Trong gia đình, mối quan hệ giữa mẹ và con cái luôn luôn là mối quan hệ gắn kết gần gũi nhất so với những thành viên khác. Tình mẫu tử thiêng liêng là nguồn sống của mỗi đứa trẻ. Vì vậy, sẽ thật khó tin khi một đứa trẻ chưa có sự hoàn thiện về nhận thức có thể bộc bạch ra những lời nói với ý nghĩa chán ghét, không thương mẹ.
Nếu như không có một yếu tố nào đó ảnh hưởng đến trẻ, trẻ hoàn toàn chưa đủ khả năng để hiểu một cách trọn vẹn “sức nặng” từ những lời nói mang tính “sát thương” lớn này. Trong khi đó, trẻ từ 3-5 tuổi sẽ có tốc độ học hỏi và bắt chước những điều mà mình nghe, nhìn và cảm nhận rất nhanh.
Tuy nhiên, quá trình sao chép của trẻ sẽ chưa có sự chọn lọc đúng, sai. Bởi vì, tư duy của trẻ còn rất non nớt. Nếu bố mẹ không kịp thời giáo dục cho trẻ, trẻ sẽ có thể học tập và làm theo những điều tiêu cực xuất hiện ở xung quanh.
Chị Hiểu Tâm (sống ở Trung Quốc) đang sống cùng gia đình chồng, và hiện đã có một cô con gái dễ thương tên là Bội Bội. Vì tính chất công việc bận rộn, nên Bội Bội phần lớn đều được bà nội chăm sóc. Bà như một bảo mẫu toàn thời gian của Bội Bội. Chị Hiểu Tâm luôn biết ơn mẹ chồng vì đã phụ chị trong vấn đề nuôi dạy con gái, vì vậy mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu này rất tốt.
Tuy nhiên, dạo gần đây chị Hiểu Tâm không biết vì sao con gái thường hay nói câu: “Con không thích mẹ”. Lúc đầu chị không để tâm quá nhiều, vì nghĩ rằng con đang đùa giỡn với mình.
Thế nhưng, câu nói này lại được lặp đi lặp lại với tần suất hầu như mỗi ngày, nên chị cảm thấy nghi ngờ phải có lý do nào đấy. Và chị đã chĩa sự ngờ vực lên bà nội của Bội Bội, đồng thời là mẹ chồng của chị.
Một sự trách móc đang dần trồi lên trong lồng ngực của chị. Bởi vì bà nội tiếp xúc với Bội Bội mỗi ngày nhiều nhất, nên chị cho rằng chính bà nội đã dạy câu nói đó cho Bội Bội. Sự đổ lỗi vô căn cứ xác thực của chị Hiểu Tâm đã khiến cho người chồng rất tức giận. Cuối cùng vì chuyện này mà hai vợ chồng cãi nhau một trận tơi bời.
Đến bữa cơm tối ngày hôm sau, sự thật mới dần được hé lộ. Sự thật này đã khiến cho chị Hiểu Tâm “há hốc mồm” và cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì đã trách nhầm mẹ chồng. Thì ra, câu nói đó là cô bé đã học được trong một bộ phim hoạt hình yêu thích mà cô thường xem qua điện thoại vào mỗi bữa ăn.
Trên thực tế, trẻ em ngày nay được tạo cơ hội tiếp xúc khá sớm với khoa học kỹ thuật. Nhiều trẻ sẽ được bố mẹ cho sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc tivi để học tập và giải trí.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ không có phương pháp giáo dục đúng đắn trong vấn đề này, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu. Đầu tiên là lạm dụng quá mức và đặc biệt là học hỏi những thông tin, âm thanh hay hình ảnh sai trái.
Với độ tuổi còn quá nhỏ trẻ sẽ có sự bắt chước một cách vô tội vạ. Vì vậy, để tránh trẻ phát triển trong môi trường lệch lạc thì bố mẹ cần tích lũy lời khuyên của các chuyên gia về vấn đề này, việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Phân bổ thời gian hợp lý để trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Mặc dù, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, Ipad… đang ngày càng phát huy vị thế của mình trong cuộc sống hằng ngày của con người. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức sẽ không chỉ không mang lại lợi ích gì cho người dùng, ngược lại còn phản tác dụng. Đặc biệt là với trẻ nhỏ - lứa tuổi chưa đủ “chiều sâu” để nhận thức ra tầm nguy hại của vấn đề.
Hầu hết những đứa trẻ đều sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc học tập và vui chơi, nhờ vào các thiết bị điện tử. Nhưng điều này chỉ thực sự hiệu quả đối với những đứa trẻ được giáo dục tốt, khi chúng biết phân bổ thời gian hợp lý để sử dụng. Vì vậy, bố mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ trong một ngày, như thế trẻ sẽ biết sắp xếp và lựa chọn thực hiện những điều quan trọng nhất, thay vì sa đọa trong các trò chơi vô bổ trên các thiết bị điện tử.
Ngoài ra, nếu bố mẹ để trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, trẻ sẽ giảm dần khả năng kết nối xã hội hay trải nghiệm thực tế. Thậm chí là đánh đổi cả thời gian dành cho gia đình. Nghiêm trọng hơn nữa là trẻ có thể mắc các bệnh như thiếu ngủ, mất tập trung, tăng cân...
Lạm dụng thiết bị điện tử quá nhiều trong một ngày sẽ không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Chọn lọc những nội dung lành mạnh và bổ ích
Theo nhiều chuyên gia, bố mẹ cần kiểm soát nội dung mà trẻ sẽ lựa chọn để học tập và giải trí trên các thiết bị điện tử. Bởi vì với tốc độ phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội, mỗi ngày đều có rất nhiều tin tức được cập nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những loại tin tức lành mạnh thì cũng sẽ có những tin tức rất tiêu cực.
Trẻ từ 3-5 tuổi vốn sẽ chưa biết cách để chắt lọc những loại thông tin bổ ích, để từ đó học hỏi bằng cách bắt chước theo những gì mà trong “màn hình thiết bị điện tử” biểu hiện. Vì vậy, trước khi cho trẻ xem, bố mẹ cần đảm bảo chất lượng nội dung bên trong của nó.
Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ lựa chọn những chương trình phục vụ cho nhu cầu học tập của trẻ, đồng thời phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể phát huy tốt nhất óc sáng tạo của bản thân.
Ngoài ra, việc bố mẹ hạn chế cho trẻ xem những chương trình có cách xây dựng nội dung hời hợt và sáo rỗng sẽ giúp cho trẻ tiết kiệm được thời gian đối với những điều mang giá trị vô bổ.
Nếu dạy trẻ biết cách chọn lọc những nội dung phù hợp, điều này sẽ giúp cho việc học hỏi của trẻ được nâng cao.
Bố mẹ làm gương cho trẻ noi theo
Không chỉ trẻ nhỏ mà thời gian các ông bố bà mẹ sử dụng thiết bị điện tử cũng đạt tần suất khá cao trong một ngày. Điều này, vô tình trở thành “rào cản” lớn của bố mẹ trong việc giáo dục trẻ.
Bởi vì trẻ sẽ có thái độ phản kháng và so sánh với bố mẹ, nếu như bố mẹ nghiêm khắc với chúng trong vấn đề sử dụng các thiết bị điện tử. Trong khi đó, bố mẹ lại chưa làm tốt ở trường hợp này để làm gương cho trẻ noi theo.
Ngoài ra, những nội dung bố mẹ xem thông qua các thiết bị điện tử cũng sẽ có sự ảnh hưởng đến trẻ. Trẻ sẽ thường mang xu hướng bắt chước vì cho rằng những điều bố mẹ xem là bổ ích.
Tuy nhiên, có những nội dung bố mẹ có quyền được xem nhưng trẻ thì không bởi vì chưa phù hợp với độ tuổi. Vậy nên, để tránh việc trẻ học tập những điều sai trái thì bố mẹ cần phải cẩn trọng trong hành vi sử dụng thiết bị điện tử trước mặt trẻ.
Các chuyên gia khuyên rằng, để quá trình nuôi dạy trẻ đạt được chất lượng tốt nhất và đem lại hiệu quả cao thì bố mẹ nên có sự “đồng hành” cùng trẻ. Thay vì để trẻ tự học tập và vui chơi trên các thiết bị điện tử, thì bố mẹ có thể dành nhiều thời gian hơn trong một ngày để thực hiện cùng với trẻ.
Điều này không chỉ giúp trẻ tăng kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử đúng đắn nhờ vào sự hướng dẫn từ bố mẹ, mà còn khiến cho tình cảm giữa bố mẹ và con cái có sự gắn kết mạnh mẽ hơn.
Bố mẹ nên dành thời gian để cùng trẻ học tập và vui chơi, điều này giúp trẻ phát triển tốt về IQ và EQ.