Với thành tích nổi bật tại các kỳ thi đấu tại thế vận hội Đông Nam Á, Vũ Thị Hương là cái tên được nhiều người nhớ đến khi nhắc tới bộ môn điền kinh. Những năm 2005 – 2013 chị xuất sắc giành huy chương vàng cự ly ngắn 100m, 200m, từ những bứt tốc đáng nể này, giới truyền thông không ngừng ca ngợi và đặt cho chị biệt danh “nữ hoàng tốc độ” của thể thao Việt Nam.
Nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương
Gần một thập kỷ chinh chiến trên đường chạy với những dấu ấn khó quên, tuy nhiên đến năm 2015 Vũ Thị Hương quyết định lui về “ở ẩn”. Sau khi giải nghệ chị có cuộc sống vô cùng viên mãn bên chồng Tây trong căn hộ triệu đô cạnh bờ biển ở Úc. Không chỉ được chồng hết mực yêu thương, cưng chiều, gia đình nhỏ của Vũ Thị Hương còn đang rất hạnh phúc khi mới đón chào thành viên nhí là em bé lai 2 dòng máu rất kháu khỉnh và đẹp trai, bé được bố mẹ đặt tên cho là Ryan (tên ở nhà của con là Kitcat) hiện tại con tròn 10 tháng tuổi.
Trong cuộc trò chuyện này, Vũ Thị Hương không nhắc nhiều đến vai trò từng là vận động viên điền kinh, mà là những chia sẻ về niềm hạnh phúc khi được thực hiện thiên chức làm mẹ vô cùng thiêng liêng mà bản thân đang có.
Chào chị Hương, không còn ngày đêm miệt mài bên đường chạy nữa, cuộc sống hiện tại của chị thế nào?
Có thể nói hiện tại việc quan trọng nhất của mình là làm sao để hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ. Một ngày của mình diễn ra từ 7h sáng, khi bé thức dậy mình làm vệ sinh cho con, cho bé ăn sáng, chơi một chút bé lại đi ngủ đến 10h30. Thời điểm này con chủ yếu ăn – chơi – ngủ nên việc của mẹ là đồng hành bên con trong mọi hoạt động.
Buổi tối là lúc cả gia đình ở bên nhau nhiều nhất, chúng mình cùng dùng bữa tối và trò chuyện với nhau. Anh xã là người rất cưng chiều vợ con nên sau giờ làm về nhà anh phụ vợ chăm và chơi cùng con. Những lúc rảnh rỗi thì mình đưa bé đi gặp bạn bè, đi shopping. Mình sống như bao người bình thường khác trên đất nước Australia và cảm thấy hài lòng với cuộc sống bình yên nơi đây.
Cô đã trải qua một thai kỳ với rất nhiều kỷ niệm đẹp
Lần đầu làm mẹ, chị có gặp khó khăn nào không?
Có vô vàn bỡ ngỡ đối với mình, hầu như cái gì cũng là lần đầu. Ví dụ như ngay khi mới sinh xong mình còn không biết cho con bú thế nào, dù được hướng dẫn trước đó nhưng vẫn rất bỡ ngỡ. Rồi thay bỉm, tắm cho con, cách bế con và những khi con khóc không biết vì sao... rất nhiều lạ lẫm.
Và đâu là phương án trợ giúp để chị có thể quen dần với việc chăm con?
Ở Úc khi mới sinh xong hàng ngày sẽ có y tá đến tận nhà để kiểm tra sức khoẻ cho cả mẹ và bé. Như mình thì trong một tháng đầu ngày nào cũng có y tá đến nhà kiểm tra và tư vấn mọi thắc mắc cũng như hướng dẫn cách chăm em bé. Sau một tháng mình sẽ đến trung tâm mỗi tuần một lần để sinh hoạt và học cách chăm em bé, khi đó sẽ có một nhóm khoảng 15 đến 20 mẹ đều là có con lần đầu.
Ngoài chuyên gia hướng dẫn thì các mẹ cũng học từ nhau cách chăm con, sau khi hết 3 tháng có chuyên gia hướng dẫn thì nhóm các mẹ vẫn gặp nhau đều để giao lưu học hỏi thêm cũng như cho các bé chơi cùng nhau. Rồi ngoài ra hàng tháng hoặc 2 đến 3 tháng một lần đưa con đến trung tâm để kiểm tra sự phát triển của con cho đến khi con 5 tuổi.
Bên Úc không như Việt Nam đó là nhờ ông bà hay người thân giúp đỡ, sinh con xong chỉ có 2 vợ chồng. Chồng được nghỉ khoảng 1 tháng để ở nhà với vợ sau sinh chứ không hề có bố mẹ đến giúp như bên Việt Nam. Mình cũng rất ngạc nhiên nhưng văn hoá bên này họ như thế, sinh con là việc của 2 vợ chồng và ông bà không có nhiệm vụ phải chăm cháu.
Hai vợ chồng xoay vần để chăm em bé, Vũ Thị Hương tiết lộ mình đã có những ngày rất khủng khiếp sau sinh vì stress trước tình trạng bệnh của Ryan.
Vậy ai sẽ là người nấu cơm cữ cho chị ăn?
Cuộc sống của mình sau sinh khi là một bà mẹ Việt sinh sống ở Úc thực sự khá vất vả vì mình vẫn ăn đồ Việt và không ai có thể nấu thay thế cho mình, chính vì vậy sau khi sinh ở viện về 3 ngày là mình đã tự nấu ăn vì ông xã không biết nấu món Việt.
Ông xã lo bế con còn mình nấu ăn, thêm nữa là bé nhà mình sau khi sinh khoảng 1 tháng con bắt đầu bị nổi mụn (viêm da dị ứng) mà không biết nguyên nhân. Cứ một tuần đi viện 1 lần đều như vắt chanh, con uống kháng sinh như bú sữa hàng ngày trong 6 tháng đầu, cứ khỏi vài hôm xong con lại bị, lại đi bác sĩ và khỏi rồi bị lại cứ như vậy trong suốt nửa năm đầu đời, thời gian đó thực sự vất vả khủng khiếp và mình bị stress.
Những ngày đầu mới làm mẹ, chị vô cùng lóng ngóng trong việc cho em bé bú sữa mẹ
Chỉ có 2 vợ chồng thì quả thực bà mẹ quá vất vả, chị muốn cho con tự lập để mình có thêm thời gian nghỉ ngơi không?
Mình cũng muốn cho con tự lập từ bé nhưng không thành vì con bị bệnh nhiều nên rất khó. Vậy nên mình học cách của cả mẹ Việt và Úc. Ví dụ như bên Úc các mẹ cho con ăn từ rất sớm mà bên mình thường là sau 6 tháng, mình cũng hoang mang vì không biết nên thế nào vì mỗi bên một kiểu.
Cuối cùng mình quyết định cho con ăn khi 5 tháng và sau 6 tháng mới cho con học cầm đồ ăn. Vì con bị mụn nên hay gãi mà mỗi khi gãi lại bị viêm nên phải đeo tất tay thường xuyên nên con cũng bị hạn chế nhiều. Còn việc ngủ các mẹ Úc cho con ngủ riêng, lúc đầu mình cũng thế nhưng vì đêm con đói mà không bao giờ khóc nên mình chẳng biết để dậy, như vậy thì tội nghiệp con quá. Vậy là lại cho con nằm cạnh, đến giờ con vẫn ngủ với mẹ, cuối cùng kế hoạch cho con tự lập bị phá vỡ.
Hình ảnh Ryan qua từng giai đoạn phát triển
Chăm con khó khăn như vậy, chắc hẳn chị Hương có nhiều câu chuyện đáng nhớ về em bé Ryan đúng không?
Trong suốt quãng thời gian làm mẹ đến giờ chắc câu chuyện về con mình không quên đó là khi con bị bệnh, cả khuôn mặt con bị viêm, sưng rất to và lở loét. Khi ấy mắt con sưng không thể mở được nhưng khi con tỉnh dậy vào buổi sáng con vẫn cười tươi với mình như để nói, “Mẹ ơi con không sao cả mẹ đừng buồn”.
Mình không kìm lòng được liền ôm chầm lấy con rồi bật khóc, bé rất mạnh mẽ, trong suốt thời gian con bị bệnh ấy chưa khi nào con quấy khóc cả. Đi bệnh viện các bé khác khóc cả đêm, con cứ nằm im và cố ngủ, nhiều khi giật mình nhưng con chỉ mở mắt ra rồi lại ngủ chứ không bao giờ nghe thấy một tiếng con khóc. Mình hay nói với chồng thà rằng con cứ quấy cứ khóc để mình đỡ đau lòng, đằng này con ngoan và chịu đựng mọi thứ.
Nhớ lại thời gian đầu, bé Ryan bị viêm da nên chị Hương bế con đến viện đều như vắt chanh
Với em bé Ryan chị có ép con vào khuôn khổ không hay lớn lên theo đúng tính cách và tâm sinh lý của con?
Tuỳ quan điểm của mỗi mẹ sẽ có cách dạy con khác nhau, bên Úc cũng có mẹ tập luyện cho con các kỹ năng rất sớm chứ không hẳn để tự nhiên. Bản thân mình cũng chưa có định hướng gì cho bé, mọi thứ cứ để tự nhiên vì mình thấy bé nhà mình có ép con làm được gì đâu. Ví dụ như luyện cho con nằm úp bụng chẳng hạn, con không thích con lật lại và nếu ép tiếp con sẽ khóc. Chỉ khi con muốn con mới tự làm thôi, vì thế con mà không thích thì mẹ chịu không bắt con theo mẹ được.
Bản thân chị thấy khi giáo dục con cái, điều gì là quan trọng nhất?
Theo mình gia đình chính là cái gốc cho sự phát triển và hình thành tính cách của con sau này. Vì nếu con sống trong một gia đình hạnh phúc và suy nghĩ tích cực chắc chắn khi trưởng thành con sẽ là một người sống theo hướng tích cực.
Bản thân mình vẫn muốn giáo dục con theo cả Tây lẫn Việt, ví dụ như con vẫn phải lễ phép kính trên nhường dưới như của người Việt nhưng sẽ tự lập như phương Tây. Và bản thân mình cũng muốn cho con biết không phải làm cha mẹ là được quyền áp đặt con cái.
Mình sợ khi nghe nhiều cha mẹ hay nói với con từ rất bé rằng, sau này cho bố mẹ nhờ. Vậy hoá ra từ bé các con đã phải gánh trách nhiệm rồi sao, mỗi người một cuộc đời và đừng bắt bất cứ ai phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Bé Ryan còn khá nhỏ, nuôi dạy con là cả một hành trình dài, mỗi giai đoạn cần có những sự chuẩn bị riêng. Trước mắt sẽ là nuôi con có sức khỏe tốt để con phát triển được về thể chất và vận động.
Cảm ơn chị rất nhiều về những chia sẻ thú vị này!
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/chong-tay-nghi-1-thang-cham-vo-de-nu-hoang-toc-do-tiet-lo-nh...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/chong-tay-nghi-1-thang-cham-vo-de-nu-hoang-toc-do-tiet-lo-nhung-ngay-khung-khiep-sau-sinh-c32a749017.html