Anh Thành đang tính đến chuyện cho con đi học chữ trước tại nhà một cô giáo tiểu học đã về hưu. Lớp học diễn ra vào các buổi sáng, vì thế vợ chồng anh chưa biết sắp xếp thời gian đưa đón con cho phù hợp. Công việc của hai vợ chồng đều ở văn phòng và không thể về nhà trước 17h30. Nếu Chuột học ở trường mầm non, cách nhà khoảng 300 m thì bà nội vẫn đi đón bé, nhưng đến nhà cô giáo học thêm, cách xa nhà 3 km thì bố mẹ phải đưa đón. Còn trường hợp gửi tiếp bé ở trường mầm non thì nhà trường không dạy chữ, chủ yếu là chỉ trông trẻ, cho ăn và chơi.
Ngoài ra, anh còn tìm được một lớp luyện chữ từ 18h đến 20h, nhưng lại băn khoăn vì đây là giờ ăn uống của bé. Chưa kể đây là giờ cao điểm, ánh sáng ngoài trời và đèn điện đều yếu nên anh sợ con hỏng mắt. Còn bé Chuột thấy bố mẹ và bà tối nào cũng bàn về chuyện học lớp 1 của mình thì giãy nảy: “Con sợ học lớp 1 lắm, bạn Minh Vy ở lớp bảo với con là viết chữ xấu sẽ bị cô đánh”.
Hồi đầu năm lớp lá, Chuột đã được bố mẹ cho học thêm chữ vào cuối mỗi buổi học. Sau hai tháng, thấy con gái viết ngược từ phải qua trái, từ dưới lên trên, tối nào cũng cặm cụi tô tô viết viết với tư thế ngồi cúi gằm mặt xuống vở, anh Thành quyết định cho con nghỉ học. Mặc dù chăm chỉ tô vẽ thế nhưng Chuột cũng không nhớ tên được tất cả chữ cái đã học. Bây giờ bé đã lớn thêm gần 1 tuổi nữa, chữ tô đã đẹp hơn nhưng vẫn sợ học chữ và sợ luôn cả học lớp 1.
Bé mầm non luyện chữ. Ảnh: B.T |
Chia sẻ với chuyện nhà anh Thành, anh Hiếu (quận 4, TP HCM) có con tháng 9 này cũng vào lớp 1 cho biết, ban đầu bé Bo rất sợ khi bố mẹ nói chuyện vào lớp 1 phải dậy sớm, đi học đúng giờ. Sau khi được các cô mầm non dẫn đi tham quan một trường tiểu học, được vào phòng học của các anh chị lớp 1, vào thư viện và phòng máy tính của trường thì bé luôn mong chờ được đi học. Tuần vừa rồi, anh chị đã dẫn bé đi mua một số bút và đồ dùng học tập, mua một bộ bàn ghế học sinh để bé hào hứng với việc học sắp tới.
Chị Đoàn Lam (Tây Hồ, Hà Nội) có con vừa học hết lớp 1 cho biết, hè năm ngoái, chị cũng cho bé đi học chữ trước. Tuy nhiên, bé không tiếp thu được gì mà còn sợ đến lớp học chữ. Về nhà khi chị cùng con làm bài tập thì thấy bé không tập trung. Sau hai tuần stress vì việc học của con, chị cho bé nghỉ, chờ đến thời điểm học chính khóa. Nếu hồi hè bé Mít nhà chị rất sợ học chữ thì khi chính thức vào lớp 1, bé lại hào hứng vì thân quen với các bạn trong lớp, được cô giáo quan tâm nên rất thích đến trường. Về nhà bé tự học, tự làm bài tập, chỉ khi nào khó quá mới ra hỏi mẹ. “Mình thấy thế là ổn”, người mẹ cũng là giáo viên cho biết.
Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng cha mẹ không nên cho trẻ học chữ trước vì khi vào lớp 1, cô giáo sẽ phải dạy lại từ đầu, bé biết rồi sẽ có tâm lý chủ quan.
Tiến sĩ Thu Hương giải thích: “Mỗi tuần, trên cả nước các cháu bé sẽ học chung nhau một bài. Do vậy, con học trước có nghĩa là con sẽ phải học lại. Mà con học trước thì con sẽ chán, sẽ phá phách. Cha mẹ chỉ cần cho con đến trường tiểu học để làm quen với trường mới, có bàn, có ghế, có bảng, có phấn, có cô giáo, và việc học hành sẽ khác với mầm non rất nhiều. Ví dụ con vào lớp phải xếp hàng, ở lớp con sẽ phải ngồi một chỗ, không được chạy đi chạy lại, con không được thưa cô, mách cô nhiều như hồi còn học ở mầm non... Cha mẹ nên làm những việc này để chuẩn bị tâm lý cho con".
Tiến sĩ Thu Hương cũng khuyên: "Về đồ dùng học tập thì cha mẹ nên nghe theo những lời khuyên của cô. Chỉ có cô mới biết con cần phải mua cái gì, sử dụng cái gì, không nên mua quá nhiều, không nên để con cảm thấy thừa thãi, con sẽ không trân trọng các món đồ dùng và sức lao động mà mọi người bỏ ra”.
Trước đây, trong một buổi hội thảo về chuẩn bị cho con vào lớp 1 do Hội quán các bà mẹ tổ chức, thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm (Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận xét, trẻ vào lớp 1 là bước ngoặt của cả con và cha mẹ. Ngày đầu tiên đi học sẽ là dấu ấn trong tâm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành.
Thạc sĩ Minh Tâm khuyên, trong buổi đầu con đến với môi trường mới, mẹ (hoặc bố) cần lắng nghe con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Thực tế, có những ông bố bà mẹ không chuẩn bị tâm lý cho con đã khiến con sợ hãi khóc thét khi đến trường. Việc phụ huynh đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc hay hứa lèo với con là ba mẹ đi một chút sẽ trở lại đón con... sẽ khiến bé có cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ không được thương yêu...
Thạc sĩ tâm lý phân tích, khi học mẫu giáo bé được tự do hơn, nên lúc vào trường mới bé phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới cũng như quy tắc mới, bé sẽ có nhiều sợ hãi. Hơn nữa giai đoạn này, bé tiếp tục có những thay đổi về thể chất như rụng răng sữa, mọc răng hàm, nên dễ mắc bệnh. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thắc mắc về mọi hiện tượng của bé nhiều hơn. Vì thế phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe để thấu hiểu con, đừng bao giờ dọa "con mà không đi học thì mẹ không thương, mẹ đánh đòn hoặc mẹ cho ra ngoài đường", bởi những đe dọa ấy ít nhiều đều làm tổn thương tâm hồn non nớt của con.
Các chuyên gia đều khuyên, thay vì lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện thể chất và tâm lý cho bé. Cho bé làm quen với trường mới, với sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... để bé tự tin vào lớp 1.
Kim Kim