Sau khi lấy chồng ngoại quốc, nhiều bà mẹ Việt lựa chọn xa quê hương để về quê chồng làm dâu. Khi có con rồi, họ lại càng muốn con được lớn lên và phát triển tốt ở một đất nước phát triển. Nhắc về giáo dục Mỹ, không ông bố bà mẹ nào là không khỏi xuýt xoa. Thậm chí nhiều phụ huynh còn tìm cách để cho con sang Mỹ du học vì giáo dục ở đây cực kỳ tiến bộ.
Tuy nhiên không giống với tư duy của số đông, chị Thu Thảo (34 tuổi, quê ở Bình Định) kết hôn với anh Major Gardner (53 tuổi, quốc tịch Mỹ, giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tại Mỹ) lại quyết định đưa cô con gái 5 tuổi về Việt Nam định cư, vì muốn con được học tiếng Việt, hiểu về văn hoá Việt Nam - cội nguồn quê hương mẹ và có một tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ khác tại đây.
Gia đình 3 thành viên của chị Thảo và ông xã Major Gardner.
Quyết định rời cơ ngơi Mỹ về Việt Nam sống vì muốn con được học tiếng Việt, hiểu văn hoá Việt
Chị chia sẻ một chút về cơ duyên chị và anh Major Gardner gặp nhau nhé?
Mình và anh Major gặp nhau là nhờ một người anh hàng xóm. Anh ấy là bạn của chồng mình và là người đưa chồng mình về Việt Nam. Nhưng vì lí do cá nhân, anh ấy không vào Sài Gòn với chồng mình được nên đã gọi cho chị gái mình tìm ai đó nói được Tiếng Anh để giúp đỡ anh ấy khi anh ở Sài Gòn một mình. Thế là chị gái đã gọi cho mình.
Lúc ấy, chồng mình đang muốn tìm mặt bằng để mở phòng tập Gym nên mình đã giúp anh ấy tìm mặt bằng và chở anh ấy đi xem. Tiếp xúc với nhau khoảng một tuần và đó cũng là ngày cuối cùng anh ở Việt Nam, tự nhiên anh bảo thích mình và sẽ quay lại Việt Nam gặp mình. Thế là 1 tháng sau anh về gặp mình thật. Từ ngày đó tụi mình bắt đầu tìm hiểu nhau.
Điều gì đặc biệt ở anh Major Gardner khiến chị cảm thấy bản thân muốn gắn bó lâu dài với người đàn ông này?
Mình quyết định lấy anh sau gần 2 năm tìm hiểu. Trong 2 năm đó, tụi mình đã trải qua rất nhiều thử thách khi hai người phải yêu xa. Văn hóa khác nhau, ngôn ngữ cũng khác nhau nên nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại nhưng anh luôn cố gắng, động viên và "xuống nước" mỗi khi mình giận. Anh luôn là người làm lành với mình khi hai đứa căng thẳng.
Sau 2 năm, mình mới nhận ra không ai có thể yêu thương mình giống như anh. Anh rất ấm áp, chỉnh chu, tử tế, không bao giờ để mình phải vất vả. Từ ngày quen anh đến giờ, mình không phải đi làm vất vả mà anh luôn tạo điều kiện cho mình được làm những việc mà bản thân đam mê.
Một người đàn ông vững chãi như vậy chắc chắn sẽ là một người chồng tốt và một người cha có trách nhiệm của các con, nên mình đã quyết định lấy anh. Sau 8 năm bên nhau, tụi mình vẫn yêu thương nhau như thế, tình yêu đó vẫn còn mặn nồng như thuở mới yêu nhau vậy.
Sau khi kết hôn, chị theo chồng sang Mỹ, vậy tại sao ở thời điểm hiện tại chị và gia đình nhỏ của mình lại trở về Việt Nam?
Vì công việc của anh ở Mỹ nên mình phải theo anh sang Mỹ định cư. Mình sống bên Mỹ 4 năm và nhận ra mình không phù hợp với môi trường và cuộc sống bên Mỹ. Còn anh thì ngay từ đầu đã thích sống ở Việt Nam rồi, nhưng vì công việc chưa sắp xếp được nên phải về Mỹ.
Đặc biệt là con gái mình cũng đến tuổi học hành rồi, nên tụi mình quyết định mang con về Việt Nam để con học tiếng Việt và hiểu về văn hoá Việt Nam. Được chơi với ông bà ở quê để bé có tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ khác ở nơi đây.
Được biết, môi trường sống và nền giáo dục ở Mỹ rất tốt, trong khi nhiều bố mẹ Việt tìm cách cho con đi du học thì chị lại đưa con về Việt Nam sống, chị có cảm thấy đó là một quyết định có phần thiệt thòi đối với con gái?
Mình không thấy đó là quyết định thiệt thòi cho con khi đưa bé về Việt Nam, mà ngược lại mình còn rất biết ơn vì cuộc sống này cho vợ chồng mình một kinh tế ổn định để được đưa con đi khắp nơi, trải nghiệm được nhiều điều hay trong cuộc sống. Được sống và học tập tại Mỹ là ước mơ của nhiều người Việt Nam.
Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình mà. Nhưng đối với vợ chồng mình thì lại suy nghĩ khác một chút. Bé còn nhỏ nên vợ chồng muốn con trải nghiệm nhiều hơn với cuộc sống thực tế, được học nhiều ngôn ngữ hơn, được chơi nhiều hơn, được đi nhiều hơn, không bị gò bó trong một môi trường cố định nào cả. Với một đứa trẻ mà dùng lời nói để dạy thì bé sẽ không hiểu hết bằng việc dùng hành động thực tế để dạy, những cái bé thấy là những điều bé sẽ học.
Cuộc sống ở Việt Nam đa màu sắc nên bé sẽ có tư duy tốt hơn khi sống ở Việt Nam. Thỉnh thoảng mình lại cho bé về quê với ông bà để bé thấy được sự lao động vất vả của ông bà ở quê. Bé biết giúp đỡ người khác và biết yêu thương động vật. Sau này lớn lên, bé muốn về Mỹ hay sống ở đâu là tùy vào quyết định của bé thôi!
Hành trình con gái nhỏ đến với gia đình như thế nào, thưa chị?
Con gái đến với vợ chồng mình cũng khá dễ dàng, tụi mình thả một lần là có bầu luôn, mình thậm chí còn nhớ rất rõ cái ngày bé bắt đầu sự sống trong bụng mình luôn ấy. Nhưng lúc mang bầu thì mình nghén ghê lắm, nghén từ tháng đầu cho đến tháng cuối luôn.
Lúc mang bầu chồng ở bên Mỹ, khoảng 2 tháng mới về một lần nên mình cũng tủi thân lắm! Đi khám thai hay đi đâu cũng chỉ có một mình. Đến tháng thứ 8 thì mình thiếu ối nên phải mổ gấp. Anh cũng về kịp để đưa mình đi sinh.
Em bé khỏe mạnh và cũng dễ nuôi, cười suốt nên gia đình lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Con gái đúng là món quà tuyệt với của vợ chồng mình.
Chị cảm thấy con gái sinh ra giống bố hay giống mẹ nhiều hơn?
Con gái giống bố nhiều lắm, đặc biệt là tính cách y chang bố vậy! Bé còn nhỏ nên mình chưa biết ngoại hình bé sau này giống ai chứ tính cách thì mình thấy giống bố quá trời!
Vậy nên chồng mình hay đùa rằng là, mình làm cái gì cũng sai, chỉ có sinh em bé này ra là đúng thôi (cười).
Con gái có chia sẻ với chị về việc con thích sống ở Mỹ hay ở Việt Nam không?
Bé nói bé thích sống ở Việt Nam hơn, thỉnh thoảng về Mỹ chơi, thăm gia đình rồi quay lại Việt Nam. Vì ở Việt Nam bé có nhiều bạn, có nhiều thứ để chơi hơn.
Kết hợp cả hai kiểu giáo dục Mỹ và giáo dục Việt Nam để nuôi dạy con gái
Trong quá trình nuôi dạy con đa văn hoá, chị có gặp trắc trở gì vì bất đồng quan điểm với nhà chồng hoặc chồng?
Thật sự rất may mắn là vợ chồng mình có cùng quan điểm nuôi dạy con nên không gặp trắc trở gì cả.
Anh Major là người bố rất nghiêm khắc, rất ít chiều chuộng con, luôn dạy con theo kiểu người lớn. Khi con làm sai anh sẽ mang con ra một góc nào đó và giải thích cho con hiểu, sau đó dạy con xin lỗi. Vậy nên bé rất nghe lời.
Bố dạy con kiến thức. Còn mẹ sẽ dạy con những công việc của phụ nữ như may vá, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa...
Được biết, công việc của anh và chị ở Mỹ hay Việt Nam đều đang phát triển tốt, với nguồn thu nhập cao như thế thì việc chi tiêu cho con hẳn vợ chồng chị sẽ "mát tay" hơn?
Đúng là việc chi tiêu cho con của vợ chồng mình cũng thoải mái hơn các gia đình khác, nhưng không phải con thích gì cũng mua cho con mà con phải giỏi, phải làm được những việc tốt, phải giúp bố mẹ thì bố mẹ sẽ mua cho con món quà gì đó con thích.
Tùy vào từng việc mà mình sẽ chi cho bé phù hợp để bé không có thói quen lãng phí.
Chị có những nguyên tắc nào trong việc nuôi dạy con gái?
Mình có rất nhiều nguyên tắc trong việc nuôi dạy con. Đạo đức luôn luôn là nguyên tắc hàng đầu mình dạy cho bé, phải luôn biết chào hỏi người lớn và xin lỗi khi làm sai. Mình không bao giờ chiều chuộng con. Những gì mình hứa là mình sẽ làm cho con.
Mình nói chuyện với con rất nhiều. Mỗi việc con làm, mẹ đều sẽ giải thích cho con để con hiểu việc con đang làm có ý nghĩa gì. Cái mình muốn là con luôn phải "tỉnh thức" trong mỗi hành động mà con làm.
Việc kinh doanh ở Mỹ và Việt sẽ vô cùng bận rộn, vậy hai vợ chồng chị cân bằng ra sao để chăm sóc và nuôi dạy con gái chỉnh chu nhất?
Vợ chồng mình đã chia công việc dạy con bằng cách là chồng sẽ là lao động chính. Còn mình sẽ là người dành thời gian cho con nhiều hơn, dạy con nhiều hơn. Khi nào đụng đến những việc cần bố thì bố sẽ tham gia.
Mình sẽ luôn kể cho chồng nghe những lúc con ngoan, và chưa ngoan trước mặt con để cả gia đình cùng tán thưởng hoặc cùng ngồi nói chuyện với nhau để khắc phục những điểm chưa tốt của con.
Như vậy con sẽ không có tâm lý là theo phe mẹ hay phe bố, con phải đối diện với thực tế và bố mẹ sẽ cùng giúp con giải quyết vấn đề. Thỉnh thoảng bố sẽ dành thời gian cho con, dẫn con đi ăn, đi chơi, chạy thể dục và nói chuyện với con.
Trong gia đình đa quốc gia, việc dạy con của chị có gặp khó khăn gì không và vợ chồng chị ưu tiên dạy con ngôn ngữ nào?
Việc dạy con của vợ chồng mình khá dễ dàng vì ông bà hai bên không can thiệp. Vợ chồng mình ưu tiên dạy con cả hai ngôn ngữ Việt và Anh.
Khi Tiếng Việt và Tiếng Anh ổn rồi thì mình sẽ cho bé học thêm một ngôn ngữ khác tùy vào sở thích của con. Việc học sẽ luôn dựa trên sở thích của con, chứ vợ chồng mình không ép con học hành.
Từ nhỏ đến lớn, chị áp dụng nuôi dạy con theo kiểu Mỹ hay truyền thống Việt Nam?
Mình kết hợp cả hai nền văn hóa khi dạy con. Cái nào cần theo truyền thống văn hóa Việt Nam thì mình sẽ áp dụng. Cái nào cần theo kiểu Mỹ thì mình cũng dùng. Cả hai nền văn hóa đều có những cái tốt nên theo mình là không nên áp đặt điều gì vào việc nuôi dạy con.
Phải để con sống theo sở thích của con, và bố mẹ chỉ nên là người chỉ đường cho con đi, quan sát con và hướng dẫn kịp thời cho con để con được phát triển đúng đắn nhất.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!