Chị Mạn Nhu (sống ở Trung Quốc) có cô con gái 8 tuổi tên là Dao Nguyệt. Hàng ngày ngoài giờ học ở trường thì cô bé sẽ được bà nội chăm sóc. Vì công việc bận rộn nên chị và chồng rất hay vắng nhà. Tuy nhiên gần đây, bà nội phát hiện Dao Nguyệt thường xuyên nói đau bụng.
Nhưng khi được bà bảo sẽ đưa đến bệnh viện thì cô bé nhất quyết kháng cự, và đưa ra yêu cầu muốn bố mẹ đưa đi khám. Bà nội liền kể lại chuyện này cho mẹ cô bé. Chị Mạn Nhu nhận được tin thì tỏ ra vô cùng sốt ruột, nghĩ rằng sức khỏe con gái đang gặp vấn đề xấu. Vì vậy liền lập tức trở về nhà đưa Dao Nguyệt đến gặp bác sĩ, chuyên gia sức khỏe để nhờ tư vấn.
Mọi lời nói dối của trẻ, đều có nguyên nhân đằng sau (Ảnh minh họa: Internet).
Sau khi có kết quả kiểm tra, mọi chỉ số cơ thể của cô bé đều bình thường. Điều này khiến bố mẹ Dao Nguyệt cảm thấy khó hiểu. Cuối cùng sau khi được bác sĩ, chuyên gia động viên thì cô bé cũng mở lời và thừa nhận việc bản thân đã nói dối, với nguyên nhân là muốn được bố mẹ quan tâm và dành thời gian cho cô bé nhiều hơn.
Nghe được lời này, bác sĩ lắc đầu nói với phụ huynh rằng: "Bố mẹ quá tệ", chỉ vì mãi mê làm việc mà để con thiếu vắng sự quan tâm và tình yêu thương, khiến con phải lựa chọn việc nói dối để giải quyết vấn đề tâm lý của mình. Chị Dao Nguyệt và chồng nhận lời chỉ trích của bác sĩ, cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Trong cuộc sống hàng ngày, việc trẻ nói dối diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải mọi lời nói dối đều là hành vi xấu, bố mẹ cần phải sáng suốt để tìm hiểu nguyên nhân. Lúc này la mắng hay đòn roi đều là hạ sách, phương pháp giáo dục phù hợp của bố mẹ sẽ quyết định rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ trong tương lai.
Về vấn đề trẻ nói dối, thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi sẽ có những lời chia sẻ đối với các bậc phụ huynh. Điều này sẽ giúp các ông bố bà mẹ có những góc nhìn chuẩn xác hơn, từ đó lựa chọn phương pháp giáo dục hiệu quả nhất cho con. Trong tương lai, trẻ sẽ trưởng thành với những nét tính cách tốt, đặc biệt là tính trung thực.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM.
Trẻ em nói dối là vấn đề không còn quá xa lạ với nhiều ông bố bà mẹ, thưa chuyên gia hành vi này xuất phát từ đâu? Tại thời điểm phát hiện trẻ nói dối, bố mẹ nên phản ứng như thế nào?
Thông thường chúng ta thường nói dối khi chúng ta biết nói ra sẽ không được chấp nhận, không được như ý, người nghe không thích, sợ làm tổn thương ai đó,... Đây cũng là lý do mà trẻ em nói dối. Như vậy, khi phát hiện trẻ nói dối thì cần tìm hiểu vì sao trẻ nói dối chứ không phải trách phạt trẻ vì tội nói dối.
Vì sau đó, nếu không giải quyết tận gốc thì trẻ sẽ tái phạm. Và khi trẻ nói dối không còn thấy ngại hay xấu hổ thì sẽ trở thành thói quen, điều này vô cùng tai hại. Nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con nói dối thường sẽ cảm thấy tức giận và lập tức lôi con ra để trách phạt, thậm chí còn dùng đòn roi và kết luận con là đứa trẻ hư hỏng, đây là cách hành xử cực kỳ không nên.
Khi cha mẹ phát hiện con nói dối thì điều đầu tiên là cho trẻ biết, cha mẹ đã biết sự thật. Để tránh con rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng, cha mẹ cần khẳng định với con là cha mẹ luôn ở đó, yêu thương, lắng nghe con, và sẽ tìm cách hỗ trợ hoặc tha thứ cho con nếu con nói thật.
Sau khi hiểu được nguyên nhân của việc nói dối, thì cần phân tích cho con biết nói dối có hại như thế nào (mất lòng tin của mọi người, không được tôn trọng, có thể bị lừa dối…). Sau đó, cha mẹ hướng dẫn con cách đạt được điều mình muốn bằng cách khác, hoặc hướng điều mong muốn của trẻ sang việc khác khả thi hơn nếu việc đó là không thực tế.
Có một vài ý kiến cho rằng, trẻ em biết nói dối thì sẽ là đứa trẻ hư. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại bác bỏ và cho rằng, trẻ em nói dối thường có IQ cao. Chuyên gia nghĩ gì về hai luồng ý kiến này?
Nói dối là hành vi không nên được khuyến khích, vì không ai trong chúng ta thích ở bên cạnh một người thường xuyên nói dối. Vả lại, niềm tin là thứ vô cùng quý giá với cuộc đời mỗi người mà chúng ta không nên đánh mất nó. Do vậy, dù là có IQ cao thật đi chăng nữa thì cũng không nên đánh đổi.
Ngược lại, một đứa trẻ biết nói dối không hẳn là hư, lúc này trẻ chỉ không biết cách có được những điều mình muốn một cách thẳng thắn hoặc chưa cảm thấy an toàn để nói thật.
Nhưng nếu không được giáo dục đúng đắn, mà ngược lại buông lơi cho trẻ tiếp tục nói dối thành quen thì lại vô cùng nguy hại cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần có sự uốn nắn và xây dựng những giá trị tốt đẹp của sự trung thực cho trẻ.
Có phải mọi lời nói dối của trẻ đều là xấu? Trong cuộc sống hoặc công việc, chuyên gia đã gặp trường hợp nào trẻ nói dối, nhưng lời nói dối lại "có ích" tại thời điểm đó?
Tất nhiên, dù là người lớn hay con nít thì chúng ta cũng biết rằng không phải mọi lời nói dối đều xấu, có những lời nói dối phù hợp hoàn cảnh và có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp. Nhưng chúng ta cũng hiểu, để có được sự tinh tế trong việc lựa chọn lời nói dối đem lại những điều tích cực, thì cần đủ sự trưởng thành và khéo léo ở trẻ.
Do đó, trẻ con cũng không nên được dạy phải nói dối để đạt một mục tiêu nào đó của bản thân trẻ hoặc của cha mẹ, người thân. Một số tình huống thường gặp mà trẻ nên nói dối như: có kẻ định tiếp cận trẻ với mục đích xấu, muốn tìm hiểu thông tin cá nhân của con hoặc thành viên gia đình với ý đồ không minh bạch, thì lúc này trẻ được khuyến khích nói dối để tự bảo vệ mình.
Hoặc là việc nhận xét về ngoại hình hay tính cách của ai đó, nếu trẻ nói một cách quá thẳng thắn trước mặt nhiều người thì đôi khi sẽ bị đánh giá là không lịch sự, không ý tứ. Do đó, ông bà ta mới có câu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Chuyên gia có lời khuyên nào cho bố mẹ trong việc dạy con tính trung thực ở từng độ tuổi? Cách tốt nhất để kỷ luật những đứa trẻ nói dối trong giai đoạn nổi loạn là gì?
Với con trẻ thì nên giáo dục càng sớm càng tốt giá trị của sự trung thực. Cha mẹ nên luôn luôn đề cao cũng như khuyến khích con trung thực với mọi người trong mọi hoàn cảnh.
Trước hết thì cha mẹ làm gương cho con bằng cách không nói dối con, không doạ con những điều không có thật, đã hứa thì nhất định phải làm. Đồng thời, giải thích mọi việc cho con thì cần chú ý nói sự thật ở mức độ con có thể hiểu.
Thứ hai, cha mẹ cần thường xuyên gần gũi, lắng nghe, cho con quyền được nói thật mà không phán xét, không trách phạt. Điều này cũng không phải dễ làm, người lớn chúng ta thường chỉ thích nghe những điều mình muốn nghe, và đôi khi trẻ nói thật thì chúng ta tỏ ra khó chấp nhận, buồn rầu, thậm chí tức giận mà trách phạt trẻ, cấm đoán trẻ, điều này có thể khiến trẻ rơi vào tình huống buộc phải nói dối.
Thứ ba, cha mẹ thường xuyên hướng dẫn con “lựa lời” trong khi giao tiếp với mọi người để dần trở nên khéo léo hơn, tinh tế hơn, an toàn hơn, giúp con không phải nói dối mà vẫn không gây tổn thương cho mình và người khác.
Khi trẻ lỡ nói dối thì cần uốn nắn lại ngay, bằng cách động viên con nói thật và khen ngợi con đã dũng cảm thừa nhận, hướng dẫn con nói như thế nào là đúng (vd: lần sau nếu con thích … thì con nên nói là … với ba mẹ nha, con không nên nói dối, vì như vậy sẽ mất lòng tin của mọi người…).
Cha mẹ cũng có thể kể nhiều câu chuyện thực tế, truyện tranh, chương trình truyền hình, hay xem nhiều video về hậu quả của việc nói dối để giáo dục con. Khi con đã có lòng tin về tính trung thực là giá trị đúng đắn và nên làm, thì trẻ sẽ lớn lên trở thành những đứa trẻ biết nói lời ngay thẳng.
Ngoài ra, nếu cha mẹ và con cái quá khác nhau trong quan điểm và hành xử, đặc biệt trong giai đoạn “nổi loạn” của con thì cha mẹ cũng cần học cách dung hoà để khoảng cách thế hệ được kéo gần lại, để hiểu, để thương và thông cảm cho con. Có như vậy, con trẻ mới "tâm phục khẩu phục" mà dám chia sẻ mọi thứ thật lòng với cha mẹ.