần chiến đấu của trẻ. Ảnh minh họa
Nếu các bậc cha mẹ bảo bọc quá mức, không để trẻ có tính tự chủ, khám phá, trẻ có thể trở nên phụ thuộc, không có trách nhiệm, và cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn cũng như những khả năng ra quyết định, các mối quan hệ xã hội về sau.
Hiện nay ngày càng có nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động nối tiếp nhau nuôi con như một "thế hệ thứ hai giàu có".
Không khó thấy nhiều gia đình cha mẹ thu nhập rất bình thường, thậm chí chạy ăn từng bữa nhưng con cái sử dụng thiết bị điện tử đời mới nhất khi còn học tiểu học, thức ăn quần áo cũng không thua kém gì con nhà có điều kiện dư dả. Tất cả chỉ bởi cha mẹ muốn con không thua kém "con nhà người ta", muốn con có động lực học hành.
Quan điểm của nhiều bậc cha mẹ là: Miễn là trẻ chịu học, tôi sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ làm hài lòng trẻ, liệu bạn có đánh đổi được động lực tự thân của trẻ? E rằng là không.
Tình yêu đích thực không phải là cho con tất cả những gì mình có, mà là nuôi dưỡng khả năng độc lập, tính cách giản dị và tinh thần chiến đấu của trẻ.
Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Bang Florida (Mỹ) cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc quá mức có khả năng gặp các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành. Cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy hầu hết đối tượng này luôn được cha mẹ "cầm tay chỉ dẫn", thậm chí làm thay phần con. Các em thiếu kiến thức về cách quản lý sức khỏe và chăm sóc bản thân. Khi lớn lên, nếu thiếu đi sự chăm sóc, nhắc nhở của cha mẹ, các em sẽ không quan tâm đến sức khỏe của mình.
Trong nhà kính không có cây lớn mọc lên, trẻ con không được luyện tập thì làm sao có thể ở một mình, sau này làm sao có thể gia nhập xã hội, sao có thể chống lại những thăng trầm? Đừng để con cái mình trở thành những "đứa trẻ không bao giờ lớn". Thay vào đó, nên tạo cơ hội để trẻ rèn luyện tính độc lập, tự giác cũng như thói quen sinh hoạt tốt và biết một số kỹ năng sống cơ bản.
Là cha mẹ, chúng ta đương nhiên nên làm hết sức mình để mang lại cho con cái một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng những vất vả đáng lẽ phải chịu thì vẫn phải để con trải qua chứ đừng miễn cưỡng gánh giùm. Đừng để con chọn an nhàn ở cái tuổi có thể chịu thiệt một chút, chịu thêm ít vất vả khi còn trẻ để về già được hưởng hạnh phúc.