Trên thực tế, mặc dù hầu hết các trường mẫu giáo ngày nay đều có đồng phục, nhưng do tính chất đặc biệt của học sinh mẫu giáo nên các trường nhìn chung không quá khắt khe, yêu cầu học sinh mặc đồng phục hàng ngày. Vậy nên nhiều đứa trẻ thường được bố mẹ lựa chọn mặc quần áo tự do khi đến trường. Trong vấn đề này, một số phụ huynh coi sự thoải mái là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng có một số bố mẹ muốn con được mặc đẹp đi học.
Chị Tống (Trung Quốc) có một cô con gái nhỏ đang ở độ tuổi mẫu giáo. Vì là "công chúa" duy nhất trong gia đình nên Tiểu Ngọc được bố mẹ chăm sóc vô cùng chỉnh chu. Sau khi về nước định cư, Tiểu Ngọc cũng được chuyển trường về học ở gần khu chung cư gia đình đang thuê.
Những ngày đầu tiên đến lớp, cô bé được mẹ cho diện các kiểu váy đầm công chúa cực kỳ xinh xắn, ai nhìn vào cũng xuýt xoa. Thế nhưng vài ngày sau đó, Tiểu Ngọc đã than thở với mẹ rằng, cô bé chưa làm quen hay thân thiết với bạn học nào ở trường cả, điều này khiến chị Tống khá hoang mang vì chị rất hiểu tính cách của con gái, cô bé vốn hoà đồng và thân thiệt lắm.
Thậm chí, cô giáo chủ nhiệm của con còn mời chị Tống đến trường để gặp mặt và thảo luận về chuyện này. Sau khi đến trường gặp cô chủ nhiệm của con, chị Tống rất bất ngờ khi nghe cô khuyên đừng cho con gái mặc đầm công chúa đến trường nữa. Và lý do là bởi vì Tiểu Ngọc ăn mặc quá nổi bật, toàn quần áo lộng lẫy và đắt tiền nên không có bạn học nào muốn lại gần hay kết bạn với cô bé.
Tiểu Ngọc diện đầm công chúa lộng lẫy đến trường.
Về nhà, chị Tống tiếp tục hỏi chuyện con gái thì cũng được biết, ở lớp các bạn đều mặc đồ đơn giản, thoải mái, không ai mặc váy vóc rườm rà như Tiểu Ngọc cả. Tuy nhiên vì từ trước đến nay, Tiểu Ngọc được mẹ nuôi dưỡng, chăm làm điệu nên lúc nào cũng trau chuốt vẻ bề ngoài vô cùng xinh đẹp, vả lại bản thân Tiểu Ngọc cũng rất thích điều này.
Cô bé rất thích diện những chiếc váy đầm xinh xắn.
Dẫu vậy thì trong trường hợp ở trên, có thể trang phục ăn mặc của Tiểu Ngọc chưa thực sự phù hợp. Trên thực tế, dù là bố mẹ hay bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ muốn bản thân xuất hiện trước người khác với diện mạo xinh đẹp, rạng rỡ nhất. Thế nhưng mặc đẹp không có nghĩa là phải được thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Bởi nếu trang phục không phù hợp với hoàn cảnh thì tính thẩm mỹ sẽ không có giá trị. Đó là lý do mà bố mẹ nên hiểu và có cách giáo dục con đúng đắn trong vấn đề này.
Việc ăn mặc có thể ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình hình thành nhân cách và lối sống của trẻ ở trường như thế nào?
- Tăng cường sự tự tin: Cách trẻ ăn mặc có thể ảnh hưởng đến mức độ tự tin và tự nhận thức của trẻ. Khi trẻ cảm thấy tự tin về ngoại hình và thoải mái trong trang phục của mình, trẻ có thể lưu loát hơn trong việc giao tiếp và tương tác với bạn bè, thầy cô giáo. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy cách mình ăn mặc không phù hợp, có vấn đề, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả khi trẻ tương tác với mọi người xung quanh.
- Thiết lập các mối quan hệ: Trẻ nhỏ thường rất muốn hòa nhập và xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Trẻ có thể chú ý đến cách mọi người ăn mặc để tìm hiểu phương pháp thích nghi. Nếu trẻ không thể mặc giống như bạn bè hoặc không tuân thủ được những quy tắc xã hội về trang phục, trẻ có thể cảm thấy lẻ loi hoặc bị cô lập.
- Tư duy về hình ảnh, giá trị bản thân: Môi trường xã hội và truyền thông có thể tạo ra áp lực về hình ảnh đối với trẻ. Qua việc quan sát những hình mẫu đẹp và xu hướng thời trang, trẻ có thể phát triển một tư duy về hình ảnh cũng như đặt ra tiêu chuẩn về cái đẹp cho chính mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự đánh giá, và nhận định về giá trị bản thân của trẻ.
- Tư duy về quy tắc và tập quán: Trẻ học cách tuân thủ các quy tắc và tập quán xã hội thông qua việc ăn mặc. Trẻ học cách chọn lựa trang phục phù hợp với hoàn cảnh, hiểu về các quy tắc và tiêu chuẩn về trang phục của xã hội. Việc học và tuân thủ các quy tắc này có thể trở thành nền tảng, giúp trẻ phát triển tính kỷ luật và tư duy sắp xếp tỉ mỉ trong cuộc sống.
Vậy bố mẹ có nên hướng dẫn, kiểm soát việc ăn mặc của con ở trường?
Việc bố mẹ hướng dẫn và kiểm soát chuyện ăn mặc của con ở trường là một vấn đề phức tạp và cần xem xét từ nhiều góc độ. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét khi quyết định liệu bố mẹ nên thực hiện việc này hay không:
- Quyền tự do cá nhân: Trẻ cần có quyền tự do cá nhân và năng lực tự đưa ra quyết định đối với vấn đề ăn mặc của mình. Việc bố mẹ cho phép con tự chọn lựa trang phục có thể giúp trẻ phát triển tính sáng tạo, khám phá hình ảnh cá nhân và xây dựng sự tự tin.
- Thích ứng xã hội: Tuy nhiên, khi bố mẹ có sự hướng dẫn và kiểm soát việc ăn mặc của trẻ, điều này cũng có thể giúp con thích ứng và tự tin hơn trong môi trường xã hội. Ở nhiều trường hợp, việc có một số quy tắc về trang phục có thể giúp trẻ tránh các tình huống không phù hợp hoặc gây phiền toái cho người khác.
- Quy định của trường: Một số trường học có quy định rõ ràng về trang phục và yêu cầu học sinh tuân thủ. Trong trường hợp này, bố mẹ cần hướng dẫn con tuân thủ quy định của trường và giải thích vì sao việc này quan trọng.
- Sự đồng thuận và thảo luận: Thay vì chỉ định một cách cứng nhắc, bố mẹ có thể thảo luận và đạt được sự đồng thuận với con về vấn đề ăn mặc. Như vậy thì bố mẹ không cần phải nhắc nhở hay quản lý con quá nhiều trong việc này, mà tự nguyện trẻ sẽ có ý thức tuân thủ theo thoả thuận chung đã được thống nhất với bố mẹ.
- Sự giáo dục: Bố mẹ có thể đóng vai trò là người hướng dẫn, giáo dục trong việc giải thích về quy tắc xã hội, phong cách ăn mặc phù hợp thể hiện sự tôn trọng người khác với trẻ. Bố mẹ cần giúp con hiểu rằng, việc ăn mặc đẹp không chỉ được nhìn nhận và có giá trị ở tính thẩm mỹ mà còn liên quan đến thái độ tôn trọng, lịch sự và tương tác tốt với mọi người.