Slime hay còn có tên gọi khác là xà lam, là một loại đồ chơi đang "gây sốt" và thu hút được sự quan tâm của nhiều em nhỏ. Chúng được bày bán tràn lan tại các cổng trường học, cửa hàng tạp hóa và ở thời đại 4.0 như hiện nay thì không khó để tìm đồ chơi slime trên mạng xã hội. Thông dụng là vậy nhưng rất ít các phụ huynh quan tâm tới những mặt trái mà thứ đồ chơi này đem lại.
Slime bao gồm những thành phần gì?
Slime là loại chất dẻo đặc biệt, vừa mềm vừa dẻo vừa dai được làm từ keo xà phòng, keo làm hồ dính... và có thể biến đổi thành những hình thù kỳ lạ, giống hệt như vật thể chứa nó. Trẻ em đặc biệt yêu thích vì có thể tạo ra vô số hình dạng độc đáo. Không chỉ là món đồ chơi khiến nhiều đứa trẻ mê mẩn suốt cả ngày, mà nó còn giúp kích thích thị giác và xúc giác của trẻ phát triển.
Trước đây, các chuyên gia về hóa học và cả những bác sĩ da liễu đã phân tích slime là dạng đồ chơi có thể dẫn đến viêm da mủ, ngộ độc… Tuy nhiên, nếu chỉ nói rằng slime không tốt, có hại cho sức khỏe thì thông tin vẫn chưa đủ để bậc làm cha mẹ thấy hết được mặt trái mà slime đem lại. Chính bởi vậy, các mẹ có con nhỏ cần phải biết vì sao nó không lành mạnh, sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của con em mình.
Slime là loại chất dẻo đặc biệt, vừa mềm vừa dẻo vừa dai được làm từ keo xà phòng, keo làm hồ dính... và có thể biến đổi thành những hình thù kỳ lạ. (Ảnh minh họa)
Để đưa ra được lời khuyên tới các bậc phụ huynh có nên cho con chơi slime hay không, cần phải xem xét các thành phần có trong slime bao gồm những gì.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, slime có rất nhiều loại, tùy vào những cách làm khác nhau, từ những nguyên liệu khác nhau. Chính vì thế ngoài những loại slime có nguồn gốc rõ ràng, không độc hại thì còn rất nhiều loại slime khác được các thương hiệu đồ chơi pha lẫn nhiều tạp chất để biến nó thành thứ đồ chơi đặc biệt, vừa mềm vừa dẻo, bắt mắt, nhiều màu sắc… Lúc này giá trị lành mạnh của món đồ chơi trẻ em đã không còn nguyên vẹn.
Chuyên gia cho biết, nếu slime được làm từ chất tự nhiên hoặc làm từ những hóa chất chuẩn thì không độc hại. Ngược lại, nếu nó được làm từ những hóa chất không rõ nguồn gốc thì tiềm ẩn nguy cơ khó lường như bị bỏng tay, dị ứng.
“Nếu người bán hay người chế ra slime sử dụng baking soda (hay còn gọi là hydrocacbonnat, natri bicacbonnat) thì có tác hại vô cùng nguy hiểm. Bởi đây là chất dùng để lau chùi nhà bếp, tẩy rửa các khu vực vệ sinh nhờ đặc tính mài mòn. Chất này sẽ gây ăn mòn da, ngứa và làm viêm da. Bên cạnh đó, slime có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt là được rắc kim tuyến. Chất này cũng rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương gan, thận” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Minh chứng là hồi tháng 3.2017, cô bé Kathleen Quinn (11 tuổi, ở Massachusett, Mỹ) tự làm Slime tại nhà. Kathleen dùng hỗn hợp keo Elmer (keo PVA, do Elmer, người Mỹ sáng chế), nước và chất tẩy rửa có hàn the. “Điều chế” xong, cô bé bóp nặn thì thấy nóng và ngứa ran hai bàn tay. Sau đó, các ngón tay bắt đầu đỏ ửng và phồng rộp mụn nước, bé khóc thét vì đau đớn. Các bác sĩ chẩn đoán Kathleen bỏng hai bàn tay độ 2 - 3.
Trẻ phải thận trọng khi chơi slime
Chưa kể vì lợi ích, một số cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán đồ chơi còn nhập những slime rẻ tiền, được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học, có người sử dụng dung dịch rơ miệng trẻ em kết hợp với hồ nước, người thì làm từ nước rửa chén và muối. Hay có người làm từ keo sữa, keo cạo râu, bột giặt, kem đánh răng, thuốc nhỏ mắt, hàn the, phẩm màu, dầu ăn, có những loại slime có trộn các loại kim tuyến nhiều màu, trong quá trình chơi, tay của trẻ dính kim tuyến và vô tình đưa lên mắt, miệng… Đó là yếu tố dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, miệng…
Rõ ràng rằng việc trẻ chơi slime tác động trực tiếp lên da tay của chúng. Chính loại chất vừa dẻo, dai và mềm này gây nên sự ẩm trên bề mặt da và đó chính là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, vi nấm và việc nổi mẩn, ngứa và bệnh ngoài da. Nếu trẻ vô tình sử dụng slime và quên rửa tay sau khi chơi, để phẩm màu dính trên miệng, rơi vào thức ăn thì cũng có thể gây ra ngộ độc.
Nhiều loại slime có pha trộn kim tuyến rất bắt mắt. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế đã có rất nhiều trẻ nhỏ chơi slime không rõ nguồn gốc xuất xứ trong một thời gian dài, lạm dụng thứ đồ chơi này dẫn đến ngứa đầu ngón tay, da của trẻ bị rộp, mẩn đỏ. Đi khám được bác sĩ kết luận bị dị ứng da.
Nếu các mẹ đang có con nhỏ lo lắng về loại đồ chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe con em này thì có rất nhiều lựa chọn đồ chơi lành mạnh, an toàn khác cho bé. Các mẹ có thể chọn đồ chơi tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt không nên cho trẻ chơi những hộp slime không hề có nhãn mác, không ghi rõ cách sử dụng, cũng không niêm yết thành phần hóa chất. Chính sự mập mờ này khiến phụ huynh và con nhỏ khó nhận biết được thành phần độc hại của đồ chơi.
Slime đã và đang trở thành món đồ chơi được nhiều trẻ em ưa thích. Slime có thể kích thích giác quan của trẻ, giúp các em sáng tạo trong việc tạo hình. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc mua bán trôi nổi mặt hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho trẻ. Cần phải có biện pháp ngăn chặn, quản lý thật chặt mặt hàng này. Bởi, trẻ em là độ tuổi rất nhạy cảm với các hóa chất, các sản phẩm bán ra cần phải có những quy định ngặt ngèo về các thành phần trong đó.
Việc để trẻ chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể không gây vấn đề gì bé ngay lúc đó. Tuy nhiên, phụ huynh phải hết sức lưu ý các hoạt động hằng ngày của con trong quá trình ăn, chơi, ngủ nghỉ, để tránh những tai nạn không đáng có do đồ chơi đem lại.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/chuyen-gia-len-tieng-ve-slime-do-choi-nhao-nan-cua-tre-co-th...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/chuyen-gia-len-tieng-ve-slime-do-choi-nhao-nan-cua-tre-co-that-su-doc-hai-c32a749926.html