Hết mùa hè cuối này là bé đi học lớp một rồi. Hàng ngàn nỗi lo không tên cứ thế chồng chéo. Thời gian 3 tháng hè không phải là quá dài với việc chuẩn bị vào lớp một cho bé, và cho cả các phụ huynh.
Chọn trường cho con
Vấn đề chọn trường thường khá nan giải. Bố mẹ nào cũng muốn con được vào lớp tốt, trường tốt, thậm chí là trường điểm. Nhưng trường tốt (ấy là theo ý kiến cá nhân bố mẹ) lại ở xa nhà, cũng chẳng tiện đường đi làm nên việc đưa đón bé sẽ khá vất vả. Một trường tốt nữa cũng lọt vào “tầm ngắm”của bố mẹ, nhưng một cô bạn của mẹ lại bảo: Trường X đó à? Học sinh ở đấy không ngoan đâu, nếu mình xin cho con học ở đó, em sợ rằng con mình cũng bị ảnh hưởng bởi lũ bạn.
Thế thì phải học trường nào?
Nếu xét về chương trình học, chương trình dạy ở các trường tương đối giống nhau vì phải bám sát chương trình chung của Bộ giáo dục. Bạn sẽ rất khó để tìm được một ngôi trường tốt hoàn toàn theo đúng ý mình, từ không gian trường học, lớp học cho đến đội ngũ giáo viên. Nếu lập bảng so sánh, bạn sẽ nhận ra rằng ở trường X có một vài ưu điểm mà trường Y không có, nhưng rồi lại hụt hẫng khi nhận ra một số khuyết điểm ở trường X mà bạn không mong đợi.
Một vị phụ huynh chia sẻ: Tốt nhất là cứ cho con học trường gần nhà. Cái lợi đầu tiên là con thường xuyên được nhìn thấy trường học khi đi chợ, đi dạo với bà, với mẹ. Vì con đã quen với hình ảnh ngôi trường nên những ngày đầu đi học, trẻ sẽ bớt bỡ ngỡ, sợ sệt, lúng túng. Việc học gần nhà cũng rất thuận lợi trong việc đưa đón trẻ, giúp bé có thêm thời gian để được nghỉ ngơi, ăn uống và làm bài tập, chứ không phải mỗi ngày mất đến cả tiếng đồng hồ ngồi trên xe cùng bố mẹ vào những giờ cao điểm để đến trường.
Tất nhiên, mỗi vị phụ huynh đều có những kỳ vọng khác nhau trong việc chọn trường cho con, nhưng mọi thứ chỉ là tương đối, quan trọng là bé phải sớm thích nghi với môi trường ở lớp học. Có quen thuộc, bé mới không sợ đến trường, không sợ thầy cô giáo, không sợ học bài, dễ hòa đồng với các bạn mới.
Thời gian 3 tháng hè không phải là quá dài với việc chuẩn bị vào lớp một cho bé, và cho cả các phụ huynh. (ảnh minh hoạ)
Có nên học chữ sớm?
Sớm hay muộn, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ biết đọc, biết viết. Nhưng nếu không cho con đi học thêm trước khi vào lớp một, bạn sẽ sợ bé không thể theo kịp bạn bè vì có vẻ như các bạn ở lớp đều đã học chữ trước.
Thực ra, đây chỉ là nỗi lo và áp lực của riêng bố mẹ.
Theo nhiều nghiên cứu, ở độ tuổi lên sáu, lên bảy, bàn tay, trí óc và cơ thể trẻ mới đủ hoàn thiện, sẵn sàng cho việc học. Đôi tay của đứa trẻ lên sáu bắt đầu cứng cáp để tập tành, uốn từng con chữ, trí óc của chúng mới đủ độ “chín” nhất định để nắm bắt kiến thức…
Có thể nếu trẻ chưa được học chữ sớm, trẻ sẽ viết chậm hơn so với chúng bạn, nhưng so với một đứa trẻ lên sáu, sự chập chạp này là bình thường vì đây là lần đầu tiên bé mới tập viết, tập đánh vần. Với trẻ, mọi chuyện vẫn không có gì đáng lo, nhưng áp lực lại chính là từ bố mẹ. Khi bố mẹ càng kỳ vọng nhiều ở con, bố mẹ sẽ càng cảm thấy lo lắng khi con học chậm hơn nhiều bạn bè hoặc ít đạt được những điểm cao ở lớp. Nhưng nếu trước đó bố mẹ đã xác định tư tưởng và chấp nhận con mình sẽ học đọc, học viết một cách từ tốn, sẽ không có “vấn đề” gì xảy ra với trẻ. Nếu bạn không chấp nhận được việc con mình chỉ đạt điểm trung bình hoặc trung bình khá, thường xuyên bị cô chê viết chữ chậm, bạn có thể chọn cách dạy bé học chữ và học đọc trước khi đi học lớp một chính thức.
Hãy nhớ rằng, những kĩ năng đọc, viết ở bé sẽ hoàn thành dù sớm hay muộn, chỉ là vấn đề thời gian và sự kiên nhẫn của phụ huynh.
Theo nhiều nghiên cứu, ở độ tuổi lên sáu, lên bảy, bàn tay, trí óc và cơ thể trẻ mới đủ hoàn thiện, sẵn sàng cho việc học. (ảnh minh hoạ)
Quan tâm đến vấn đề sức khỏe
Vào lớp một, bé cần có một sức khỏe tốt để phục vụ cho việc học. Chỉ còn một năm nữa thôi, mẹ phải chuẩn bị cho bé các kĩ năng biết tự ăn, ăn được nhiều món ăn khác nhau để không bỡ ngỡ với thực đơn phong phú ở trường cấp I. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp bé khỏe khoắn và tăng sức đề kháng. Ngoài ra, mẹ cần tập cho bé ngủ trưa theo đúng giờ ngủ trưa ở trường học để bé làm quen và thích nghi dần. Vào kỳ nghỉ hè cuối cùng của những năm mẫu giáo, mẹ nên dành nhiều thời gian cho bé đi bơi, tắm biển, đi chơi công viên, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, những hoạt động này giúp cho sức khỏe của bé được củng cố. Cuối cùng, hãy cho con đi khám sức khỏe toàn diện để đảm bảo rằng cơ thể bé hoàn toàn khỏe mạnh, ổn định.
Vẽ, nặn đất sét
Đừng tưởng đây chỉ là những trò chơi giúp bé thư giãn. Khi bé vẽ hay nặn đất sét, những ngón tay của bé sẽ phải hoạt động một cách linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài ra, bé phải biết kết hợp đôi tay với mắt để vẽ được những bức tranh sống động đầy màu sắc hay nặn ra những hình thù đáng yêu, ngộ nghĩnh từ đất sét. Những trò chơi này giúp bé rất nhiều trong kỹ năng tập viết sau này vì đôi tay đã sẵn có sự mềm dẻo, đôi mắt đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn với bàn tay để viết nên những con chữ nắn nót.
Tham quan ngôi trường trước ngày đi học
Sau khi đã quyết định cho con học trường nào, bạn nên dành thời gian dẫn bé đến chơi ở trường học. Bạn có thể chọn giờ tan học rồi xin bác bảo vệ đưa con vào trường. Tranh thủ thời gian này giới thiệu với con về lớp mới, trường mới, cho trẻ ngồi cả vào bộ bàn ghế trong lớp học. Bạn cũng có thể dành ít phút đóng vai cô giáo, lên bục giảng rồi nói chuyện với bé đang ngồi ở phía dưới. Ngoài ra, mẹ cũng nên giới thiệu cho bé vị trí nhà vệ sinh, tránh trường hợp những ngày đầu tiên đi học, cháu muốn đi vệ sinh nhưng vì ngại ngần mà không dám hỏi bạn bè và thầy cô giáo. Việc làm quen này giúp bé tránh sự bỡ ngỡ, lạ lẫm trong những ngày đầu tiên đến lớp. Ngoài ra, hãy liên tục nói về những niềm vui của việc đi học, được quen với bạn bè mới, được chơi ở sân trường to, rộng hơn sân trường mẫu giáo…
Cùng bé đi mua sách vở, chuẩn bị đồ dùng học tập
Bạn có thể dẫn bé cùng ra hiệu sách để chọn mua sách vở và đồ dùng học tập. Cho phép bé tự chọn một số món đồ cho bản thân. Đây cũng là cách vô cùng hiệu quả khiến con trở nên hứng thú với trường lớp.