Tôi đang lúng túng về cách dạy con. Tôi làm công chức nhưng công việc rất căng thẳng. Chồng tôi đang chờ nghỉ hưu vì anh ấy bị tai biến nên chỉ đi lại trong nhà. Tôi có hai con: bé gái 10 tuổi và bé trai 8 tuổi. Từ đưa đón con đi học đến mọi chuyện trong nhà đều do tôi gánh vác nên tôi rất vất vả. Vất vả quá nên nhiều khi tôi nổi cáu với chồng và hai con.
Tôi dạy con theo kiểu: Chỉ ra cho con thấy những gì có lợi nếu vâng lời bố mẹ. Tôi cũng phân tích rằng bố mẹ là người trưởng thành nên hiểu biết nhiều, bố mẹ muốn tốt cho con nên con cần nghe lời bố mẹ. Thỉnh thoảng tôi cũng cho phép bé bày tỏ quan điểm đối với hành vi của bố mẹ để nếu chưa đúng, tôi và chồng sẽ điều chỉnh.
Tôi dạy các bé dọn nhà cửa nhưng các bé nếu thích thì dọn, không thích thì bày bừa. Mỗi khi chuẩn bị đi học, bé quên hoặc làm mất đồ đạc là tôi la mắng và đánh, dù tôi biết không nên làm thế. Con trai đã hỏi tôi: “Vì sao chúng con quên đồ hoặc làm mất thì mẹ đánh và la mắng, còn mẹ quên và làm mất thì mẹ không tự chửi và đánh mẹ đi?” Có lần con trai tôi nói thẳng: “Mẹ nói mẹ là con hầu là sai rồi. Vậy hằng ngày ai nấu cơm cho mẹ và chúng con ăn, có phải là ba không? Con và chị cũng có dọn nhà phụ mẹ".
Tôi thấy rất khó trong việc làm thế nào để bé trở thành một người tốt. Bé hay tỏ rõ thái độ và nói thẳng (đây là tính cách giống tôi nên trong công việc tôi rất thiệt thòi). Tôi nên dạy bé trai thế nào? Xin cảm ơn quý báo. (Thu)
Ảnh: parentplaypen |
Trả lời
Dạy trẻ em thành người tốt là việc thách đố của nhân loại và mỗi gia đình chúng ta, vì tương lai của loài người và gia đình thuộc về thế hệ trẻ. Vấn đề dạy con là vấn đề khó, thậm chí có người là thầy cô giáo đi dạy học suốt đời vẫn chưa hẳn dạy được con mình, vì thế người xưa nói “dao sắc không gọt được chuôi”. Đặc trưng của dạy trẻ em nói chung là phụ thuộc vào phẩm chất (bẩm sinh) của đứa trẻ và điều kiện gia đình, xã hội, nhà trường và tùy vào lứa tuổi. Không có cách dạy cho tất cả mọi trẻ em mà phải trên cơ sở sinh lý, trí tuệ, tình cảm... cụ thể của đứa trẻ để đưa ra một chương trình dạy nó. Cũng như chữa bệnh, không thể khám bệnh người này để cho thuốc người kia.
Câu chuyện của bạn đã rơi vào sự cá biệt của gia đình và cháu. Việc căng thẳng của bạn nếu không kiểm soát tốt thì nó sẽ trở thành tự phát và vô tình bạn đã hình thành tính cách cho con bạn trong quá trình sống, truyền cảm hứng sang trẻ. Con bạn cũng trở nên bị áp lực không kém bạn.
Mỗi người có một hoàn cảnh và tâm lý, trẻ em chưa định hình tính cách nên luôn luôn tự học với thế giới xung quanh dù muốn hay không muốn. Do tâm lý tìm kiếm mọi sự mới lạ mà trẻ không phân biệt được cái nào là cái cần học và cái nào cần tránh. Việc bạn “nổi cáu với chồng và hai con” sẽ trở thành cách ứng xử của con bạn, vì nó vô tình bắt chước. Con bạn chưa hiểu gì là có lợi và bất lợi bằng sự hiểu biết, nó thấy mẹ làm thế nào thì nó làm theo như thế.
Khi bạn phân tích cho con bạn, cháu có thể ngồi im nghe nhưng nó chưa đủ phân biệt đầy đủ đúng sai mà hoàn toàn suy nghĩ theo cách của nó và sẵn sàng làm ngược lại những điều bạn dạy. Việc bạn cho phép con bày tỏ mà chỉ “thỉnh thoảng” thì đây là một sai lầm. Bạn hãy sẵn sàng nghe con bày tỏ bất cứ lúc nào để hiểu tâm lý của nó, từ đó đưa ra cách thức giáo dục. Thợ đóng giày phải đo được chân người cần đi đôi giày mình đóng cho họ, không ai bắt chân vừa giày cả mà chỉ có thể làm giày vừa chân mà thôi. Trẻ em dễ thích và hay quên vì trẻ chưa có năng lực tập trung “như ông cụ”, vì thế sẵn sàng nhắc trẻ và làm cùng với chúng để tập cho trẻ thói quen ngăn nắp, còn nếu chỉ bắt trẻ dọn dẹp nó sẽ cảm nhận về một sự “tra tấn”.
Trường hợp của bạn phải là một quá trình nghiên cứu và học cách dạy con từ rất nhiều cuốn sách. Trong phạm vi bài báo tư vấn, tôi chỉ có thể nói với bạn là trẻ 8 tuổi luôn bắt chước người lớn, vì thế bạn hãy thận trọng trong cách xử sự của mình với trẻ và cả những người xung quanh thì đó là cách dạy con hay nhất.
Chúc bạn thành công.
GS.TS. Vũ Gia Hiền