Cha ông ta thường dạy: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Câu nói này ngụ ý rằng, vẻ bề ngoài cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá một con người. Trong đó, cách ăn mặc, lựa chọn trang phục phù hợp là vấn đề mà bố mẹ cần dạy trẻ từ sớm.
Đặc biệt, trong môi trường lớp học thì việc trẻ có ý thức lựa chọn trang phục thời trang, nhưng vẫn phù hợp sẽ giúp trẻ tạo được cái nhìn thiện cảm từ bạn bè. Bởi vì, trường học như một xã hội thu nhỏ, nơi không chỉ dung nạp cho trẻ những kiến thức bổ ích mà còn là nơi tương tác, giao tiếp để trẻ có thể mở rộng mối quan hệ của mình.
Tử Văn (sống ở Trung Quốc) có cô con gái tên là Trân Trân. Vì gia đình khá giả nên Trân Trân được mẹ cho theo học tại một ngôi trường danh tiếng và được xếp vào hàng cao cấp hơn so với các trường bình thường khác trong thành phố. Để phụ huynh tiện theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của trẻ ở trường, trường học của Trân Trân đã thiết lập một tính năng đặc biệt. Thông qua màn hình điện thoại, mỗi phụ huynh đều có thể quan sát được mọi “nhất cử nhất động” của trẻ.
Tình cờ, chị Tử Văn đang xem video trực tiếp từ nhà trường và thấy Trân Trân chơi một mình, cô bé dường như đang bị bạn bè cô lập. Chị Tử Văn cảm thấy tức giận nên sau đó đã đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm của Trân Trân để chất vấn, nhưng lại nhận được câu trả lời: “Trân Trân nhà chị ăn mặc như thế này, ai mà dám lại gần”. Và sự thật là, chính cha mẹ của các bạn học trong lớp đã giáo dục con cái của họ không được đến gần Trân Trân.
Lý giải cho tình huống này, đó là do trước đây đã xảy ra một chuyện rằng, vào một ngày khi Trân Trân diện một chiếc áo hàng hiệu có giá trị rất lớn đến lớp học và cô bé ngồi bàn bên cạnh đã vô tình làm bắn mực lên chiếc áo đó. Lúc biết chuyện, chị Tử Văn đã không hề tỏ thái độ tha thứ mà ngược lại, gây khó dễ và nhất quyết muốn bố mẹ cô bé kia phải bồi thường. Cuối cùng, bố mẹ cô bé kia đã phải tìm kiếm một chiếc áo tương tự để đền bù cho Trân Trân. Sau vụ việc đó, các bậc phụ huynh trong lớp đã dạy con cái của họ tránh xa Trân Trân, để tránh gây ra lỗi rồi không có đủ khả năng bồi thường.
Trên thực tế, đây không phải là một câu chuyện hiếm hoi. Bởi vì nó cũng đã xảy ra khá nhiều trong các trường học. Hầu hết các gia đình có điều kiện đều rất đầu tư cho con cái của họ trong vấn đề ăn diện, ngoại hình hàng ngày. Quần áo của trẻ đều là những món hàng hiệu, xa xỉ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý những vấn đề sau trong cách giáo dục trẻ việc lựa chọn trang phục hàng ngày.
Lựa chọn trang phục phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh
Nếu gia đình có điều kiện, bố mẹ hoàn toàn có thể sắm sửa những bộ đồ hàng hiệu cho trẻ mặc. Tuy nhiên, bố mẹ nên dạy trẻ ý thức được vấn đề lựa chọn trang phục phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh. Để tránh biến những đứa trẻ trở thành những “ông cụ” và “bà cụ”, khiến cho chúng đánh mất đi sự hồn nhiên, đáng yêu vốn có của lứa tuổi thiếu nhi thì bố mẹ đừng nên “đắp” lên người đứa trẻ những bộ trang phục “quá lố”.
Ngoài ra, trẻ nhỏ hoàn toàn không có khái niệm về giá cả. Dù là đứa trẻ may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có hay bình thường thì chúng đều đang ở độ tuổi hiếu động. Trong quá trình vui chơi, chạy nhảy sẽ vô tình để xảy ra một số vấn đề rắc rối, khiến cho trang phục không được “vẹn nguyên” như hình dạng ban đầu.
Vì thế, bố mẹ cần cân nhắc cho trẻ diện những bộ đồ phù hợp với ngữ cảnh thay vì phải luôn luôn muốn trẻ khoác lên người những bộ cánh "xịn xò".
Trong một môi trường tập thể, đặc biệt là trường học, nếu một đứa trẻ có cách ăn diện quá khác lạ so với số đông thì điều này có thể vô tình trở thành bất lợi cho trẻ. Bởi vì những người bạn khác sẽ cảm thấy “không cùng đẳng cấp” để chơi cùng. Từ đó, mối quan hệ của trẻ có thể bị ảnh hưởng. Vậy nên, cách tốt nhất là bố mẹ nên dạy trẻ cách ăn mặc sao cho phù hợp, đừng biến chúng trở thành “độc nhất” nhưng lại trưởng thành trong sự “cô độc”.
Ăn mặc phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh, trẻ sẽ tạo được thiện cảm từ mọi người xung quanh.
Không đeo quá nhiều trang sức
Trang sức là phụ kiện góp phần làm tăng sức hút cho những bộ trang phục của trẻ. Tuy nhiên bố mẹ không nên dạy trẻ lạm dụng nó quá nhiều. Điều này có thể khiến trẻ gặp một số rắc rối, đặc biệt là những loại trang sức có giá trị cao như vòng cổ, lách tay, bông tai…
Đối với trẻ từ 1-3 tuổi, chúng hoàn toàn chưa đủ nhận thức về mọi thứ xung quanh. Vì vậy trong quá trình vui chơi, những đồ trang sức trên người trẻ có thể khiến chúng bị thương. Trên thực tế, đã không ít những trường hợp trẻ bị ngạt thở do nuốt phải những dị vật cứng từ trang sức đeo trên người.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường có độ cảnh giác rất thấp. Vì vậy, chúng có thể gặp nguy hiểm nếu bị những người xấu lợi dụng để cướp đoạt, lừa lọc lấy những đồ trang sức đắt tiền đeo trên người.
Đeo quá nhiều trang sức trên người trẻ nhỏ, trẻ có thể gặp nguy hiểm mà bố mẹ đôi khi không kiểm soát được.
Ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ
So với việc mặc đẹp thì ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng lại khiến trẻ thu hút được cái nhìn thiện cảm từ mọi người xung quanh. Trẻ có thể không cần diện những bộ quần áo xa xỉ, ngược lại nếu đồ bình thường nhưng sạch sẽ thì bố mẹ nên khuyến khích.
Việc trẻ được giáo dục cách chi tiêu hợp lý cho vẻ bề ngoài sẽ giúp trẻ hình thành tính cách tốt trong tương lai. Mặc dù nhiều đứa trẻ chưa nhận diện được giá cả hay thương hiệu quần áo mình mặc, nhưng chúng hoàn toàn phân biệt được quần áo sạch và bẩn.
Vì vậy, để trẻ thoải mái học tập và vui chơi cùng bạn bè, bố mẹ nên chú trọng cho vẻ bề ngoài của trẻ được sạch sẽ và tươm tất nhất.
Trẻ sẽ trở nên tự tin và thoải mái hơn khi được diện những bộ trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Đây là một thói quen có thể hình thành tính cách tốt trong tương lai.