Trẻ ốm vặt là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khi con ở độ tuổi đến trường. Điều này không chỉ khiến bố mẹ mất tiền bạc, thời gian và công sức mà còn khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng nhiều về thể chất, trí lực. Cũng chính vì điều này mà mới đây, một cặp cha mẹ nổi tiếng ở Trung Quốc đã có quyết định táo bạo gây xôn xao mạng xã hội, đồng thời cũng nhận về nhiều tranh cãi.
Cặp bố mẹ này là anh Yang Wei - nhà vô địch Olympic và chị Yang Yun. Được biết, Yang Wei là vận động viên toàn năng, cái tên được nhiều người ghi nhớ. Tuy nhiên sau khi nghỉ hưu và có một khối tài sản vừa đủ, Yang Wei cùng vợ và 3 con trở về Hồ Bắc lập nghiệp và dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn.
Mới đây, ông bố gây xôn xao khi đăng tải một đoạn video chia sẻ về việc đã cho con nghỉ đến trường và tự học ở nhà dưới sự sắp xếp của bố mẹ.
Cụ thể, Yang Wei cho biết vào năm ngoái, 2 cô con gái sinh đôi của anh bị ốm 3 lần liên tiếp rất nghiêm trọng khi đi học ở trường. Chính vì thế cả hai vợ chồng bàn nhau và đi đến quyết định cho các con thôi học lớp 1 tại trường. Thay vào đó sẽ thuê gia sư, giáo viên để dạy các con ở nhà và kết quả rất tốt.
Theo đó sẽ có nhiều giáo viên khác nhau chịu trách nhiệm dạy các con các môn khác nhau. Mẹ của bọn trẻ - chị Yang Yun sẽ trở thành "hiệu trưởng" và đích thân lên kế hoạch giảng dạy cũng như thời gian biểu riêng cho các con. Có thể thấy, lịch học của hai bé buổi chiều không có tiết văn hóa, các bé chỉ có hai ngày thứ Hai và thứ Năm để học tiếng Trung và hai ngày học toán, buổi chiều các bé sẽ học thể dục. Và cũng vì Yang Wei và Yang Yun đều là vận động viên nên sẽ ưu tiên việc rèn luyện thể chất cho các con hơn.
Vợ chồng Yang Wei ưu tiên cho con học hoạt động thể chất.
Lớp học diễn ra ở công ty của Yang Wei.
Giáo viên giảng dạy dưới sự giám sát của bố mẹ.
Yang Wei cũng trực tiếp kiểm tra việc học của các con.
Lớp học cho hai đứa trẻ được tổ chức tại văn phòng của công ty bố Yang Wei, mỗi ngày có 1-2 buổi dạy kèm riêng do mẹ lũ trẻ giám sát.
Bậc cha mẹ cho rằng việc này đem lại hiệu quả học tập rất tốt, rằng giáo viên chỉ phải đối mặt với 2 học sinh và có phụ huynh giám sát nên hai đứa trẻ cũng học nhanh hơn, giáo viên không phải thúc giục.
Không chỉ vậy, bản thân Yang Wei và Yang Yun là phụ huynh cũng cảm thấy bớt lo lắng hơn nhiều so với việc cho con đi học ở trường như trước kia. “Tôi từng bị tấn công bởi vô số tin nhắn trong nhóm phụ huynh, nhưng giờ trong nhóm phụ huynh chỉ có 3 người và các tin nhắn chỉ chứa nội dung, thông điệp ngắn gọn về hai đứa trẻ" - ông bố nói.
Yang Wei cũng đề cập, trước đây anh luôn lo lắng hai đứa con của mình sẽ bị nhiễm các loại virus khác nhau ở bên ngoài, thỉnh thoảng về nhà sẽ bị cảm lạnh, giờ đây thì không còn lo lắng vấn đề này nữa.
Đoạn video sau khi được chia sẻ đã tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa những cư dân mạng.
Cặp bố mẹ có nhiều thời gian bên con, cho con đi du lịch hơn.
Một số phụ huynh thích phương pháp này và cho rằng nó giúp con họ đỡ phải hoàn thành nhiều bài tập về nhà do nhà trường giao, đồng thời cho phép con họ được dạy kèm riêng chất lượng cao hơn và có đủ thời gian để rèn luyện thể chất.
Tuy nhiên số khác đặt câu hỏi liệu họ có thể kiên trì như thế này được bao lâu, lo ngại việc không đến trường sẽ ảnh hưởng đến việc con họ tham gia các hoạt động tập thể và gây bất lợi cho việc trau dồi các kỹ năng xã hội của con mình.
Bên cạnh đó, dù Yang Wei không nói đến chi phí nhưng nhiều người tin rằng số tiền mà bố mẹ bỏ ra để cho con học kiểu này không phải nhỏ và chỉ có những gia đình có điều kiện, đại gia như nhà nam vận động viên mới đủ điều kiện trang trải.
Trước nhiều ý kiến trái nhiều, Yang Wei cho biết ông không khuyến khích mọi người làm theo mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm trau dồi khả năng học tập của trẻ, khi trẻ bình phục sẽ quay trở lại trường học. Nói cách khác, Yang Wei cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, như nhiều cư dân mạng nhận định, trường học là một “xã hội thu nhỏ”, khi chúng ta cho con đi học, ngoài việc học văn hóa, các em cũng sẽ được trải nghiệm, thấy được nhiều điều. Nếu cha mẹ chỉ coi trọng việc học, hoặc ngăn cản con tiếp xúc với “xã hội nhỏ” này với danh nghĩa bảo vệ con cái thì sau này con cái sẽ khó hòa nhập vào “xã hội lớn”.
Chúng ta thường nói rằng mục đích nuôi dạy con cái là đào tạo chúng thành những người có những khả năng nhất định để thích ứng với xã hội. Khi lớn lên, cuối cùng chúng sẽ rời xa bố mẹ, không còn học nữa và học cách sống tự lập. Nếu trong quá trình trưởng thành, chúng ta thay đổi hoặc nén lại quá trình học hỏi và trưởng thành không ngừng của chúng do một số lo lắng thì rất có thể “món nợ” lúc này sẽ được trả lại dưới hình thức khác một ngày nào đó.
Ngoài ra, lý do mà ông bố trên thực hiện phương pháp cho con học tại nhà chỉ đơn giản vì lo con ốm cũng không được nhiều người đồng thuận. Bởi có một thực tế mà ai cũng phải biết rằng mặc dù khả năng mắc bệnh của trẻ trong cuộc sống tập thể tăng lên nhưng khả năng miễn dịch của chúng cũng sẽ tăng theo. Nếu sợ ốm mà không đi học thì thật đáng tiếc cho đứa trẻ.