"Ngày 23.3.2014 - lần cuối tôi gặp và nói chuyện với ông. Một ngày trước đó (22.3.2014), diễn ra triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Phú Yên nhân Festival thủy sản khu vực Nam Trung Bộ tổ chức tại Tuy Hòa (Phú Yên).
Như thường lệ, tôi là người được mời đồng chủ trì họp báo, rồi phát biểu tại lễ khai mạc giới thiệu quá trình chuẩn bị và nội dung triển lãm.
Đây đã là cuộc triển lãm bản đồ và tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa lần thứ 7 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mà tôi tham gia, nên tôi chủ quan không soạn diễn văn, cứ thế đăng đàn nói vo trong 20 phút.
Nhìn xuống bên dưới thấy ông Nguyễn Bá Thanh ngồi dự ở hàng ghế đầu, đang trao đổi gì đó với ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Thi thoảng, cũng thấy ông dừng nói chuyện và có vẻ như đang nghe bài phát biểu của tôi.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn.
Sau khi cắt băng khai mạc, tôi thuyết minh cho các đại biểu tham quan triển lãm. Ông Nguyễn Bá Thanh cùng các quan chức của Bộ Thông tin - Truyền thông và quan chức các tỉnh miền Trung đi theo nghe tôi thuyết minh triển lãm từ đầu đến cuối. Kết thúc, ông Thanh bắt tay tôi, hỏi một câu: “Khỏe không?” rồi cùng ông Đào Tấn Lộc đi ra ngoài.
Hôm sau (23.3.2014), Hội thảo liên kết phát triển vùng tổ chức tại resort Sao Việt. Đây cũng là lần cuối tôi gặp và nói chuyện với ông.
Tôi không có tham luận tại hội thảo này nên dự một lúc thì ra ngoài chụp ảnh. Lúc trở lại thì thấy ông Nguyễn Bá Thanh ngồi trong phòng khách bên ngoài hội trường. Thì ra là nhân lúc đại biểu đang thảo luận, ông thèm thuốc lá nên ra đây làm một điếu. Ông vẫy tay gọi tôi vào.
Sau mấy câu chào hỏi ông nói ngay: “Hôm qua phát biểu tại lễ khai mạc ông nói nhầm một chỗ”. Tôi rất ngạc nhiên vì nghĩ mình đã thuyết trình chủ đề này không biết bao lần thì sao mà nhầm được.
Ông Thanh nói với tôi: “Ông nói Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1980 là không đúng. Công ước đó ra đời năm 1982”.
Tôi cãi: “Em đọc và vận dụng công ước này thường xuyên, sao nói nhầm được hả anh?”. Ông nói: “Hỏi ông Đức mà xem (người đang đứng hút thuốc bên cạnh ông Thanh). Do ông nói vo nên có nhầm lẫn một vài chi tiết là chuyện thường thôi. Nhưng thôi, lần sau nhớ chú ý cẩn thận. Nhưng thuyết minh triển lãm thì được, có nhiều tư liệu hay đó”.
Rồi ông đứng dậy, vỗ vai tôi bảo: “Vô tham gia thảo luận, lần này sao không thấy ông trình bày tham luận?”. Tôi theo ông vào phòng họp, vừa đi vừa nghĩ: “Cứ tưởng ông này lo chống tham nhũng, hóa ra cũng quan tâm đến vấn đề biển đảo và còn "bắt giò" cả “chuyên gia biển đảo” nữa mới ghê chứ!”.
Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với ông. Sau Hội thảo Phú Yên, tôi rong ruổi đây đó trên “hành trình” tìm kiếm tư liệu và tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nên không rõ ông có tham gia điều hành thêm hội thảo vùng nào nữa không. Đọc báo thì thấy ông đang theo dõi mấy vụ án Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như…
Sau đó thì bất ngờ nghe tin ông đi Mỹ chữa bệnh...
Cho đến chiều 15.2, tôi mới “gặp” lại ông, khi cùng Việt kiều Trần Thắng (người trao tặng bản đồ chủ quyền cho Đà Nẵng) và Trần Thị Quốc Hiền (người tổ chức trưng bày, triển lãm bản đồ và tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa trên cả nước trong 2 năm qua) đến viếng ông. Ông nằm đó, trong chiếc quan tài lồng kính...
Quý mến ông và thương tiếc ông nên tôi viết những dòng này, để kể với bạn bè tôi về một trong số rất ít những quan chức mà tôi kính phục và cảm mến. Đó cũng là nén hương lòng tôi tự thắp lên để tưởng niệm ông.
Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông!
(Đà Nẵng, 15.2.2015)".
Trần Đức Anh Sơn