Nếu một ngày con đi học về khóc và không muốn đi lớp nữa thì cha mẹ phải xử trí như thế nào? Mới đây một bà mẹ ở Trung Quốc vì quá bức xúc đã chia sẻ câu chuyện của bản thân và con gái lên mạng xã hội để mong mọi người đưa ra phương án giải quyết cho gia đình chị.
Bà mẹ này cho hay vào một ngày nọ khi đón con gái từ nhà trẻ về cô vô cùng bất ngờ vì con khóc nức nở không nói nên lời, thậm chí còn nói từ mai không muốn đi học nữa.
Dỗ dành và gặng hỏi con gái, người mẹ biết được hóa ra câu chuyện bắt nguồn từ bộ trang phục của cô bé. Ngày hôm ấy chị mặc cho con một chiếc quần áo yếm xinh xắn màu xanh. Tuy nhiên khi cô bé ở trường muốn đi vệ sinh đã không thể tự cởi được mà phải nhờ cô. Cô giáo bận rộn đã cảm thấy vô cùng bực bội vì chiếc quần áo quá phức tạp của em học sinh này nên có mắng em bé và nói từ sau không được mặc quần áo như thế này đến trường nữa.
Giọng điệu trách mắng của cô giáo đã làm cô bé sợ nhưng về tới nhà mới dám khóc và phàn nàn với mẹ. Người mẹ biết chuyện đã rất tức giận. Phụ huynh này cho rằng việc của cô giáo mầm non là quan tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của học sinh. Nếu học sinh gặp bất tiện khi đi vệ sinh thì việc cô giúp đỡ cũng là chuyện bình thường, tại sao lại có thể nói những lời cay đắng như vậy với em bé làm cho con có cảm giác không muốn đi học nữa.
Người mẹ vô cùng bức xúc nên đã đăng tải câu chuyện của mình để xin ý kiến và hướng giải quyết của các bậc cha mẹ khác. Tuy nhiên những ý kiến trái chiều mà bà mẹ nhận về lại nhiều hơn ý kiến đồng tình ủng hộ. Có người còn chỉ trích người mẹ thẳng thừng "Người sai từ đầu chẳng phải là chị sao, sau đó mới dẫn tới câu nói sai lầm của cô giáo"; "Con đi học mầm non thì đừng cho ăn mặc kiểu này"; "Con mặc đẹp là một chuyện nhưng hãy quan tâm tới nhiều khía cạnh khác, với bộ trang phục như thế này dễ làm cô nổi cáu là phải"; "Giáo viên mầm non thực sự có nhiệm vụ chính là chăm sóc cơm ăn áo mặc cho các em nhưng họ không phải chỉ chăm cho mình con bạn"...
Trên thực tế quả đúng như một số ý kiến từ dân mạng, giáo viên mầm non thường sẽ phụ trách 20-40 em học sinh mỗi lớp nên không thể chăm sóc chu đáo cho tất cả các em. Bên cạnh đó, cô giáo ngoài chăm sóc còn thiên về dạy học sinh cách thích nghi với cuộc sống tập thể một cách độc lập. Trong trường học, giáo viên đóng vai trò phụ trợ, chủ yếu là dạy học sinh phát triển khả năng tự lập.
Chính vì thế khi cha mẹ mặc cho con một số bộ trang phục khó cởi có thể làm tăng thời gian của cô giáo. "Tôi có thể hiểu những gì cô giáo nói, ở trường, nhiều phụ huynh thích cho học sinh ăn mặc dễ thương, đặc biệt là các em gái. Khi đến trường, chị có thể mặc quần yếm, áo liền quần, váy công chúa,... nhưng học sinh mặc những bộ quần áo này không thể tự mình đối phó được, một số chiếc váy rộng cũng rất dễ bị bẩn.
Lúc này, học sinh sẽ thường xuyên cần đến sự giúp đỡ của giáo viên. Một lớp có 2 hoặc 3 học sinh như vậy, giáo viên sẽ bận rộn với những học sinh này cả ngày và bỏ bê những học sinh khác"- một phụ huynh cho hay.
Vì vậy, các giáo viên thường nhấn mạnh với cha mẹ rằng khi cho con đến trường hãy cố gắng chọn cho con trang phục thể thao nhẹ nhàng. Con được chạy nhảy thoải mái mà cô giáo cũng có nhiều thời gian hơn để dành cho những công việc đúng chuyên môn là dạy dỗ.
Nguồn: