Khi con chuẩn bị bước vào giai đoạn “chuyển giao” giữa trẻ nhỏ và người lớn, hầu hết các bậc bố mẹ đều cảm thấy lo lắng và bất an. Bởi vì ở tuổi này, trẻ sẽ có sự thay đổi nhanh chóng, không chỉ về thể chất, mà còn rõ ràng hơn ở đặc điểm giới tính và tâm sinh lý.
Nhiều ông bố bà mẹ đã tìm mọi cách để theo dõi, thậm chí là kiểm soát trẻ, không để trẻ rời khỏi “tầm mắt” của mình. Đặc biệt là với bé gái, bố mẹ lại càng có những biện pháp khắt khe hơn để bảo vệ con khỏi những “mối nguy” không thể lường trước ở độ tuổi nổi loạn này.
Gia đình anh Chu sống ở Trung Quốc, có cô con gái năm nay 11 tuổi, đang học tiểu học. Cô bé có thành tích học tập rất tốt, là niềm tự hào của vợ chồng anh. Nhưng vì tính chất công việc bận rộn, đi sớm về khuya, thường xuyên vắng nhà nên anh và vợ không có nhiều thời gian dành cho con.
Anh Chu cảm thấy không an tâm khi để con ở nhà một mình, nên đã lắp một chiếc camera trong phòng khách để có thể tiện theo dõi con từ xa. Bên cạnh việc giám sát “nhất cử nhất động” của con, đặc biệt là việc học tập thì camera còn là “trợ thủ” đắt lực để anh có thể phần nào đảm bảo sự an toàn cho con gái.
Gần đây, vì công việc có phần nhàn rỗi hơn nên anh thường xuyên cầm điện thoại để xem con gái đang làm gì. Nhưng thật bất ngờ, những hình ảnh, video được camera ghi lại đã khiến cho anh Chu phải giật điếng người.
Nguyên nhân là do anh đã nhìn thấy cô con gái của mình để cho cậu bạn là con trai có cử chỉ thân mật quá trớn, khi cô bé rủ cậu bạn về nhà để cùng làm bài tập. Cụ thể là, cậu bạn đã khoác vai cô bé và cả hai cùng nằm trên ghế sofa để nghịch điện thoại.
Con gái của anh Chu và bạn nam vô tư nằm sát nhau nghịch điện thoại. (Ảnh cắt từ video)
Tại thời điểm nhìn thấy hình ảnh này, anh Chu đã nhất thời không biết phải xử lý như thế nào nên lập tức gọi điện ngay cho vợ, vợ anh đã lựa chọn sẽ nói chuyện với con vào buổi tối.
Đến khi về nhà, anh Chu lập tức hỏi con gái về vấn đề đã xảy ra, nhưng nhận được là câu trả lời hết sức bình thản của con: “Vì ở nhà một mình chán nên con rủ bạn qua nhà để cùng nhau làm bài tập. Sau đó, tụi con nghỉ ngơi và cùng nằm trên sofa chơi game”.
Cô bé không hề đề cập đến hành động thân mật mà cậu bạn trai dành cho mình. Bởi vì với sự ngây thơ của mình, cô bé hoàn toàn không xem đó là một “vấn đề quan trọng”.
Sau một hồi suy nghĩ, anh Chu đã quyết định không la mắng con mà nhẹ nhàng khuyên bảo. Cuối cùng, đôi dòng tâm sự của bố đã giúp cô bé hiểu ra vấn đề và tự xem xét lại hành vi của bản thân, từ đó đưa ra lời hứa sẽ thận trọng hơn trong các mối quan hệ với bạn bè khác giới.
Trên thực tế, cũng có nhiều đứa trẻ thực sự không đặt quá nhiều “quy tắc” mà vô tư thể hiện hành động. Nhưng với sự lo lắng mà hầu hết ông bố bà mẹ dành cho con vào độ tuổi dậy thì này, bố mẹ thường sẽ “nghĩ nhiều” và có cái nhìn “đánh giá” sâu sắc, chính chắn hơn.
Tuy nhiên mức độ nhạy cảm của trẻ ở độ tuổi dậy thì thường tăng cao, vì thế không phải cứ dùng biện pháp “khắt khe” thì bố mẹ có thể “quản” được con.
Các chuyên gia cho rằng, sự “mềm mỏng” với phương pháp giáo dục phù hợp và đúng đắn mới là “liều thuốc” tốt nhất dành cho lứa tuổi dễ “nổi loạn” này. Nếu muốn “làm bạn” với con ở tuổi dậy thì, nuôi dạy con thông minh và tình cảm, bố mẹ đừng bỏ qua những cách sau.
Con gái và con trai khác nhau
Nhận thức của trẻ ở độ tuổi dậy thì còn khá non nớt. Vì vậy, con sẽ không hiểu được những kiến thức về giới tính nếu không được bố mẹ giáo dục, hướng dẫn. Quan điểm đợi con đủ lớn, đủ trưởng thành sẽ tự hiểu là một quan điểm hết sức sai lầm của nhiều bậc phụ huynh.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, bố mẹ nên dành thời gian để dạy con về giới tính, thay vì ngần ngại khi phải đề cập đến những vấn đề nhạy cảm.
Ngoài ra, ở độ tuổi này thì tính tò mò của trẻ sẽ càng được phát huy mạnh. Vì thế, bố mẹ cần trò chuyện cùng trẻ, để trẻ hiểu được sự khác nhau giữa con trai và con gái. Khi trẻ có được sự trang bị kỹ càng về kiến thức và kỹ năng, trẻ sẽ khôn khéo hơn trong việc giao tiếp hay ứng xử với bạn khác giới.
Đồng thời trẻ cũng sẽ tránh được những hành vi vượt quá giới hạn không cho phép. Bố mẹ nhờ vậy mà cũng sẽ tự tin hơn, an tâm hơn khi cho con tham gia các hoạt động tập thể cùng bạn.
Thêm vào đó, khi trẻ đến độ tuổi dậy thì, bố mẹ nên tạo cho trẻ không gian riêng. Đôi khi vì yêu thương con mà nhiều bố mẹ luôn để con ngủ cùng, dù bé đã lớn.
Điều này vô tình gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Bố mẹ khác giới nên cẩn trọng hơn khi thể hiện những cử chỉ thân mật với con, các chuyên gia khuyên rằng việc giữ khoảng cách thích hợp là thực sự cần thiết.
Bố mẹ nên dành thời gian để dạy con về giới tính, biết được sự khác biệt giữa con trai và con gái.
Hãy mềm mỏng, đừng khắt khe
Việc la mắng, đánh đập trẻ ở độ tuổi dậy thì là một điều “cấm kỵ” nếu bố mẹ không muốn "hủy hoại" con. Bố mẹ thông minh không dạy con trong sự mạnh bạo, giận dữ mà sẽ dạy con trong sự nhẹ nhàng, khéo léo.
Bởi vì la mắng hay đánh đập, sẽ chỉ càng khiến cho những đứa trẻ càng thêm chống đối và phản kháng quyết liệt. Đặc biệt, cái tôi của trẻ ở độ tuổi này thường vô cùng nhạy cảm. Nếu bố mẹ khiến trẻ tổn thương, tính khí của trẻ sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, như trở nên lầm lì, cộc cằn, khó tính,...
Bố mẹ cần tạo cơ hội để trẻ khắc phục sai lầm, thay vì sử dụng những biện pháp quá khắt khe để răn đe trẻ. Bởi vì sự thất thường ở độ tuổi dậy thì rất khó để bố mẹ dạy bảo, nên bố mẹ cần phải thể hiện sự tôn trọng dành cho trẻ.
Đồng thời, không nên kiểm soát con quá mức, dẫn đến việc trẻ không cảm nhận được sự riêng tư để bộc lộ hết cá tính của mình. Thay vì cấm đoán con một cách vô lý và áp đặt tư tưởng của bố mẹ lên con, hãy để con phát triển theo những gì con mong muốn.
Bố mẹ cần tạo cơ hội để trẻ khắc phục sai lầm, thay vì sử dụng những biện pháp quá khắt khe để răn đe trẻ.
Lắng nghe và chia sẻ
Nếu có thể “làm bạn” của con trên hành trình phát triển ở độ tuổi dậy thì, đó là một niềm hạnh phúc và thành công của mỗi ông bố, bà mẹ. Thực tế, hầu hết những đứa trẻ ở độ tuổi nổi loạn đều thường mang tâm lý “thu mình”, thay vì “mở lòng” để chia sẻ với bố mẹ.
Bởi vì trẻ sợ bố mẹ la mắng, và quan trọng là tỏ thái độ thất vọng nếu như trẻ hành động sai. Thậm chí, có một vài bậc phụ huynh còn tỏ ra khó chịu, vô tâm trước những chia sẻ của trẻ. Đó là lý do mà trẻ luôn ôm khư khư trong lòng nhiều vấn đề, mà không muốn giãi bày cùng bố mẹ.
Tuổi thơ của trẻ vốn dĩ trôi qua rất nhanh, đôi khi những ông bố bà mẹ vì tất bật với cuộc sống mà dần “vắng bóng” trong tuổi thơ của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần phải dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ với trẻ nhiều hơn. Điều này, không chỉ giúp trẻ có được những hướng đi đúng đắn, mà đồng thời cũng khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ càng trở nên tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, việc bố mẹ dành thời gian để lắng nghe con tâm sự, cũng là một biểu hiện của sự tôn trọng dành cho con. Đây là cơ hội tốt để củng cố niềm tin mà bố mẹ nhận được từ trẻ. Từ đó, trẻ sẽ không ngần ngại chia sẻ mọi vấn đề với bố mẹ, vì thế mà bố mẹ cũng sẽ kịp thời phát hiện và uốn nắn khi trẻ làm sai.
Nếu có thể “làm bạn” của con trên hành trình phát triển ở độ tuổi dậy thì, đó là một niềm hạnh phúc và thành công của mỗi ông bố, bà mẹ.
Dạy trẻ biết tự chăm sóc và bảo vệ bản thân
Chế độ sinh hoạt lành mạnh là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến trẻ trong tuổi dậy thì. Bố mẹ đừng nên lơ là mà hãy hướng dẫn trẻ sống có “quy tắc” hơn là việc để trẻ sống một cách buông lơi. Cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh, video nhạy cảm, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Với những thay đổi nhanh chóng trong đặc điểm tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, những tiếp xúc này sẽ gây hại cho trẻ. Hơn nữa, bố mẹ cũng cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, để có thể tránh được những hành động “quá trớn” của bạn khác giới.
Một vấn đề quan trọng không kém mà bố mẹ cũng nên bổ sung kiến thức cho trẻ, đó là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Trẻ cần hạn chế ăn những loại thực phẩm có chứa hormone và các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe. Rèn luyện cho trẻ thói quen, nề nếp ăn đủ chất và ăn đúng giờ.
Đồng thời, bố mẹ cũng cần dạy trẻ cách xây dựng đồng hồ sinh học sao cho hợp lý và khoa học, để sức khỏe của trẻ được chăm sóc tốt nhất.
Bố mẹ cũng cần dạy trẻ cách xây dựng đồng hồ sinh học sao cho hợp lý và khoa học, để sức khỏe của trẻ được chăm sóc tốt nhất.