"Không hiểu kiếp trước chị đã tạo ra nghiệp chướng gì mà kiếp này phải trả giá đắt như thế?", chị ứa nước mắt khi tâm sự với tôi về cuộc đời long đong 'ba chìm bảy nổi' của mình. Những giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên gò má xương xương của chị khiến lòng tôi se lại! Tôi thương chị, thương cho một kiếp người khốn khổ, lận đận.
Chị người gốc Hưng Yên, năm nay 53 tuổi, nhưng nếu không nói tuổi chắc chắn nhiều người gặp sẽ nghĩ chị đã ngoài 60. Gương mặt khắc khổ với bao thăng trầm của cuộc sống khiến chị già hơn tuổi rất nhiều. Thời thiếu nữ, chị không đẹp 'sắc nước hương trời' nhưng cũng đủ khiến bao chàng trai mê đắm vì nụ cười duyên và đôi mắt lúng liếng. "Ngày đó, trai làng còn đánh nhau trước cổng nhà để tranh xem ai xứng đáng với chị hơn", chị nói. Nhưng không hiểu duyên số đẩy đưa thế nào mà chị lại gật đầu đồng ý lấy anh - chồng chị hiện tại. Đôi mắt đượm buồn khi nhớ lại quá khứ, chị rủ rỉ khoe: "Chồng chị ngày xưa hiền lắm! Anh biết kính trên nhường dưới và chu đáo nên hàng xóm không ai chê anh được điểm gì cả. Thế mà ...", chị chép miệng ngập ngừng nói tiếp: "Cái số chị nó khổ...!"
Hàng ngày, bóng dáng nhỏ bé của chị vẫn lặng lẽ bán hoa quả mưu sinh. (Ảnh minh họa).
Lén lau nước mắt, chị kể: Anh chị cưới xong thì có con luôn. Nhà làm nông không có nghề phụ gì, quanh năm chỉ có mấy xào ruộng nên chuyện 'thiếu trước hụt sau' - nay giật tạm người này, mai vay nóng người kia đã thành quen. Rồi cái đói, cái nghèo khiến chồng chị chán nản, tù túng sinh ra bê tha rượu chè và cờ bạc. Đầu tiên chỉ là những chén rượu vui bên bàn nhậu cùng anh em họ hàng, sau thì thành nghiện. "Cứ có hơi men vào người là anh đánh chửi chị. Những lần đầu, đánh xong anh còn hối hận và xin lỗi nhưng sau thì thành quen tay", chị nói.
Năm 2011, sau một cơn bạo bệnh chồng chị được bác sĩ chẩn đoán là ung thư gan giai đoạn cuối. Vợ chồng hết tình thì cũng còn nghĩa, dù 'hận' anh những lần bị đánh đập nhưng chị vẫn tận tụy chăm anh cho đến lúc chết. Những tưởng mất chồng cậy con, ai ngờ cậu 'quý tử' nhà chị lại bất hiếu. Chị và con dâu không hợp tính nên thường xảy ra xích mích. Cậu con trai nghe lời vợ gièm pha, thay tính đổi nết và ruồng rẫy chị. Có bữa ăn, chị vừa bưng bát cơm lên đã bị con trai xỉa xói, quát tháo rằng chị là bà mẹ vô dụng, chỉ biết ăn bám con. Chị uất nghẹn, tim nhói đau và thầm khóc trong lòng.
"Chúng nó (vợ chồng con trai chị - PV) cưới nhau đã 2 năm vẫn chưa có con. Vợ nó đánh đá có tiếng rồi. Vợ nó không biết để đâu bị mất 4 chỉ vàng. Vợ nó không đổ thẳng nhưng bóng gió xa gần và hỏi chị là có lấy không. Chị bảo không biết nhưng chúng không tin. Thế là vợ nó kể xấu, rêu rao chị trộm cắp với khắp xóm làng", chị nói.
Khi chị thẳng thắn nói chuyện với con trai thì anh nghi mẹ 'vừa ăn cắp vừa la làng' và còn đánh đập, chửi bới đuổi mẹ đi. "Tối đó, trời mưa lất phất. Nó vào buồng ngủ của chị lấy một chiếc túi và đút vào mấy bộ quần áo chị vẫn thường mặc rồi nói: "Bà đi đi. Bà còn ở lại thì cái nhà này loạn'. Nghe nó nói mà lòng chị đau đớn lắm. Chị khóc xin nó đừng bất hiếu thế, nó liền kéo chị lôi ra ngoài và khóa cổng lại", chị buồn đau nhớ lại cái ngày bị con đuổi khỏi nhà.
Khi tôi hỏi chị rằng, có lần nào con nhắn tìm chị về chưa? Chị lắc đầu. Cái lắc đầu khiến người khác xót thương vì cảm nhận rõ nỗi đau và bất hạnh. "Có chết cô quạnh chị cũng quyết không nhận lại đứa con bất hiếu đó. Với chị, nó đã chết từ cái đêm mưa đó..."
... Hàng ngày, bóng dáng nhỏ bé của chị vẫn lặng lẽ bán hoa quả mưu sinh khắp các đầu phố con hẻm của Hà Nội. Tôi xin chị được chụp một bức hình làm tư liệu cho bài viết, chị xua tay, lắc đầu và nói: "Thôi... Dù gì nó cũng là con chị..."
Nhân vật trong bài viết xin được giấu tên