Trong cuộc khảo sát về vấn đề thần tượng ngôi sao, hơn 70% sinh viên, học sinh có "thần tượng" yêu thích của mình và đã từng trải qua việc khó khăn để được gặp thần tượng. Nhiều trường hợp khiến những đứa trẻ không chỉ lãng phí việc học, mà thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
Cách đây không lâu, bà Trương (sống ở Trung Quốc), một bà mẹ của nhóm nuôi dạy con đã chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề "thần tượng" của cô con gái 12 tuổi. Bà Trương cho biết con gái cô hiện đang học cấp 2 và đang ở tuổi vị thành niên.
Trong một thời gian dài, bà thấy việc thần tượng ngôi sao, người nổi tiếng của con gái mình nghiêm túc đến mức say sưa, mê muội. Quả nhiên trong khoảng thời gian này, kết quả thi giữa kỳ của con không như ý, bị rớt điểm và tụt thứ hạng liên tục khiến bà Trương nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề.
Vấn đề thần tượng ngôi sao không sai, nhưng bố mẹ cần định hướng đúng cho trẻ. (Ảnh minh họa Internet)
Sau khi biết con gái mình "thần tượng" một người nổi tiếng nhưng ngày càng sa sút học tập, bà Trương đã chọn cách không lên tiếng nghiêm cấm con mà thay vào đó, bà nói với con gái những bất lợi của việc "thần tượng" ai đó quá mức. Thay vì ra sức la mắng, ngăn cản con khiến đứa trẻ bị kích động đến tâm tính cách thì bà trương tiếp cận ở góc độ mềm mỏng hơn.
Ban đầu bà cùng con tìm hiểu về thần tượng, sau đó hướng dẫn con cách thần tượng như thế nào là đúng đắn và cuối cùng là khích lệ con cố gắng để trong tương lai có thể trở thành như hình mẫu lý tưởng tốt đẹp mà con đã lựa chọn. Cách này của bà Trương đã thực sự mang lại hiệu quả, khiến cô con gái "tâm phục khẩu phục" và ngoan ngoãn nghe lời.
Thực tế, quá trình trưởng thành của một người là trong giai đoạn phát triển nhận thức, tình cảm và nhân cách, sẽ cố gắng chấp nhận các giá trị, khuôn mẫu hành vi và ngoại hình của người khác, đồng thời tôn thờ và bắt chước điều đó.
Những đứa trẻ thần tượng một ai đó, tức là trẻ đang đánh giá cao ngoại hình, giọng nói, khí chất và các đặc điểm khác của người đó. Đặc biệt, tính cách nhân hậu, nhiệt tình và chăm chỉ do các "thần tượng" tạo ra chính là sự đồng nhất nội tâm của những đứa trẻ với cái đẹp.
Những người nổi tiếng có thể nhận được sự ngưỡng mộ và công nhận của trẻ em, vì trẻ em coi những người nổi tiếng là "hình mẫu lý tưởng" mà bản thân mong muốn trở thành trong tương lai.
Mặc khác, trẻ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ việc học, cũng như những cảm xúc tiêu cực do áp lực cuộc sống gây ra. Việc "thần tượng" ai đó vì thế đã trở thành một lối thoát để trẻ giải tỏa căng thẳng, và quên đi những muộn phiền của thực tại giống như một cách "chữa bệnh".
Nếu con cái thiết lập quan điểm đúng đắn về thần tượng một cách hợp lý thì bố mẹ nên khuyến khích. Ngược lại, nếu trẻ hình thành những hành vi lệch lạc, cụ thể ảnh hưởng đến học tập và phát triển tính cách thì định hướng của bố mẹ là vô cùng cần thiết, để trẻ tránh được tình huống lạc lối trên con đường "thần tượng" ai đó.
Trước vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi muốn được chia sẻ với các bậc phụ huynh từ góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực tâm lý giáo dục. Với mong muốn có thể giúp những ông bố bà mẹ đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp cho con cái, và từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em về sau.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Ngày nay, xu hướng "thần tượng" không còn xa lạ với nhiều trẻ thiếu niên. Theo chuyên gia, bố mẹ có nên khuyến khích con cái "thần tượng" một ai đó?
Nếu có một ai đó mà trẻ rất ngưỡng mộ, đặc biệt người đó lại là người có nhân cách tốt, có hiểu biết và kỹ năng tốt hay có lối sống tích cực thì đó có thể là một tấm gương sáng để bé noi theo, thậm chí còn là động lực lớn cho bé phát triển bản thân.
Tuy nhiên, nếu “thần tượng” của trẻ có những suy nghĩ và lối sống không tích cực, không giúp cho trẻ noi gương tốt để phát triển bản thân thì lúc này bố mẹ thực sự nên can thiệp để định hướng đúng đắn cho trẻ, trước khi xảy ra những ảnh hưởng xấu.
Trong thực tế, khái niệm "thần tượng" của trẻ không chỉ còn là những ngôi sao trong giới giải trí hay các lĩnh vực khác, mà còn mở rộng đến những cá nhân nổi tiếng nhờ tạo drama, chiêu trò lố bịch, thậm chí là vi phạm đạo đức và nhận được sự tung hô trên mạng xã hội. Chuyên gia nghĩ gì về xu hướng lệch lạc này?
Như trên đã nói, trong trường hợp này thì bố mẹ thực sự cần phải can thiệp. Đôi khi trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, giá trị sống tốt đẹp chưa bền vững, và sự nhận định của trẻ còn thiếu góc nhìn đa chiều nên chưa đánh giá tốt đâu là hình mẫu phù hợp nên theo đuổi, đâu là hình mẫu không phù hợp. Mạng xã hội phát triển manh, thông tin bùng nổ càng khiến cho các con khó nhận định đâu là giá trị thực, đâu là ảo ảnh nhất thời.
Do đó, cha mẹ cần có sự quan tâm đến con và đời sống tinh thần của con. Nếu con đang thần tượng một người nào đó không xứng đáng thì nên ngồi lại cùng con để phân tích, giải thích và đưa những ví dụ chứng minh cho con thấy người đó không xứng đáng, đồng thời hướng con đến những môi trường, những con người tích cực hơn.
Chuyên gia đã gặp trường hợp nào bố mẹ nhờ tư vấn, việc con theo đuổi thần tượng một cách mù quáng và bỏ bê việc học chưa?
Trường hợp nặng đến mức bỏ học thì chưa, nhưng các con thần tượng streamer hay tiktoker nào đó và suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính để cày view, hoặc mua sắm những món đồ do thần tượng đó bán thì khá nhiều.
Thậm chí nhiều đứa trẻ không thiết tha việc học mà muốn có được khả năng giống thần tượng, nghĩ việc trở thành streamer là nghề nghiệp tương lai phù hợp nhất, vừa được nổi tiếng, có nhiều fan hâm mộ, vừa có nhiều tiền rồi không chú tâm đến việc học nữa. Các bậc cha mẹ cũng rất khó khăn khi đối diện với trường hợp như thế.
Trong trường hợp trẻ chọn nhầm thần tượng hoặc quá mê muội thần tương thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức và lối sống của trẻ? Bố mẹ cần làm gì để định hướng đúng cho trẻ vấn đề này?
Khi trẻ chọn nhầm thần tượng hoặc quá mê muội thần tượng thì sẽ có thể ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể có cái nhìn sai lệch, dẫn đến việc mù quáng theo đuổi những giá trị sống tiêu cực, ảnh hưởng đến những hành vi, cách cư xử và định hướng tương lai của trẻ. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ sống cũng như sự phát triển nhân cách của trẻ.
Như vậy, bố mẹ cần nhanh chóng điều chỉnh lại cách nhìn nhận của trẻ cho đúng đắn hơn. Cần phân tích cho trẻ thấy những điều không phù hợp trong lối sống, suy nghĩ cũng như hành vi ở thần tượng mà nếu con bắt chước có thể gặp những hậu quả thế nào?
Nếu thần tượng đó không xấu, nhưng con theo đuổi thần tượng đến mức mê muội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì bố mẹ cũng cần chỉ ra cho con thấy ảnh hưởng đó là gì, và nó gây ra hậu quả như thế nào đến con?
Bố mẹ có thể đặt câu hỏi cho con về những điều con thích ở thần tượng, những ảnh hưởng của thần tượng lên con, những dự định về cuộc sống mai sau của con để hiểu rõ mức độ ảnh hưởng, cũng như cho con cơ hội nhìn lại vấn đề của mình.
Từ đó bố mẹ hướng con đến những hình mẫu tích cực và phù hợp hơn với con, cũng như giúp con đặt được giới hạn mức độ ảnh hưởng của thần tượng đến bản thân con. Vì con cần được hiểu, không ai muốn là bản sao của người khác, mà cũng không ai có thể gây ấn tượng tốt với người khác nếu giống y hệt một ai đó.