Việc trẻ hòa nhập với bạn bè và thầy cô những ngày đầu đi mẫu giáo là khá khó khăn nên khiến bố mẹ lo lắng. Tuy nhiên khi bé đã cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo dành cho và sự quan tâm của bạn bè, chắc chắn sẽ rất vui vẻ khi đến trường.
Con gái chị Trương (Trung Quốc) cũng từng có khoảng thời gian như vậy. Cô bé đi mẫu giáo từ những năm 3 tuổi, giờ đã là 5 tuổi. Mỗi ngày đi học về thường kể cho mẹ rất nhiều chuyện vui ở lớp. Nhìn con lúc nào cũng sôi nổi đáng yêu nên bà mẹ vô cùng yên tâm.
Tuy nhiên dạo gần đây con gái chị Trương thay đổi hoàn toàn, cô bé thường nói không thích đi học, thậm chí phản kháng dữ dội khi mỗi sáng phải thức dậy đi học. Chị Trương biết rằng chắc chắn ở trường đã có chuyện chẳng lành nên quan sát con kĩ hơn.
Vào một ngày đón con từ nhà trẻ về, chị Trương cảm thấy lo lắng khi con liên tục kêu đau, bé ôm chặt đầu rồi kêu ca, thậm chí muốn cắt sạch tóc trên đầu đi. Quá lo lắng, chị Trương đến bên ôm ấp, vỗ về con gái rồi xoa xoa đầu. Thế nhưng bà mẹ không ngờ khi xoa đầu con gái lại phát hiện có khá nhiều tóc rụng ra. Chị vội vàng tháo những chun buộc tóc trên đầu con xuống thì lại càng có nhiều tóc rụng hơn bị quấn vào chun.
Thường ngày con gái cứ về nhà là tự giật chun buộc tóc ra nên chị cũng không để ý cho đến hôm nay mới hiểu ra được lý do vì sao con cứ ôm đầu kêu đau. Hóa ra vì cô giáo ở lớp thường giúp các con buộc tóc, tết tóc gọn gàng vào mỗi buổi chiều, tuy nhiên vì các cô buộc quá chặt khiến con bị đau đầu, thậm chí là rụng tóc.
Thương con gái đã phải chịu đau bao lâu nay, chị Trương quyết định quay lại trường mẫu giáo ngay để nói chuyện với cô vì trường cũng gần nhà. Chị vừa đi vừa khóc vì xót xa con. Khi gặp cô, chị Trương đã đưa ra những sợi dây buộc tóc của con gái vẫn còn nguyên những sợi tóc rụng, bà mẹ bày tỏ mong cô từ sau đừng buộc tóc chặt cho con như thế để tóc không còn rụng, con không còn đau đầu nữa.
Tuy nhiên trước lời "vạch tội" của người mẹ, cô giáo cũng bày tỏ "nếu buộc tóc lỏng cho các con thì chỉ cần các con nô đùa một chút là sẽ bị rối bời ra ngay, vừa nóng lại bê bết mồ hôi cũng 'hại' không kém. Chính vì thế chúng tôi mới phải buộc chặt, tết đẹp cho các con. Hẳn sẽ không có bà mẹ nào muốn đón con về trong tình trạng đầu tóc rối bù. Để thuận tiện, tốt nhất mẹ nên cắt tóc ngắn cho con". Câu nói này của cô giáo lại càng khiến chị Trương tức giận hơn vì như thế là cô không hiểu nỗi đau của con, bà mẹ muốn tìm trường mới để chuyển cho con.
Thực tế, câu trả lời của cô giáo có phần hợp lý bởi học sinh mẫu giáo thích nô đùa, chạy nhảy nên việc buộc quá lỏng có thể khiến tóc dễ dàng bị rơi ra. Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà buộc chặt tới mức làm tổn thương tóc và da đầu của trẻ.
Buộc tóc chặt khiến da đầu con bị tổn thương
Tóc của bé mong manh hơn rất nhiều so với tóc của người lớn, đồng thời cũng rất mềm và mượt. Với những mái tóc như thế, mẹ phải cột thật chặt mới có thể giữ được tóc, không bị rơi tóc. Khi mẹ làm như thế, đồng nghĩa với việc đã khiến tóc con dễ dàng bị gãy rụng.
Bác sĩ da liễu cũng không khuyến khích cột tóc chặt, đặc biệt là trẻ em. Bệnh mất tóc (alopecia) hay rụng tóc xảy ra khi tóc bị cột chặt trong một khoảng thời gian kéo dài liên tục. Nó sẽ làm yếu nang tóc cho đến khi những sợi tóc con và khỏe hơn cũng bị mất hoàn toàn. Nếu mẹ tết tóc, cột đuôi ngựa hay dùng tóc giả đều sẽ tạo lực lên nang tóc, từ đó dẫn đến rụng tóc.
Chính vì thế tốt nhất cha mẹ và cô giáo không nên buộc tóc quá chặt cho con. Bố mẹ cần nhắc nhở con nếu cảm thấy cô giáo buộc tóc quá chặt cần có ý kiến phản hồi ngay lại với cô hoặc mẹ để không bị ảnh hưởng.
Cắt tóc ngắn cho con
Ngoài ra, một ý kiến cũng hợp lý khác với trẻ mẫu giáo để vừa gọn gàng lại không bị chun tóc làm ảnh hưởng tới da đầu, nang tóc đó chính là có thể cắt tóc ngắn cho con.
Trẻ gái có mái tóc ngắn thì khi chăm sóc, cô giáo chỉ cần chải chuốt nhẹ nhàng và không cần buộc quá chặt. Sau này khi con lớn lên, mẹ có thể nuôi tóc dài làm điệu cho con cũng chưa muộn.
Nguồn: