Trong hành trình khôn lớn của trẻ, bố mẹ sẽ là người đồng hành lâu bền nhất. Nhưng sự thật thì có những khoảng thời gian và không gian, khiến bố mẹ không thể ở bên trẻ trọn vẹn 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi trẻ đến độ tuổi đi học, phần lớn thời gian trẻ sẽ sinh hoạt và học tập ở trường. Vì vậy, trẻ phải rèn luyện để thích nghi, để có thể tự chăm sóc tốt chính bản thân mình.
Rời xa vòng tay của bố mẹ, nhiều đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng. Đặc biệt là khi trẻ bị bạn bè ăn hiếp ở trường. Từ đó, sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng trầm trọng.
Con gái của chị Mỹ Lâm (Trung Quốc) đang trong độ tuổi mẫu giáo. Bình thường cô bé hiền lành và ngoan ngoãn nên chị rất yên tâm. Vài ngày trước, cô bé mang gương mặt buồn bã với đôi mắt sưng húp trở về nhà và kể với chị câu chuyện con bị bạn trai cùng lớp bắt nạt.
Trong giờ học vẽ, bức tranh của cô bé được cô giáo khen, thấy thế nên cậu bạn bàn kế bên đã giật lấy nó khỏi tay cô bé. Thế là trong lúc xảy ra tranh giành, cậu bạn đã va phải mặt cô bé, vì đau nên con gái chị đã khóc. Đợi đến khi cô giáo nhận thấy sự việc và đến hòa giải, cô bé mới bình tĩnh lại và trở về nhà.
Với tính cách hung hăng, nóng tính và quan trọng là rất yêu thương con gái, chị Mỹ Lâm đã không ngồi yên để sự việc trôi qua mà lập tức gọi điện cho cô giáo. Ngày hôm sau đến lớp, cậu bạn đã bị cô giáo mắng một trận khiến cậu sợ hãi khóc lớn. Sự việc càng thêm phức tạp khi cậu bé kia cũng về méc bố mẹ mình. Cuối cùng trận chiến không có hồi kết, vì cả hai bên phụ huynh đều không ai nhường ai.
Trong tình huống này, thực tế sẽ có nhiều cách khác để giải quyết êm xuôi. Tuy nhiên, việc người lớn xử lý chưa khéo léo, vô tình ảnh hưởng tâm lý của đứa trẻ khác, mối quan hệ giữa những đứa trẻ cũng bị phá vỡ.
Dựa trên kết quả khảo sát, ngày nay vấn nạn trẻ bị bắt nạt vẫn còn tiếp diễn khá phổ biến. Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra 4 lời khuyên dành cho bố mẹ trong trường hợp con bị "ức hiếp".
Xoa dịu cảm xúc của trẻ
Tâm trạng của trẻ sẽ thay đổi rất lớn khi bị người khác bắt nạt, chẳng hạn như khóc lóc, la ré, quậy phá, thậm chí là có trẻ còn “dùng bạo lực khống chế bạo lực”. Tuy nhiên cũng có những đứa trẻ chọn cách im lặng chịu đựng, không phát tiết cảm xúc ra bên ngoài bởi vì tính cách rụt rè, nhút nhát.
Điều bố mẹ phải làm không phải là tỏ ra giận dữ hay la mắng trẻ, tìm cách xử lý đối tượng đã bắt nạt trẻ. Ngược lại, bố mẹ cần phải quan tâm đến cảm xúc của trẻ đầu tiên.
Sau đó tìm cách trấn an và xoa dịu để trẻ có thể lấy lại được sự bình tĩnh. Bởi vì cảm xúc của trẻ đang không được ổn định, nếu bố mẹ tác động mạnh thì cũng đồng thời làm cho “vết thương” trong tâm hồn của trẻ càng thêm khó chịu.
Cảm xúc của trẻ bị bắt nạt thường rất bất ổn, bố mẹ cần có những hành động âu yếm để trấn an trẻ.
Không can thiệp quá sâu vào câu chuyện
Muốn trẻ phát triển kỹ năng xử lý tình huống, và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, bố mẹ nên để trẻ tập tự giải quyết vấn đề của bản thân. Trong trường hợp trẻ bị bắt nạt không có tính quá nghiêm trọng, bố mẹ đừng nên can thiệp sâu.
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh khi nghe con bị ức hiếp ở trường, với tính khí nóng nảy và cộng thêm việc xót con, họ đã không đủ kiên nhẫn mà nghĩ ngay đến việc “đáp trả” cho con.
Lúc này, sự can thiệp của bố mẹ trong tình trạng cảm xúc không được khống chế tốt, chỉ làm cho “chuyện bé xé ra to”. Thậm chí đã xảy ra nhiều vụ án phụ huynh đánh nhau ở trường, chửi bới và hăm dọa bạn bè của con.
Ngoài ra, bố mẹ không nên tự ý mách cô nếu như chưa có sự thảo luận với trẻ trước. Bởi vì, tâm lý của mọi đứa trẻ đều không thích bản thân bị gắn nhãn mác là “kẻ mách lẻo”. Chiêu này đôi khi lại không hiệu quả mà còn khiến con rơi vào tình huống bị bạn bè ghét bỏ, “tẩy chay”.
Bố mẹ cần bình tĩnh để trẻ có cơ hội tự giải quyết vấn đề của mình, sự can thiệp sâu nên được sử dụng đúng lúc.
Lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân
Trước khi phán xét đúng sai và luận tội cho bất kỳ cá nhân nào, đầu tiên bố mẹ nên lắng nghe câu chuyện và tìm hiểu nguyên nhân. Trong quá trình điều tra sự việc con bị bắt nạt, bố mẹ phải thu thập đầy đủ dữ liệu để có thể đưa ra phương án giải quyết đúng đắn nhất, bằng cách lắng nghe câu chuyện từ nhiều nguồn, chẳng hạn như bạn bè hoặc cô giáo của con. Trong đó, chính trẻ nên được lắng nghe đầu tiên.
Sở dĩ như vậy là vì có nhiều đứa trẻ sau khi bị bạn bè ức hiếp, để trốn tránh bị phát hiện đã tiếp tục hành vi hăm dọa. Với tính tình nhút nhát, một vài đứa trẻ sẽ chọn cách im lặng chịu đựng, hoặc nói dối thay vì thành thật chia sẻ với bố mẹ. Nếu tình trạng này kéo dài, bố mẹ sẽ vô tình bỏ qua vấn đề của trẻ, và hậu quả là trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần.
Cảm xúc của trẻ bị bắt nạt thường khá nhạy cảm. Vì vậy, la mắng hay “trừng mắt” nhìn trẻ là hành vi bố mẹ tuyệt đối không nên làm.
Cách hiệu quả nhất để bố mẹ có thể hiểu tường tận vấn đề, và đưa ra lời khuyên phù hợp cho trẻ là chú ý lắng nghe và tâm sự với trẻ nhiều hơn. Khi trẻ cảm nhận được có người lắng nghe mình, bé sẽ bớt sợ hãi và lấy lại được sự tự tin.
Trước khi bố mẹ đưa ra lời khuyên, việc lắng nghe suy nghĩ của trẻ để hiểu rõ sự việc là rất quan trọng.
Đưa ra lời khuyên phù hợp
Dựa trên tình hình thực tế vấn đề trẻ bị bắt nạt, bố mẹ kịp thời đưa ra lời khuyên đúng đắn sẽ giúp con giải quyết được sự việc, theo một cách hiệu quả nhất. Từ đó, quá trình sinh hoạt và học tập của trẻ ở trường sẽ quay về nề nếp bình thường.
Vì kinh nghiệm và kỹ năng của trẻ chưa “già”, trong tình huống này trẻ sẽ không tự mình “lo liệu” tất cả. Trẻ cần lời khuyên từ bố mẹ, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Lời khuyên có giá trị mở rộng “góc nhìn”, giúp trẻ suy nghĩ vấn đề một cách kỹ lưỡng, có sự cân đo đong đếm để lựa chọn phương án giải quyết phù hợp.
Đồng thời, trẻ cũng sẽ được tiếp thu những kiến thức và kinh nghiệm từ bố mẹ. Điều này có lợi cho quá trình rèn luyện các kỹ năng xã hội của trẻ, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, xây dựng các mối quan hệ,... Trong tương lai, trẻ sẽ trở thành một người chín chắn từ trong suy nghĩ cho đến hành động.
Lời khuyên của bố mẹ trong tình huống này sẽ giúp trẻ định hướng được cách giải quyết vấn đề đúng đắn nhất.