Nuôi con trong xã hội hiện đại không còn là chuyện đơn giản chỉ nuôi cái ăn mặc, học hành mà việc đảm bảo an toàn cho một đứa trẻ cũng được phụ huynh quan tâm hàng đầu. Mọi mối nguy hại có thể đến bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào nên người lớn phải trang bị cho bản thân và con cái những bài học và cách xử lý tình huống, phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Một vụ việc xảy ra ở tỉnh Phúc Kiến ngày 2/11 đã thu hút sự chú ý trên phương tiện truyền thông Trung Quốc, như một lời cảnh báo cho nhiều bậc cha mẹ cần cẩn trọng hơn trong việc trông nom con cái.
Câu chuyện xảy ra trên xe bus
Theo bài đăng trên Sohu, cô gái có tên là Linh Linh bắt chuyến xe bus cuối ngày về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, cô cũng chính là người chứng kiến toàn bộ vụ việc xảy ra. Theo Linh Linh, khi đang chờ xe bus, một người đàn ông bế đứa trẻ 2 tuổi cùng lên xe, len lỏi vào giữa đám đông. Có một điều kỳ lạ là người đàn ông này dù bế con nhỏ ra ngoài nhưng lại không mang bất cứ vật dụng nào như bình sữa, quần áo... giống với các bà mẹ bỉm sữa khi đưa con đi cùng.
Tuy nhiên, vì là chuyến xe cuối ngày nên những hành khách trên xe cũng mệt mỏi, chỉ mong muốn được về nhà nhanh nhất có thể, không ai để ý đến người đàn ông và đứa trẻ kỳ lạ. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng đây là người bố bế con ra ngoài, chứ không hề nhận ra những đặc điểm lạ lẫm của người này. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi đứa trẻ 2 tuổi liên tục khóc trên xe bus, người đàn ông kia không hề dỗ dành, cưng nựng, chỉ giữ thái độ im lặng thản nhiên đến đáng sợ.
Người đàn ông bế bé 2 tuổi nhưng không trả lời được thông tin về đứa trẻ, khi bé khóc không hề dỗ dành
Khi em bé ngày càng khóc to, mọi người trên xe bắt đầu để ý, lúc này người đàn ông mới lúng túng, tránh hàng chục ánh mắt đang nhìn mình. Một ông lão trên xe hỏi "Con anh khóc mà anh không dỗ nó à? Anh có phải bố nó không vậy?". Như chạm đúng tim đen, người đàn ông lúng túng đến mức đánh rơi một chiếc giày của em bé, loay hoay tìm cách xuống xe.
Các hành khách trên xe nhận thấy sự khác lạ của người đàn ông, họ liên tục hỏi tên tuổi, địa chỉ của người này cùng đứa trẻ, đáp lại là thái độ sợ hãi, gương mặt hoảng sợ. Lo lắng đây có thể là một vụ bắt con trẻ con, tài xế xe bus đã lái xe vào đồn cảnh sát trình báo, không ngờ lại cứu được một gia đình.
Tại đồn cảnh sát, người đàn ông kia không có giấy tờ và thông tin chứng minh mình là bố của em bé nên đã bị giữ lại, em bé được giải cứu, trao trả cho gia đình. Linh Linh là nhân chứng đã chứng kiến toàn bộ vụ việc, cô đã kể lại sự việc với Sohu, vụ việc trở thành đề tài nóng cho hàng trăm nghìn người.
Việc đảm bảo an toàn cho con cái luôn là việc quan trọng hàng đầu với bố mẹ, không phải em bé nào cũng may mắn như trường hợp trên. Tại Trung Quốc, có rất nhiều trường hợp đau lòng, trẻ em bị bắt cóc, buôn bán bất hợp pháp, lưu lạc hàng chục năm trời, đến khi nhận lại được gia đình bố mẹ cũng ở bên kia dốc cuộc đời. Nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé vì con cái mất tích, bố mẹ ôm nỗi đau không thể diễn tả vì sự táng tận lương tâm của những kẻ bắt cóc, buôn người.
Nhiều chuyên gia cho biết, những kẻ buôn người thường nhắm đến các đối tượng trẻ em hay đi một mình đi học, đi ra ngoài không có bố mẹ đưa đón, hay những đứa trẻ có vẻ ngoài bẩn thỉu, bừa bộn vì thường những đứa trẻ này bố mẹ không quan tâm nhiều đến con, có thể dễ dàng tiếp cận và hành động. Hoặc những đứa trẻ cởi mở, dễ gần dễ nói chuyện, không cảnh giác với người lạ, những đứa trẻ thích giúp đỡ người khác. Bằng thủ đoạn tinh vi, kẻ buôn người có thể đóng giả người gặp nạn, hay đơn giản hỏi đường, nhờ đứa trẻ đưa đi để tiếp cận và làm việc xấu.
Xã hội phát triển ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi của bọn buôn người, trở thành vấn nạn nhức nhối nhưng vẫn không thể có cách giải quyết triệt để, cách duy nhất là tự bảo vệ gia đình con cái. Bố mẹ nên ghi nhớ những điều này để giữ an toàn tính mạng cho bản thân, con cái:
Giữ trẻ trong tầm mắt
Trẻ con chưa phân biệt được người tốt người xấu rõ ràng, chúng có thể bị dụ chỉ bằng 1 món đồ chơi, 1 viên kẹo nên bố mẹ phải để mắt đến con mọi lúc mọi nơi, hạn chế sử dụng điện thoại khi trông con, không rời con dù là nửa bước. Trẻ từ 3 tuổi trở nên, bố mẹ có thể trang bị đồng hồ định vị thông minh cho con cái, phòng trường hợp bất trắc, con có thể liên lạc với bố mẹ.
Đảm bảo an toàn cho trẻ là điều vô cùng quan trọng
Ghi nhớ những đặc điểm của con
Khi một đứa trẻ bị lạc, cha mẹ có 1 giờ đồng hồ đầu tiên được coi là thời gian vàng để tìm kiếm con, càng để lâu xác suất tìm thấy con cái càng xa vời. Nhiều người đến khi con mất tích mới để mắt đến con, họ không nhớ được những đặc điểm quần áo, tóc tai và đặc điểm của con. Nên nhớ đây là những manh mối quan trọng để tìm thấy con dễ dàng nhất.
Dạy con phản ứng với người lạ
Bố mẹ nên cho trẻ nhận thức được người xấu, kẻ buôn người trong khả năng hiểu biết của trẻ, để trẻ hiểu có người xấu tồn tại quanh mình, biết cảnh giác với người lạ. Dạy trẻ không nói chuyện với người lạ khi đi một mình, không ăn đồ ăn của người lạ cho, không đi cùng người lạ...
Dạy trẻ không tiếp xúc, đi cùng người lạ hay nhận đồ ăn, thức uống từ người lạ
Dạy trẻ vai trò của cảnh sát, bảo vệ, khi thấy gặp hiểm nguy hãy kêu cứu người xung quanh, chạy đến những người có trang phục cảnh sát, bảo vệ. Bố mẹ có thể cùng con chơi các bài tập xử lý tình huống, như vậy trẻ sẽ tiếp thu nhanh, ghi nhớ tốt hơn.
Dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của gia đình
Ngày nay ai cũng có điện thoại di động nên nếu trẻ bị bắt cóc hay thất lạc, số điện thoại là đầu mối duy nhất nhanh nhất để có thể liên lạc. Khi con được 3 tuổi, bố mẹ nên dạy con ghi nhớ tên, số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà, để ngay khi xảy ra tình huống nguy hiểm, con cái vẫn có thể tự trình báo về nhà để tránh bi kịch.