Sắp tới phải chuẩn bị cho Bu đi học nhưng mình đã phần nào yên tâm vì không lo con bỡ ngỡ. Do ở nhà Bu đã làm quen với rất nhiều khái niệm liên quan đến toán học rồi nên khi tiếp xúc với môn này con chắc sẽ học nhanh thôi. Việc của mình bây giờ chỉ là sắp xếp quần áo, sách vở để con chỉn chu đến trường, còn kiến thức của con thì mình khá tự tin vào bé. Các mẹ biết không, tuy chưa biết chữ nhưng Bu lại rất nhanh nhẹn trong việc tính toán đấy. Đó là nhờ mình đã sớm dạy con từ khi bé tí để Bu phát triển tư duy. Vậy nên bây giờ đầu óc Bu cực kì nhanh nhậy chứ không hề "ù lì" chút nào. Mình không khoe đâu, nhưng thấy con như vậy mình cũng mừng lắm! Ai cũng nói khi Bu đi học chắc sẽ tiếp thu bài rất nhanh thôi, vì bây giờ nếu đem một cuốn bài tập toán của lớp 1 ra "đố", con sẽ ngay lập tức trả lời một cách "ngon lành". Quả là mình đã không sai khi dạy con học toán từ sớm.
Nhưng các mẹ đừng vội trách mình là chưa gì đã ép con học hành mà không để cho bé chơi nhé. Thực ra, cách dạy con của mình chẳng cần đụng đến sách vở tí nào. Bé được học mà không hề biết là đang học đâu, vì mình chỉ cố gắng tạo ra những "trò chơi toán học" từ dễ đến khó, từ những khái niệm đơn giản nhất nhưng lại khiến trí não của con dần dần được phát triển. Tuy mình không nặng nề chuyện thành tích hay kết quả học tập cao thấp, nhưng thấy con mỗi ngày không chỉ nhạy bén hơn với những con số, mà trong cách giải quyết vấn đề khác nữa khiến mình rất tự hào.
Dạy con học qua những trò chơi đơn giản. (Ảnh minh họa)
Các mẹ biết không, ép con phải "dùi mài" sớm thì không tốt chút nào, nhưng để con tiếp cận một cách tự nhiên với môn toán là điều rất có lợi đấy. Mình chia sẻ vài điều về cách dạy con của mình để các mẹ cùng tham khảo nhé!
- Giúp con làm quen với những khái niệm căn bản
Khi Bu mới bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh, mình đã chỉ có con hiểu được các khái niệm cơ bản nhất về sự vật, hiện tượng và mô tả thế nào cho đúng. Chẳng hạn, khi cho Bu ăn bánh, mình giải thích với con đâu là chiếc bánh to, đâu là chiếc nhỏ hơn. Rồi cái ghế nào cao, cái nào thấp, ly nước nào to, ly nào thì nhỏ hơn,...Dần dần, con đã có thể phân biệt rất rõ ràng các khái niệm đó, không chỉ vậy, Bu thường xuyên tự hỏi mẹ về những điều bé đang thắc mắc. Đó là khi mình biết bé đang bắt đầu tư duy.
- Dạy con tập đếm có ý nghĩa
Không phải là 2 mẹ con ngồi "học thuộc lòng" từ 1 đến 10, rồi từ 10 đến 100 và hơn thế nữa nhưng con... chẳng hiểu gì. Mình thường cùng con đếm những món đồ chơi mà bé có, chẳng hạn vừa cất ô tô vào giỏ, vừa đếm xem có bao nhiêu chiếc. Mình thường bắt đầu từ những số rất nhỏ, như đếm khoảng 2 - 3 chiếc ô tô, gấu bông trước, rồi mới tăng số lượng lên. Như thế, ngay từ đầu con đã hiểu được giá trị thực sự của số đếm là bao nhiêu, thay vì chỉ ngồi học vẹt.
- Biết thế nào là "tổng"
Mỗi khi cho con 1 ít kẹo, mình thường chia đôi số đó và bảo rằng 1 phần của Bu, 1 phần của mẹ. Sau đó mình rủ con cùng đếm xem mỗi người có bao nhiêu chiếc. Tiếp theo, mình cho con thêm 1 chiếc kẹo và bảo bé đếm lại xem mình có bao nhiêu chiếc. Mình lặp lại như thế nhiều lần, và gợi mở con bằng những câu hỏi như: "Bu có 3 chiếc kẹo, mẹ cho thêm một cái thì con có bao nhiêu? Mẹ cho thêm 2 kẹo thì Bu có bao nhiêu chiếc,..." Theo cách đó, con dần dần nắm được khái niệm về tổng số mà không cần phải giải thích một cách "khoa học" và khó hiểu.
Bước tiếp theo, mình sẽ nhờ Bu đếm số kẹo của mẹ mỗi khi bớt đi 1 chiếc để cho Bu. Cuối cùng, mình mở rộng phạm vi của phép cộng, phép trừ đó ra bằng phép thêm bớt đồ vật trong một tập hợp. Kiểu "Bu có 10 chiếc kẹo, mẹ cho thêm 2 chiếc nhưng con lại ăn mất 3 chiếc rồi thì giờ còn bao nhiêu?" Lúc đầu, con sẽ tỏ ra bỡ ngỡ vì không biết giải quyết thế nào, nhưng mình hướng dẫn con từng bước 1 bằng cách cùng nhau đếm số kẹo đó. Dần dà, các khái niệm về cộng, trừ,... sẽ đi dần vào đầu con một cách tự nhiên như thế. Mẹ sẽ thấy bé nhớ cực kì lâu đấy.
- Dạy con phân loại đối tượng
Cho bé cùng vào bếp và "rủ" hoặc nhờ con xếp riêng những loại thức ăn khác nhau vào các ngăn khác nhau để mẹ cất vào tủ lạnh. Bé sẽ biết cách xếp tất cả những quả cà chua vào một ngăn, táo một ngăn và những cây cải xanh vào một ngăn khác. Làm như thế để giúp bé tăng khả năng nhận biết các đồ vật đồng dạng hoặc có cùng đặc tính. Mẹ có thể cùng bé chơi rất nhiều các trò khác tương tự, như phân loại đồ chơi bằng cách cho những chiếc ô tô vào 1 giỏ, và cho những con gấu bông sang giỏi khác,...
Những "trò chơi toán học" giúp con phát triển tư duy. (Ảnh minh họa)
- So sánh, ước tính và đo lường
Mình thường xuyên đặt 2 đồ vật có sự chênh lệch rõ rệt trước mặt con rồi hướng dẫn bé dùng các mẫu câu so sánh, chẳng hạn: Đôi giày của bố to hơn giày của Bu, cuốn sách của bố nặng hơn sách của Bu,... Sau đó, mình tăng dần số lượng các đồ vật lên để con so sánh và sắp xếp theo thứ tự tính chất tăng/giảm dần. Ví dụ: Giày của bố to nhất, sau đó đến giày của mẹ và cuối cùng mới đến giày của Bu. Nhờ thế mà con có khả năng so sánh rất tốt và chính xác.
Mình tiếp tục cho con chơi những trò kích thích khả năng phán đoán của bé, bằng cách ước tính một số đồ vật. Ví dụ như: "Đố Bu biết trong giỏ này có bao nhiêu quả táo? Con đoán xem trong tủ kia có bao nhiêu con búp bê nào?..." Lúc đầu, mẹ sẽ thấy bé có những câu trả lời với con số "ngoài sức tưởng tượng". Nhưng đừng vội thất vọng, ngay sau đó mẹ hãy cùng bé đếm lại số lượng thực sự. Những lần sau, con sẽ dần đưa ra được những con số gần đúng hơn rất nhiều, nhờ khả năng ước lượng đã "lên level".
Khi bé đã thành thạo những khái niệm trên, là lúc mẹ có thể "nâng cao" bài học thêm với bài toán đo lường. Hãy bắt đầu với một cây thước kẻ, rồi hướng dẫn bé đo và đánh dấu xem sáng nay con đã uống được bao nhiêu sữa, và buổi chiều tăng hay giảm bao nhiêu,...
Với những "trò chơi toán học" hết sức đơn giản, thú vị và không cần "cày" với sách vở như trên, bé sẽ được "chơi mà học" và phát triển tư duy đáng kể. Đó là cách mình giúp Bu có đầu óc nhạy bén hơn rất nhiều, và mình tin bé sẽ tiếp thu tốt những bài học ở trường, đặc biệt là môn toán.