Sau khi đưa con gái từ phòng Tham vấn tâm lý trở về mà lòng tôi tê tái. 29 tuổi lập gia đình, mãi 2 năm sau tôi mới sinh bé Na. Con rất bụ bẫm và đáng yêu, là niềm hạnh phúc của cả 2 vợ chồng tôi. Trong suốt quá trình nuôi dạy con từ lúc con còn nhỏ cho đến khi vào lớp 1, tôi luôn là một bà mẹ chỉn chu, hết lòng chăm sóc con theo đúng mô típ của một bà mẹ trẻ hiện đại, năng động.
Tôi hiện là giảng viên ở một trường đại học ngoại ngữ, cách chăm sóc con của tôi cũng “cởi mở” và tiến bộ hơn với thế hệ các mẹ, các bà trước đó. Bản thân chồng tôi là cán bộ sở thuế hay phải đi công tác xa nhà nhưng hoàn toàn yên tâm về việc nuôi dạy con, chăm lo việc nhà cửa của vợ.
Tôi vẫn luôn tự hào với bạn bè và họ hàng nội ngoại hai bên rằng có một cô công chúa tuyệt vời. Tất cả tình yêu và mối bận tâm của tôi lúc nào cũng chỉ dành cho con nên mãi sau này tôi vẫn chưa muốn sinh bé thứ 2 mặc dù ai cũng hối thúc bảo “ tranh thủ đi thôi”. Bé Na giờ lớn rồi, vợ chồng tôi cũng ngày một nhiều tuổi hơn, kinh tế thì không phải bận tâm như nhiều gia đình khác thì chần chừ gì mà không sinh thêm để bé Na có chị có em.
Tôi giành hết tâm trí và tình cảm của mình cho con (Ảnh minh họa)
Biết là mọi người quan tâm, yêu thương mình thì giục giã như vậy nhưng bản thân tôi lại có quan điểm hạnh phúc gia đình không phải là nhiều hay ít con mà quan trọng nuôi dưỡng con như thế nào cho tốt. Thêm nữa, khi bé Na vào lớp 1 thì tôi cũng bắt đầu học nghiên cứu sinh nên quỹ thời gian dành cho chuyện nhà cửa, con cái, thậm chí là phút làm đẹp của bản thân cũng trở nên eo hẹp vô cùng.
Có thể mọi người cho rằng tôi ích kỷ, muốn tiến thân này nọ nhưng thực lòng mà nói tôi cho rằng người phụ nữ cần phải phấn đấu khi còn có thể, tôi học đâu phải chỉ dành cho tôi, tôi học còn là để dạy con mình, để sau này con có thể tự hào về một người mẹ.
Khi Na được 8 tuổi tôi mới quyết đinh sinh bé thứ 2, đây chính là thời điểm tôi bắt đầu nhận thấy con gái có nhiều biểu hiện khác trước rất nhiều. Tôi chưa bao giờ gây sức ép cho con về chuyện học hành và luôn nói với con: con hãy khiến việc học của con thành một niềm vui, mẹ không cần con phải đạt thành tích cao, đứng đầu lớp… Và hơn cả mong đợi của tôi, Na luôn nằm trong top 5 của lớp nhưng giờ thì mọi chuyện khác hẳn.
Tôi không còn thấy con cần mẫn, chăm chỉ giải toán đố nâng cao, cũng không thấy con hào hứng với việc học nữa, con mất đi sự tập trung vốn có. Tôi nhìn con uể oải, mỏi mệt nên hỏi chuyện học hành ở lớp, chuyện bạn bè, xem con có khó ở trong người chỗ nào không, con trả lời mẹ bằng giọng cụt lủn và hờn dỗi: “ Con không sao hết, mẹ lo cho thằng Cún của mẹ ý”.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng của bé Na, nhưng đúng lúc đó, con nhỏ lại khóc đòi sữa nên tôi lại tất tưởi chạy lại bế bồng. Một lần, hai lần như vậy và cho đến một hôm cô giáo gọi điện cho tôi thông báo “Na đánh bạn ở lớp”. Tôi đã bàng hoàng và sốc thực sự trước tin báo ấy, tôi lật đật gửi con lại rồi phi thẳng đến trường.
Nhìn bộ dạng của bé Na lúc đó tôi chỉ còn biết ôm chầm lấy con và khóc. Sau khi đưa con về nhà, tôi để cho con bình tĩnh rồi bắt đầu hỏi chuyện một cách nhẹ nhàng thì bé bắt đầu gầm hét lên, lấy tay đập phá đồ đạc xung quanh và khóc nấc. Tôi đã vô cùng sợ hãi vừa lao vào giữ chặt lấy con, vừa hô hoán mọi người trong nhà trợ giúp.
Sau nhiều lần cân nhắc tôi đã đưa con đến Phòng tham vấn trị liệu tâm lý. Tôi đã suýt ngất sau khi nghe những phân tích và chẩn đoán từ chuyên gia. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết những chuyện con kể cho bác sĩ nghe.
Con bắt đầu lớn, tôi ý tứ để con nằm trong thay vì nằm giữa gần bố thì con buộc tội tôi cho rằng tôi ghét bỏ con, muốn tách con ra khỏi bố. Tôi nhờ dì đưa con đi chơi thì con bảo là tôi thù ghét con, muốn bỏ mặc con để ở nhà chơi với em bé. Tôi nói với con về việc không cần học giỏi, con lại nghĩ là tôi nói dối chứ thật ra tôi muốn con học giỏi để đi khoe khoang với mọi người vì tôi sĩ diện…. Và cuối cùng con thốt lên rằng: con ghét mẹ lắm, con ghét cả em bé của mẹ vì lúc nào mẹ cũng chỉ có quanh quẩn với em bé, chỉ nhìn con bằng nửa con mắt.
Tôi gần như ngất khi nghe kể lại những gì con nói với bác sĩ (Ảnh minh hoa)
Con đã được tham vấn điều trị được 4 buổi rồi, cũng có những dấu hiệu tiển triển hơn, nhưng thú thật với các mẹ, tôi vẫn thấy xót xa, đau đớn và cũng luôn thắc mắc tại sao con tôi lại trở thành một đứa trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Tôi đã ngồi khóc thầm không biết bao lần, tự vấn chính bản thân mình đã cư xử sai lầm ở đâu để khiến con tôi ra nông nỗi này.
Tôi biết, với sự hỗ trợ, động viên của tôi và mọi người trong gia đình thì con cũng sớm ổn định nhưng con đã gần 10 tuổi rồi, con không phải còn quá nhỏ để quên đi tất cả mọi chuyện đã xảy ra, liệu rằng đây có phải là vết sẹo lòng để tạo nên khoảng cách giữa hai mẹ con tôi sau này? Tôi đã rất đắn đo và quyết định viết ra những dòng này để tâm sự cùng các mẹ, mong các mẹ có thể chia sẻ và cho tôi lời khuyên.