Họ ngoại nhà em vốn có bệnh máu nóng “gia truyền” nên từ khi sinh bé Bi, em đã rất lo lắng vì sợ con cũng vậy. Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, em luôn cố gắng tham khảo rất nhiều sách báo về chế độ ăn uống của mẹ để tạo được sữa mát cho con. Nhờ vậy mà suốt 5 tháng đầu sau sinh, bé nhà em luôn đi ị đều đặn, phân đẹp màu vàng tươi.
Mọi chuyện chỉ thực sự vất vả khi Bi bắt đầu chuyển qua giai đoạn ăn dặm. Ngày cho con ăn thìa bột ngọt đầu tiên, em hạnh phúc khi bé tỏ ra hợp tác, ăn hết veo 60ml bột. Tuy nhiên từ đó, Bi cũng bắt đầu có những dấu hiệu của táo bón. Ban đầu là những lần rặn ị khó khăn, về sau, có khi mãi 5 ngày liền con mới chịu đi một lần. Dù em đã cố hết sức xi và xoa bụng cho con, Bi vẫn thật khổ sở mỗi khi ngồi ị. Đặc biệt là những ngày nắng nóng như mấy hôm nay càng khiến bé bị mất nước sinh ra táo bón. Nhìn con rặn đến đỏ cả mặt mà em không cầm được nước mắt. Cứ tự trách bản thân mình nuôi con sao vụng quá.
Táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ em (Ảnh minh họa).
Quyết tâm chữa táo bón cho con, em bắt đầu lên mạng 'lùng sục' kinh nghiệm. Ngó đông ngó tây, cuối cùng em cũng tìm được một mẹo dân gian là dùng mật ong thụt cho con. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, vợ chồng em quyết định làm theo.
Sáng hôm đấy đến giờ xi ị, em khệ nệ bê ra bình mật ong rừng bà nội ở quê gửi lên đã từ lâu lắm. Hai vợ chồng cẩn thận dùng đầu tăm bông mềm, nhúng vào chút mật ong pha nước ấm với tỷ lệ 1:3 (1 mật ong; 3 nước) rồi nhẹ nhàng đút sâu vào 'đầu ra' để thụt cho con. Ngạc nhiên thay, sau 5 phút bôi mật ong, Bi bắt đầu đánh hơi rồi đi tiêu dễ dàng. Nhìn con cười toe toét mà cả nhà em thở phào nhẹ nhõm. Vậy là, mật ong đã cứu vợ chồng trẻ chúng em một bàn thua trông thấy.
Đem chuyện tốt khoe với mẹ chồng, mẹ em tủm tỉm nói: "Bà gửi lên vì biết thế nào hai đứa cũng có lúc cần”. Và mẹ ân cần dặn dò rằng không nên quá lạm dụng mật ong thụt cho bé vì lâu dần sẽ khiến bé mất đi phản xạ rặn. Nguyên nhân gây táo bón không phải là do cơ năng mà chủ yếu là bởi chế độ dinh dưỡng: uống ít nước, ăn ít chất xơ, nhiều chất đạm. Có lẽ để phòng tránh triệt để, em nên bắt đầu bằng việc thay đổi thực đơn ăn dặm cho con. Tác động vào “đầu vào” của bé trước bao giờ cũng tốt hơn tác động vào “đầu ra” các mẹ nhỉ?!